Sàn giao dịch việc làm quốc gia kết nối doanh nghiệp và người lao động
Hiện nay, Cục Việc làm đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu giao dịch việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và đang đề xuất dự án đầu tư. Việc này đảm bảo một hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn. 63 trung tâm dịch vụ việc làm sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc.
Giao diện đang triển khai thử nghiệm của Sàn giao dịch việc làm quốc gia (ảnh chụp màn hình-v-)
Báo cáo Thủ tướng về việc thành lập Sàn giao dịch việc làm trước ngày 8/9/2023
Mới đây, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 354/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp về việc thành lập các Sàn giao dịch việc làm, công nghệ, giao dịch bất động sản và giao dịch quyền sử dụng đất.
Thông báo kết luận nêu rõ, thực tế hiện nay, thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất, việc làm và khoa học công nghệ đang hình thành và có xu hướng phát triển mạnh mẽ trên cơ sở nền tảng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Sự hình thành và phát triển của các giao dịch này phù hợp với xu thế phát triển hiện nay của các quốc gia trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, hoạt động giao dịch bất động sản, quyền sử dụng đất, việc làm và khoa học công nghệ mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu của thị trường; chưa có cơ sở pháp lý cụ thể, chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ cho việc ứng dụng, phát triển và quản lý đảm bảo hoạt động hiệu quả, công khai và minh bạch của các giao dịch này.
Để thị trường bất động sản, quyền sử dụng đất, việc làm và khoa học công nghệ hoạt động công khai, minh bạch, giảm thiểu rủi ro, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí và phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, cụ thể là đẩy mạnh phát triển và hoạt động hiệu quả hệ thống các sàn giao dịch nói trên, Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Khoa học và Công nghệ, trong phạm vi, chức năng quản lý của Bộ hoàn thiện báo cáo, trong đó, đánh giá kỹ cơ sở chính trị, pháp lý, thực trạng, kinh nghiệm thực tiễn và giải pháp ứng dụng, phát triển, quản lý hoạt động giao dịch bất động sản (bao gồm bất động sản là quyền sử dụng đất), việc làm và khoa học công nghệ phù hợp với phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý.
Đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo hình thức phù hợp để làm cơ sở phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động giao dịch bất động sản (bao gồm bất động sản là quyền sử dụng đất), việc làm, khoa học công nghệ phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 8/9/2023.
Cục Việc làm đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu
Theo Cổng thông tin Cục Việc làm, trước đó, tại Bình Dương đã diễn ra buổi Tọa đàm về phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm. Cục trưởng Cục Việc làm Vũ Trọng Bình đã tham dự, phát biểu chỉ đạo.
Theo Cục trưởng Vũ Trọng Bình, Tọa đàm là hoạt động rất quan trọng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, của địa phương xem nhu cầu về thể chế, chính sách. Từ đó, Bộ LĐ-TB&XH có thể kiến nghị với Chính phủ ban hành trong thời gian tới.
Theo Cục trưởng, 10 năm qua, thị trường lao động của chúng ta quy mô còn nhỏ, các thể chế thị trường lao động mới được thiết lập có hành lang pháp lý như Trung tâm Dịch vụ việc làm, doanh nghiệp dịch vụ việc làm và các sàn giao dịch việc làm.
Hiện nay, Cục Việc làm đang triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu giao dịch việc làm kết nối với cơ sở dữ liệu dân cư và đang đề xuất dự án đầu tư. Việc này đảm bảo một hệ thống cơ sở dữ liệu rất lớn. 63 Trung tâm Dịch vụ việc làm sẽ sử dụng cơ sở dữ liệu toàn quốc, gắn với việc làm trống.
Khi xây dựng xong, đơn vị sẽ tiến tới hoàn thiện hệ thống giao dịch việc làm toàn quốc hoàn chỉnh hơn, hiện đại hơn. Lãnh đạo Cục Việc làm nhận định, để bảo đảm hoạt động đồng bộ, hiện đại, bắt buộc phải có những hành lang pháp lý cho những thể chế này thực sự phát triển. Cần ban hành hành lang pháp lý bao gồm các quy định, chính sách cụ thể đối với từng loại hình sàn giao dịch việc làm thông qua các văn bản luật và văn bản dưới luật...
Đặc biệt, để Sàn giao dịch việc làm quốc gia phát triển và tận dụng được sức mạnh của xã hội thì sự tham gia của nhà nước, tư nhân, các hiệp hội nghề nghiệp là vô cùng cần thiết. Các đơn vị này sẽ là cầu nối giữa các doanh nghiệp, người lao động tới hệ thống sàn tập trung của quốc gia. Và ngược lại, các đơn vị này cũng là nơi để sàn chuyển tải thông tin, chính sách mới nhất tới doanh nghiệp và người lao động.
(theo Lao động và Công đoàn)
-v-