ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 185 NĂM THÀNH LẬP TỈNH (1831 - 2016), 75 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH (7/1941 - 7/2016) VÀ 20 NĂM TÁI LẬP TỈNH HƯNG YÊN (01/01/1997 - 01/01/2017)

Đăng ngày 19/08/2016
Lượt xem: 728429
100%
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 185 NĂM THÀNH LẬP TỈNH (1831 - 2016),
75 NĂM THÀNH LẬP ĐẢNG BỘ TỈNH (7/1941 - 7/2016)
VÀ 20 NĂM TÁI LẬP TỈNH HƯNG YÊN
(01/01/1997 - 01/01/2017)
---
 
Phần thứ nhất
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP TỈNH HƯNG YÊN,
MẢNH ĐẤT VÀ CON NGƯỜI HƯNG YÊN
 
I- QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP TỈNH HƯNG YÊN
Hưng Yên nằm ở tả ngạn sông Hồng, thuộc châu thổ đồng bằng Bắc Bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Phía bắc giáp tỉnh Bắc Ninh, phía đông giáp tỉnh Hải Dương, phía nam giáp tỉnh Thái Bình, phía tây và tây bắc giáp Thủ đô Hà Nội, phía tây nam giáp tỉnh Hà Nam. Đây là mảnh đất phù sa màu mỡ, đậm nét truyền thống văn hiến của nước ta.
Ngay từ buổi đầu lịch sử thời các vua Hùng dựng nước, vùng đất Hưng Yên đã có sự cư trú của con người. Bằng chứng là các di chỉ, di tích còn lại đã được khai quật như mộ cũi ở An Viên (huyện Tiên Lữ), mộ thuyền tại Đống Lương (huyện Kim Động) cùng truyền thuyết về Chử Đồng Tử - Tiên Dung…
Về hành chính, vùng đất này vốn thuộc bộ Dương Tuyền thời Hùng Vương; huyện Chu Diên thời Bắc thuộc; phủ Thái Bình thời Ngô, Đinh và Tiền Lê; Khoái Lộ và Đằng Lộ rồi Khoái Châu và Đằng Châu thời Lý; lộ Long Hưng và lộ Khoái Châu thời Trần; dưới thời thuộc Minh, Hưng Yên thuộc phủ Kiến Xương.
Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), trong nước chia làm 12 đạo Thừa Tuyên, Hưng Yên thuộc Thừa Tuyên Thiên Trường.
Năm Hồng Đức thứ 21, tháng 4 năm 1490 cả nước chia thành 13 xứ, Hưng Yên thuộc xứ Sơn Nam.
Đặc biệt từ thế kỷ XVI - XVII, Phố Hiến được hình thành, đây là nơi hội tụ của các tàu thuyền nước ngoài từ bốn phương đến buôn bán ở Đàng Ngoài. Các tàu của người Xiêm, Mã Lai, Manila ở Đông Nam Á; của Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh, Pháp ở châu Âu đến buôn bán và lập thương điếm.
Thương cảng Phố Hiến lúc đó nhộn nhịp tàu thuyền chở hàng đến và chở hàng đi. Hàng nhập vào chủ yếu là vũ khí, vật liệu chế thuốc súng, đồng, vàng, bạc, đồ sứ, thuốc bắc, hàng dệt... Từ Phố Hiến đã xuất đi hương liệu, tơ sống, tơ tằm, đồ gốm sứ, đồ gỗ sơn... Thương cảng Phố Hiến thực sự đã có tác dụng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đối với nước ta lúc đó. Hơn 50 cơ sở từ các điểm ở trong nước đã hội tụ về Phố Hiến để buôn bán, làm ăn. Hàng hóa ở Phố Hiến lúc đó đa dạng, chỉ tính một đường xuất đi Nhật đã có tới 14 mặt hàng: lụa, lĩnh, tơ, đũi, sa, nhung, xạ hương, sa nhân, quế, cau, hồ tiêu, đường phèn, chiếu cói, đặc biệt là nhãn Phố Hiến đã được xuất đi Nhật với số lượng lớn.
