Giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân,viên chức, lao động theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Đăng ngày 18/05/2021
Lượt xem: 621068
100%

Chủ nghĩa yêu nước là động lực giúp dân tộc ta chiến đấu, chiến thắng mọi kẻ thù và đứng vững trước những thử thách nghiệt ngã của lịch sử. Vì vậy, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho mỗi người dân Việt Nam là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh, đó cũng là yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng. Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân, viên chức, lao động có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt.

Chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh là di sản tư tưởng, là tài sản tinh thần to lớn của Ðảng và dân tộc ta.  Giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân, viên chức, lao động  theo quan điểm Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay cần tập trung các nội dung sau:

Thứ nhất, yêu nước gắn với giữ vững độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội: Truyền thống yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc ta được lưu truyền và phát triển từ hàng nghìn năm qua, nó luôn là cội nguồn, là sức mạnh của dân tộc, luôn là dòng chảy trong mỗi trái tim con người Việt. Người đã khơi dậy lòng yêu nước của mỗi người dân Việt, coi đó là “chìa khóa vàng” để xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tổ chức họ, lãnh đạo họ thực hiện mục tiêu giành độc lập, tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Chính tư tưởng này của Người tạo nên chân lí có giá trị to lớn cho mọi thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do!”. Như vậy, giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân, viên chức, lao động  theo tư tưởng Hồ Chí Minh trước hết phải giáo dục tình yêu xóm làng, quê hương, đất nước, kính yêu tổ tiên, gia đình, cộng đồng, biết giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình và quê hương. Chủ nghĩa yêu nước phải được thể hiện bằng hành động cụ thể: trung với nước - hiếu với dân, biết ra sức cống hiến tài năng của mình để xây dựng đất nước ngày một phồn vinh, biết đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ.

     Thứ hai, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh luôn gắn chặt yêu nước, thương dân, phấn đấu vì hạnh phúc của nhân dân và luôn luôn tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân. Dẫu bận trăm công ngàn việc, với cương vị Chủ tịch Ðảng, Chủ tịch nước, song Người vẫn luôn dành thời gian động viên, thăm hỏi, tìm hiểu về đời sống, tâm tư, chia sẻ tình cảm với mọi tầng lớp nhân dân. Người đã hy sinh cả cuộc đời mình với một tâm nguyện đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Người luôn luôn tin vào sức mạnh của nhân dân. Ngợi ca truyền thống yêu nước của nhân dân, Người khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi sục, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước". Giáo dục chủ nghĩa yêu nước với công nhân, viên chức, lao động  phải được thể hiện đúng như lời dạy của Người là lòng trung thành với Tổ quốc, hết lòng phụng sự nhân dân, biết yêu thương dân và lấy dân làm gốc, có tình cảm chân thành, biết phấn đấu, hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân

          Thứ ba, chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh gắn liền với đoàn kết quốc tế. Chủ nghĩa yêu nước chân chính của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền và thông qua những giá trị công lý được cả thế giới thừa nhận. Sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, giải phóng dân tộc phải dựa trên cơ sở của lẽ phải, lương tri và công lý. Công lý là cơ sở để vận động các lực lượng quốc tế ủng hộ nền độc lập của Việt , để nhân dân tiến bộ trên thế giới ủng hộ cuộc cách mạng chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Do đó,  giáo dục tinh thần yêu nước phải gắn với tinh thần quốc tế trong sáng cho công  nhân, viên chức, lao động càng có ý nghĩa thiết thực hơn nhằm xây dựng một môi trường quốc tế hợp tác, hòa bình, thịnh vượng.