Ở thế kỷ XVII, Phố Hiến đã thực sự trở thành một đô thị sầm uất “thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”, các hoạt động của nền kinh tế hàng hóa đã tạo cho Phố Hiến một cảnh nhộn nhịp đông vui của cư dân địa phương cùng thương nhân nước ngoài. Thời đó Kinh thành Thăng Long có 36 phường, thì Phố Hiến có 20 phường, trong đó có tới 8 phường thủ công, đó là nét đặc sắc của Phố Hiến, làm cho Phố Hiến khác với đô thị đương thời. Sự xuất hiện của các phường thủ công đã thể hiện tính hoàn chỉnh của một đô thị trung đại. Phố Hiến thực sự là một “Tiểu Tràng An”.
Sau nhiều lần thay đổi, đến cuối thời Lê đầu thời Nguyễn, phủ Khoái Châu thuộc trấn Sơn Nam Thượng (Hưng Yên, Thái Bình), còn phủ Tiên Hưng thuộc trấn Sơn Nam Hạ (Nam Định).
Tỉnh Hưng Yên được thành lập vào năm Minh Mệnh thứ 12 (1831)([1]). Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn. Lần đầu tiên trong lịch sử, tên tỉnh Hưng Yên xuất hiện. Đó là một sự kiện quan trọng, một bước ngoặt trong tiến trình lịch sử Hưng Yên, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển đến mức trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc chính quyền Trung ương. Khi thành lập, Hưng Yên gồm có hai phủ: phủ Khoái Châu (gồm các huyện Đông Yên, Kim Động, Ân Thi, Phù Cừ của trấn Sơn Nam) và phủ Tiên Hưng (gồm các huyện Tiên Lữ, Thần Khê, Hưng Nhân, Duyên Hà của trấn Nam Định). Như vậy, trước khi thực dân Pháp xâm lược, Hưng Yên là một tỉnh nằm ở cả hai phía sông Luộc.
Ngày 25/2/1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập đạo Bãi Sậy, là một đơn vị hành chính mang tính chất quân quản để đối phó với cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo. Đạo Bãi Sậy gồm 4 huyện: Yên Mỹ, Mỹ Hào, Cẩm Lương, Văn Lâm, Thủ phủ của đạo Bãi Sậy đặt tại Yên Nhân (Mỹ Hào):
- Yên Mỹ được thành lập từ một số tổng thuộc huyện Đông Yên, Ân Thi của tỉnh Hưng Yên; một số tổng thuộc huyện Mỹ Hào của tỉnh Hải Dương và một số tổng thuộc huyện Văn Giang của tỉnh Bắc Ninh.
- Mỹ Hào gồm các tổng còn lại sau khi cắt sang huyện Yên Mỹ.
- Cẩm Lương gồm một số tổng thuộc huyện Cẩm Giàng của tỉnh Hải Dương, một số tổng thuộc huyện Lương Tài và Siêu Loại của tỉnh Bắc Ninh.
- Văn Lâm gồm một số tổng thuộc 3 huyện Văn Giang, Gia Lâm và Siêu Loại của tỉnh Bắc Ninh.
Chưa đầy một tháng sau khi thành lập đạo Bãi Sậy, ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định([2]) thành lập tỉnh Thái Bình. Huyện Thần Khê của Hưng Yên, cùng hai phủ Thái Bình, Kiến Xương của Nam Định về với tỉnh Thái Bình.
Sau khi đánh chiếm và áp đặt bộ máy cai trị trên địa phận tỉnh Hưng Yên, thực dân Pháp đã nhiều lần tiến hành thay đổi đơn vị hành chính. Trong năm 1891, hai lần Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định (12-4) và Quyết định (32-11) để bãi bỏ đạo Bãi Sậy, nhập các huyện Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm vào tỉnh Hưng Yên. Riêng huyện Cẩm Lương, phần thuộc Cẩm Giàng trả về nơi cũ, phần thuộc Lương Tài - Siêu Loại đưa vào Văn Lâm, Mỹ Hào.
Ngày 28/11/1894, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định chuyển huyện Tiên Lữ từ phủ Tiên Hưng sang phủ Khoái Châu; hai huyện Hưng Nhân và Duyên Hà sáp nhập vào tỉnh Thái Bình. Kể từ đây sông Luộc trở thành ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình. Ngoài đất của vùng Sơn Nam cũ, Hưng Yên có thêm một phần đất của Hải Dương và Bắc Ninh. Giai đoạn này kéo dài suốt thời kỳ thống trị của thực dân Pháp cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Hưng Yên là đơn vị hành chính cấp tỉnh, trực thuộc Uỷ ban hành chính Bắc Bộ.
Ngày 15/8/1946, thị xã Hưng Yên được thành lập gồm có hai khu phố (Đầu Lĩnh và Đằng Giang).
Để phù hợp với điều kiện mới, ngày 6/6/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng đã ra Nghị định số 79-NĐ/NV-QP chỉ rõ "Về phương diện kháng chiến và hành chính, huyện Văn Giang trước thuộc tỉnh Bắc Ninh, Khu XII, nay thuộc Khu III; huyện Văn Lâm trước thuộc Khu III, nay thuộc Khu XII”.
Ngày 20/10/1947, Liên bộ Nội vụ - Quốc phòng ra Nghị định số 167-NĐ/NV-QP đưa huyện Văn Lâm thuộc Khu XII về Hưng Yên (thuộc Khu III).
Ngày 28/11/1948, Chủ tịch nước ra Sắc Lệnh số 263-SL đưa huyện Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh về tỉnh Hưng Yên.
Ngày 7/11/1949, Chủ tịch nước ra Sắc Lệnh số 131-SL, đưa huyện Gia Lâm trở về Bắc Ninh. Tỉnh Hưng Yên lúc này chính thức gồm 117 xã, gồm 9 huyện (Văn Giang, Văn Lâm, Mỹ Hào, Yên Mỹ, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ, Tiên Lữ) và thị xã Hưng Yên; Hưng Yên thuộc Liên khu III.
Hoà bình lập lại, các đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Hưng Yên vẫn được giữ nguyên, chỉ thay đổi địa giới hành chính của một số xã.
Ngày 26/01/1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH phê chuẩn hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương.
Với yêu cầu của tình hình mới, một số huyện được hợp nhất lại với quy mô lớn hơn. Ngày 11/3/1977, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 58-CP: hợp nhất hai huyện Văn Giang và Yên Mỹ thành huyện Văn Yên; huyện Văn Lâm và Mỹ Hào thành huyện Văn Mỹ; huyện Tiên Lữ và Phù Cừ thành huyện Phù Tiên. Ngày 24/2/1979, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 70-CP hợp nhất hai huyện Kim Động và Ân Thi thành huyện Kim Thi; huyện Văn Mỹ và huyện Văn Yên (trừ 9 xã của Văn Giang cũ và 5 xã của Yên Mỹ cũ) thành huyện Mỹ Văn; huyện Khoái Châu cùng 9 xã của Văn Giang và 5 xã của Yên Mỹ thành huyện Châu Giang.
Để phù hợp với cơ chế quản lý mới, tỉnh và các huyện được tái lập theo địa giới hành chính như trước khi hợp nhất. Ngày 27/1/1996, Chính phủ ra Nghị định số 5-NĐ/CP tách huyện Kim Thi thành hai huyện Kim Động và Ân Thi.
 Ngày 06/11/1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã phê chuẩn việc tách tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương. Ngày 1/1/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Sau khi tỉnh được tái lập, ngày 24/2/1997, Chính phủ ra Nghị định số 17-NĐ/CP tách huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ, thành lập và điều chỉnh các phường thuộc thị xã Hưng Yên.
 Ngày 24/7/1999, Chính phủ ra Nghị định số 60- NĐ/CP tách hai huyện Mỹ Văn và Châu Giang thành 5 huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Mỹ Hào, Yên Mỹ và Khoái Châu. Riêng huyện Văn Giang gồm 9 xã của Châu Giang và 2 xã của Mỹ Văn, huyện Yên Mỹ gồm 12 xã của Mỹ Văn và 5 xã của Châu Giang.
Ngày 23/9/2003, Chính phủ ra Nghị định số 108/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính mở rộng thị xã Hưng Yên, thành lập phường, điều chỉnh địa giới hành chính giữa các phường của thị xã Hưng Yên. Thị xã Hưng Yên tiếp nhận 4 xã thuộc huyện Tiên Lữ là: Trung Nghĩa, Liên Phương, Hồng Nam, Quảng Châu và 1 xã thuộc huyện Kim Động là Bảo Khê; lập thêm phường mới là phường An Tảo trên cơ sở tách phường Hiến Nam làm 2 phường. Lúc này, sau khi điều chỉnh địa giới, thị xã Hưng Yên có 7 phường và 5 xã.
Ngày 19/01/2009, Chính phủ ra Nghị định số 04/NĐ-CP về việc thành lập thành phố Hưng Yên trực thuộc tỉnh Hưng Yên. Ngày 06/8/2013, Chính phủ ra Nghị quyết số 95/NQ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng thành phố Hưng Yên; tiếp nhận 3 xã Hoàng Hanh, Phương Chiểu, Tân Hưng (thuộc huyện Tiên Lữ) và 2 xã Hùng Cường, Phú Cường (thuộc huyện Kim Động) về thành phố Hưng Yên. Đến nay, thành phố Hưng Yên có diện tích tự nhiên 73,86 km2, dân số 111.637 người, mật độ dân số là 1.511 người/km2; có 17 đơn vị hành chính gồm 7 phường, 10 xã.([3])
Sau nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính, hiện nay Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm: Văn Giang, Văn Lâm, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Khoái Châu, Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên; 161 xã, phường, thị trấn, với diện tích 930,22 km2, dân số 1.164.368 người, mật độ dân số 1.252 người/km2([4]).
II- MẢNH ĐẤT VÀ CON NGƯỜI HƯNG YÊN
Hưng Yên nằm giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng với địa hình nghiêng chênh chếch từ tây bắc xuống đông nam và không bằng phẳng. Là tỉnh có độ cao trung bình so với mặt nước biển là 4m, nơi cao nhất là xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) +8m80, nơi thấp nhất là xã Hạ Lễ (Ân Thi) +2m40. Địa hình trên ảnh hưởng rõ rệt đến việc canh tác. Trước kia thường xuyên xảy ra hạn hán và úng ngập. Vùng cao không giữ được nước, trong khi vùng thấp lại tiêu nước không kịp trong mùa mưa. Hiện nay, Hưng Yên đã xây dựng một mạng lưới thủy lợi dày đặc để kịp thời giải quyết những khó khăn do địa hình gây ra, bảo đảm cho việc sản xuất quanh năm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán và úng lụt.
Toàn tỉnh có 54.452,09 ha đất sản xuất nông nghiệp chiếm 58,54% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó đất trồng cây hàng năm 41.498,01 ha, đất trồng lúa 37.540,62 ha, đất trồng cây lâu năm 12.954,08 ha; đất nuôi trồng thủy sản 5.081,06 ha([5]). Quỹ đất nông nghiệp Hưng Yên còn nhiều tiềm năng để khai thác, tăng vụ.
Cũng như các tỉnh khác thuộc vùng đồng bằng sông Hồng, Hưng Yên chịu ảnh hưởng sâu sắc của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, nhiều nắng và có mùa đông lạnh. Hàng năm có hai mùa nóng và lạnh rõ rệt.  Hưng Yên thuộc vùng nhiệt đới gió mùa, có mùa đông lạnh. Nhiệt độ trung bình năm 2015 là 24,90C, nhiệt độ cao nhất 30,70C, thấp nhất 17,60C. Lượng mưa trung bình trong năm khoảng 1.514,8 mm. Số giờ nắng trung bình năm khoảng 1.444,3 giờ (120,35 giờ/tháng)([6]).
Về đường bộ, Quốc lộ 5A (đoạn dài 23 km), 5B (đường cao tốc) chạy qua địa phận Hưng Yên. Đường 39A từ Phố Nối qua Yên Mỹ, Khoái Châu, Kim Động tới thành phố Hưng Yên, qua cầu Triều Dương sang Thái Bình. Đường 38B từ phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) đi qua Tiên Lữ, Phù Cừ tới cầu Tràng sang Hải Dương. Đường 38 từ thành phố Bắc Ninh đến Quán Gỏi (Hải Dương) qua thị trấn Ân Thi đến Trương Xá (Kim Động) nối với đường 39A, đi thành phố Hưng Yên qua cầu Yên Lệnh đến Đồng Văn (Hà Nam) thông Quốc lộ 1A (tuyến Bắc - Nam quan trọng nhất của cả nước). Đường 200 từ Giai Phạm (Yên Mỹ) qua thị trấn Ân Thi đến thị trấn Vương tới Hải Triều (Tiên Lữ) gặp đê sông Luộc và đường 39A. Tuyến đường liên tỉnh Dân Tiến - Khoái Châu đi Thanh Trì - Hà Nội. Đó là chưa kể các đường: 99, 179, 195, 199, 201, 202, 204, 205, 206 và hàng trăm km đường đê đã liên kết các xã, các huyện trong tỉnh và hình thành tuyến đường ngắn nhất qua địa bàn Hưng Yên, nối Quốc lộ 1A với Quốc lộ 5A ra thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, tạo sự giao lưu kinh tế giữa Hưng Yên với các tỉnh, đồng thời giải toả mật độ giao thông cao cho Thủ đô Hà Nội.
Về đường sông, sông Hồng và sông Luộc là những đường sông chính của Hưng Yên. Từ thành phố Hưng Yên, tàu thuyền có thể ngược sông Hồng lên Hà Nội và các tỉnh phía Bắc hoặc xuôi Thái Bình, Nam Định rồi ra biển. Trên sông Luộc, tàu thuyền có thể đi Hải Dương, Hải Phòng. Các sông nhỏ khác trong tỉnh, đặc biệt là công trình đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải đều là những đường giao thông thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa, lúa, ngô, vật liệu xây dựng...
Giao thông thủy và bộ của Hưng Yên vừa là điều kiện thuận lợi vừa là tiềm năng lớn để Hưng Yên phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.
Hưng Yên được bao bọc bởi sông Hồng và sông Luộc, nên có nguồn nước ngọt rất dồi dào. Nguồn nước mặt phong phú, nước ngầm của Hưng Yên có trữ lượng lớn, ở dọc khu vực Quốc lộ 5A từ Như Quỳnh (Văn Lâm) đến Quán Gỏi (Hải Dương) có những túi nước ngầm với dung tích hàng triệu mét khối, không chỉ cung cấp nước cho phát triển công nghiệp và đô thị mà còn có thể cung cấp khối lượng lớn cho các khu vực lân cận.
Hưng Yên có mỏ than nâu (thuộc bể than vùng đồng bằng sông Hồng) trữ lượng lớn (khoảng hơn 30 tỷ tấn) chưa được khai thác, đây là một tiềm năng lớn cho phát triển ngành công nghiệp than, phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu.
 Đối với dân cư, ngoài trồng trọt là nghề chính, người dân Hưng Yên còn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, trồng dâu nuôi tằm, làm các nghề thủ công và nghề truyền thống khác. Hiện nay, công nghiệp và dịch vụ phát triển, một bộ phận dân cư lao động nông nghiệp chuyển sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ.
 Về thành phần dân tộc, ở Hưng Yên hầu hết là người Kinh, số đông theo đạo Phật thờ cúng tổ tiên, một số ít theo đạo Thiên Chúa, phân bố rải rác, không tập trung.
 Hưng Yên là mảnh đất có truyền thống văn hiến, nơi sản sinh ra nhiều anh hùng hào kiệt, các nhà văn hóa lớn. Tỉnh có 8 trạng nguyên trên tổng số 53 trạng nguyên của cả nước; 228 người thi đỗ đại khoa được ghi danh ở bia Văn Miếu (thôn Xích Đằng, phường Lam Sơn, thành phố Hưng Yên). Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, vùng đất Hưng Yên thời nào và lĩnh vực nào cũng có những nhân tài mà sử sách còn ghi như: Triệu Quang Phục, Phạm Ngũ Lão, Nguyễn Thiện Thuật, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Bình, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Trung Ngạn, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Nghị, Tô Ngọc Vân, Dương Bích Liên, Lê Hữu Trác, Phạm Huy Thông, Nguyễn Công Tiễu... Đặc biệt trong lịch sử hiện đại, Hưng Yên có nhiều nhà chính trị nổi tiếng như Nguyễn Văn Linh, Lê Văn Lương,... các chiến sĩ anh hùng cách mạng như: Tô Hiệu, Bùi Thị Cúc... Đó là những người con ưu tú của Hưng Yên, đã góp phần làm rạng danh quê hương, đất nước.
Hưng Yên là tỉnh có mật độ di tích dày đặc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với 1.210 di tích văn hóa, lịch sử, tín ngưỡng. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 164 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 193 di tích và cụm di tích được xếp hạng cấp tỉnh([7]). Hưng Yên là tỉnh thứ 3 trong cả nước (sau thủ đô Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh) có nhiều di tích cấp quốc gia. Các di tích đã và đang được quy hoạch tổng thể để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử văn hoá. Đặc biệt, ngày 27/5/2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Đô thị cổ Phố Hiến gắn với phát triển du lịch, đây là những di sản văn hóa mà chúng ta cần phải giữ gìn, tôn tạo và phát huy những giá trị của di tích, nhất là gắn với phát triển du lịch tâm linh.
 Hưng Yên còn có Nhà lưu niệm Bác Hồ, Nhà tưởng niệm các đồng chí Tô Hiệu, Lê Văn Lương, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, tướng quân Nguyễn Thiện Thuật, cụ Hoàng Hoa Thám,  Đền thờ bà Hoàng thị Loan - thân mẫu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đền, chùa nổi tiếng khác như: Đền thờ Tống Trân, Đền Trần, Đền Phù Ủng, Đền Chử Đồng Tử...; chùa Chuông, chùa Hiến, chùa Nễ Châu... Mỗi đền, chùa là một kho tàng mỹ thuật sống động, với rất nhiều cổ vật quý hiếm. Đó là những không gian văn hóa truyền thống, không gian tâm linh hiện hữu nét đẹp văn hóa vật thể, phi vật thể và đặc biệt hấp dẫn du khách bởi sự hài hòa cảnh trí thiên nhiên và hình khối kiến trúc, nghệ thuật chạm khắc tinh vi.
Hưng Yên còn là địa phương có nhiều lễ hội đặc sắc. Toàn tỉnh có 364 lễ hội các loại, trong đó có 326 lễ hội dân gian, 22 lễ hội tôn giáo, 13 lễ hội tín ngưỡng, 3 lễ hội được bảo tồn theo dự án văn hóa phi vật thể, đó là lễ hội đền Đậu An xã An Viên (Tiên Lữ), lễ hội rước nước tại đền Đa Hòa xã Bình Minh, đền Hóa xã Dạ Trạch (Khoái Châu) và lễ hội Cầu mưa xã Lạc Hồng (Văn Lâm)... Hệ thống lễ hội này đã giới thiệu và chứng minh sinh động về vùng đất, con người Hưng Yên trong quá khứ và hiện tại, với những nét đặc trưng, những giá trị văn hóa tinh thần, tín ngưỡng của Hưng Yên nói riêng, vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nói chung.
 
 
Phần thứ hai
CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG 185 NĂM
CỦA TỈNH HƯNG YÊN (1831 - 2016)
 
 I- TỈNH HƯNG YÊN DƯỚI THỜI NGUYỄN VÀ NHỮNG PHONG TRÀO ĐẤU TRANH CHỐNG PHONG KIẾN THỰC DÂN (1831 - 1928)
Sau khi tỉnh Hưng Yên được thành lập, dưới thời Nguyễn, nhân dân Hưng Yên hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh chống phong kiến thực dân của Phan Bá Vành, Cao Bá Quát (1854), Lê Duy Cự (1854) và Cai Vàng (1862).
 Ngày 28/11/1873, giặc Pháp đánh chiếm Hưng Yên lần thứ nhất, đây là đợt xâm lược lần thứ hai của đế quốc Pháp với Việt Nam nhằm gây sức ép buộc triều đình Huế phải nhân nhượng, ký Hiệp ước “Hoà bình và an ninh” thừa nhận chủ quyền của Pháp phần đất từ Bình Thuận trở vào. Ngày 27/3/1883, quân Pháp tấn công Hưng Yên lần thứ hai, ngày 28/3/1883, thành Hưng Yên bị hạ. Căm phẫn trước hành vi xâm lược của thực dân Pháp, Đinh Gia Quế (người thôn Thọ Bình, xã Tân Dân, huyện Khoái Châu), tự xưng là “Đổng Nguyên Nhung” đã nổi dậy lập căn cứ Bãi Sậy chống Pháp. Giữa năm 1885, Đinh Gia Quế lâm bệnh nặng và qua đời thì tướng quân Nguyễn Thiện Thuật, người xã Xuân Dục (huyện Mỹ Hào) đứng ra tập hợp được nhiều tướng lĩnh xuất sắc như Nguyễn Thiện Kế, Nguyễn Thiện Dương, Đốc Tít, Đốc Cọp cùng các tướng lĩnh khác đứng ra chỉ huy nghĩa quân. Nhân dân Hưng Yên đã cùng nhân dân các tỉnh khác nô nức gia nhập nghĩa quân, xây dựng được nhiều xóm làng thành các pháo đài, cung cấp quân lương, cứu chữa thương binh. Nghĩa quân đã đánh thắng được nhiều trận lẫy lừng ở các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh...
Cuối năm 1889, khi cuộc khởi nghĩa gặp khó khăn Nguyễn Thiện Thuật sang Trung Quốc tổ chức lực lượng kháng chiến mới. Nguyễn Thiện Kế cùng các tướng lĩnh lại tiếp tục duy trì cuộc khởi nghĩa, năm 1892, nghĩa quân gia nhập cuộc khởi nghĩa Yên Thế, do Hoàng Hoa Thám quê xã Dị Chế (huyện Tiên Lữ) lãnh đạo và các phong trào yêu nước khác.
Những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, nhân dân trong tỉnh đã liên tục đứng lên đấu tranh dưới nhiều hình thức, chống thực dân Pháp, chống bọn quan lại cường hào cướp ruộng đất, chống sưu cao, thuế nặng, chống phu phen, tạp dịch.
Điển hình nhất là cuộc đấu tranh kéo dài nhiều năm của nhân dân các xã Phù Ủng, Bãi Sậy, Xuân Trúc, Vân Du, Đa Lộc (huyện Ân Thi) chống lại tên thực dân Coóc Nu, đã cướp 948 mẫu ruộng ở cánh đồng Tam Thiên Mẫu. Cuộc đấu tranh kéo dài 3 năm liền (1890 - 1892), chỉ trong năm 1891, Thống sứ Bắc Kỳ phải 5 lần thay công sứ Hưng Yên, song không làm dịu được cuộc đấu tranh.
Năm 1917, Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã tác động mạnh mẽ đến phong trào cách mạng ở Việt Nam. Tháng 7/1920, người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc được đọc “Đề cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa” của Lênin và từ tư tưởng đó, Người đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho dân tộc Việt Nam: muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác là con đường cách mạng vô sản và Người ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trên mảnh đất Hưng Yên, những hạt giống của chủ nghĩa Mác - Lênin đã nẩy mầm.
II- CHI BỘ ĐẢNG CỘNG SẢN ĐÔNG DƯƠNG SÀI THỊ RA ĐỜI, TIỀN ĐỀ QUAN TRỌNG TRONG QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP VÀ PHÁT TRIỂN CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN (1929 - 1941)
1. Bối cảnh
Tháng 11 năm 1873, thực dân Pháp bắt đầu đánh chiếm Hưng Yên. Căm phẫn trước hành vi xâm lược của thế lực ngoại xâm, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cuộc nổi dậy đấu tranh chống thực dân Pháp, chống tư bản, quan lại, cường hào, chống sưu cao, thuế nặng, phu phen, tạp dịch.
Từ năm 1925, cùng với các địa phương trong cả nước, nhiều địa phương trong tỉnh đã dấy lên phong trào để tang cụ Phan Chu Trinh, đòi ân xá cụ Phan Bội Châu. Tiếp đó, vào những năm 1928 - 1929 ở các huyện Khoái Châu, Văn Giang, Yên Mỹ, Mỹ Hào, Văn Lâm có một số người tham gia phong trào yêu nước của Việt Nam Quốc dân Đảng do Nguyễn Thái Học sáng lập, trong đó có một số nhân vật cốt cán như Phó Đức Chính, Lê Tùng Sơn, Nguyễn Phương Thảo (Nguyễn Bình), Tô Hiệu, Tô Chấn...
Các hoạt động cách mạng sôi nổi của nhân dân Hưng Yên là sự tiếp nối truyền thống yêu nước, bất khuất của dân tộc, đồng thời là những đòi hỏi bức thiết về việc thành lập một tổ chức cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng ở Hưng Yên. 
2. Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị được thành lập
Tiếp thu ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, quan điểm của đồng chí Nguyễn Ái Quốc về con đường giải phóng dân tộc, cuối năm 1928, đồng chí Nguyễn Tiến Trạc, cán bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội về gây dựng cơ sở ở Sài Thị (chợ Giàn, nay thuộc xã Thuần Hưng) và cơ sở Đại Quan (nay là xã Đại Hưng huyện Khoái Châu). Sau đó (cũng trong năm 1928) chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng Sài Thị được thành lập gồm 7 đồng  chí([8]) – đây là chi bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội đầu tiên ở Hưng Yên. Cuối năm 1929, chi bộ này được chuyển thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị, là chi bộ cộng sản đầu tiên của Hưng Yên. Nhóm Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Đại Quan chưa đủ điều kiện gia nhập Đảng Cộng sản được chuyển thành tổ chức Nông hội đỏ.
Ngày 03/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, đến tháng 10/1930 đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị đổi thành Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị. Ngay sau khi thành lập, chi bộ đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân chống sưu cao thuế nặng, chống bắt phu, bắt lính... Chi bộ phân công đảng viên thực hiện giác ngộ quần chúng, mở rộng tổ chức không chỉ ở địa bàn huyện Khoái Châu mà ở cả các huyện lân cận là Ân Thi, Kim Động...; tổ chức cho đảng viên học tập cuốn “Đường Kách mệnh” do Nguyễn Ái Quốc soạn thảo và các tài liệu cách mạng khác như sách “Tiếng súng đêm đông”, “Chính sách giặc Pháp”. Cùng với đó, chi bộ tổ chức treo cờ Đảng, dán áp phích, rải truyền đơn giới thiệu Cương lĩnh của Đảng... các hoạt động trên đã thức tỉnh lòng yêu nước của quần chúng nhân dân, động viên các tầng lớp nhân dân sẵn sàng đi theo cách mạng.
3. Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị
- Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị - chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên được thành lập là kết quả quá trình đấu tranh của quần chúng nhân dân Hưng Yên từ tự phát sang tự giác, đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của nhân dân về việc cần có một tổ chức cộng sản để lãnh đạo phong trào cách mạng.
- Chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị được thành lập và đi vào hoạt động đã giác ngộ quần chúng nhân dân Hưng Yên đi theo cách mạng, cổ vũ các tầng lớp nhân dân Hưng Yên tin tưởng chủ nghĩa cộng sản sẽ giành cơm áo, tự do, độc lập cho nhân dân, cho dân tộc. 
- Chi bộ cộng sản đầu tiên của Hưng Yên ra đời là tiền đề quan trọng để tiến tới thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên sau này. Cũng từ đây, phong trào cách mạng ở Hưng Yên đã gắn với phong trào cách mạng của đất nước, của dân tộc.
III- 75 NĂM XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH - CHẶNG ĐƯỜNG VINH QUANG CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN (1941 - 2016)
1. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập và ý nghĩa lịch sử của sự kiện này
a- Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập
Từ chi bộ cộng sản đầu tiên ở Sài Thị, chỉ với 7 đảng viên, được nhân dân ủng hộ, chở che, phong trào cộng sản đã không ngừng lớn mạnh, phát triển rộng khắp trong toàn tỉnh. Năm 1930, nhóm Nông Hội đỏ ở Đại Quan (huyện Khoái Châu) đã cử người đến vận động thành lập tổ chức Nông Hội đỏ ở Đa Lộc (xã Đa Lộc, huyện Ân Thi). Cuối năm 1930, tổ chức cộng sản ở Ngọc Lập (xã Phùng Chí Kiên, huyện Mỹ Hào) được thành lập gồm 6 đồng chí.
Những năm 1931 - 1934, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp, khủng bố dã man các cơ sở cách mạng của ta. Phong trào cách mạng của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, các cơ sở mất liên lạc với Xứ uỷ, với Trung ương, song dưới sự đùm bọc của quần chúng nhân dân, phong trào cộng sản trong tỉnh vẫn không ngừng lớn mạnh và phát triển rộng khắp. Những năm 1936 - 1939, tình hình cách mạng trong nước có những chuyển biến mới, những chiến sỹ cách mạng bị bắt, tù đầy đã trở về chắp nối, gây dựng, củng cố lại cơ sở. Từ Đa Lộc (huyện Ân Thi) phát triển sang Thổ Cốc, Hoàng Xuyên (huyện Yên Mỹ). Tiếp đó là sự phát triển của cơ sở cách mạng ở Ngu Nhuế (huyện Văn