Thứ tư là, giáo dục chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm Hồ Chí Minh là phải gắn với thi đua, học tập, xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước.Trong đấu tranh giải phóng dân tộc, chủ nghĩa yêu nước theo quan điểm của Người là sự đấu tranh, hy sinh bản thân vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Còn ngày nay, lòng yêu nước được thể hiện trong hành động của công nhân, viên chức, lao động là phát huy những năng lực, phẩm chất, ý thức tự học, tự sáng tạo, sự nỗ lực trong thi đua và rèn luyện bản thân để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn và lạc hậu, đồng thời đấu tranh chống những tư tưởng sai trái của các thế lực thù địch, đấu tranh với những công nhân, viên chức, lao động chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân đánh mất giá trị bản thân và giá trị truyền thống dân tộc. Để phát huy vai trò của công nhân, viên chức, lao động, phát huy truyền thống yêu nước theo tư tưởng của Người thì càng phải giáo dục chủ nghĩa yêu nước gắn với tư tưởng thi đua, học tập và xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Để hiện thực hóa nội dung giáo dục được tốt hơn, cần phải thường xuyên đổi mới phương thức giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân, viên chức, lao động  theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Song, việc giáo dục đó phải bám sát luôn bám sát vào nội dung giáo dục, đối tượng giáo dục, đồng thời bảo đảm tính đa dạng hóa và tích cực hóa.

      Một là, thường xuyên nâng cao nhận thức về vai trò của công tác giáo dục chủnghĩa yêu nước cho công đoàn viên.Theo Hồ Chí Minh tư tưởng đúng thì hành động không sai lệch và mới làm trọn nhiệm vụ cách mạng được. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức của công nhân, viên chức, lao động  về vai trò, nội dung của công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước là hết sức cần thiết. Khi nhận thức của công nhân, viên chức, lao động được nâng lên sẽ tạo ra được môi trường thuận lợi, là động lực to lớn thúc đẩy công tác giáo dục chủ nghĩa yêu nước đạt hiệu quả cao.

Hai là, tích cực hóa phương thức giảng dạy, thông tin, tuyên truyền về chủ nghĩa yêu nước với công nhân, viên chức, lao động. Cần khắc phục triệt để tình trạng lý luận suông, dàn trải, không gắn với thực tiễn, không có trọng tâm, trọng điểm. Cần phải định hướng bồi dưỡng tình cảm yêu nước cho công đoàn viên trong mỗi bài giảng.

Ba là, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân, viên chức, lao động. Ban lãnh đạo công đoàn cần động viên công nhân, viên chức, lao động  tham gia  phong trào thi đua yêu nước. Đây là một cách yêu nước thiết thực và tích cực, thể hiện bằng những hành động cụ thể trong lao động, sản xuất. Để phong trào trên đi vào thực tiễn cần có kế hoạch thi đua tỉ mỉ, nội dung thi đua phải thiết thực, rõ ràng, đúng mực.

Bốn là, thường xuyên tổ chức và nâng cao chất lượng tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, kể chuyện, thi sáng tác về lịch sử, truyền thống, các buổi hội diễn văn nghệ, tọa đàm nói chuyện chuyên đề, gặp gỡ nhân chứng lịch sử. Đây là những hoạt động rất thiết thực và bổ ích đối với giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân, viên chức, lao động  nhằm khơi dậy tinh thần học hỏi, tìm hiểu về chủ nghĩa yêu nước của công nhân, viên chức, lao động.

Năm là, giáo dục bằng nêu gương, lấy gương người tốt, việc tốt hằng ngày để giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân, viên chức, lao động. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Các đơn vị cần phải tích cực giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân, viên chức, lao động  thông qua gương người tốt, việc tốt, nhân rộng điển hình tiên tiến trong toàn xã hội.

Trong giai đoạn cách mạng mới, trước mặt trái của cơ chế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế, với sự tác động của nhiều nhân tố phức tạp đan xen, làm cho tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận công nhân, viên chức, lao động  đang bị tha hóa, chủ nghĩa yêu nước ở bộ phận này đang bị nhạt phai mục tiêu lý tưởng đi lên chủ nghĩa xã hội, sống thờ ơ với đất nước, thực dụng, ít quan tâm đến lợi ích chung,…. Để khắc phục tình trạng đó thì giáo dục chủ nghĩa yêu nước cho công nhân, viên chức, lao động theo tư tưởng Hồ Chí Minh rất quan trọng và cần thiết. Hoạt động ý nghĩa này góp phần khẳng định chủ nghĩa yêu nước là giá trị bền vững tạo nên sức mạnh của Việt Nam./.

                                                                                    Tác giả: Phạm Thị Hải

 

 

Tin liên quan: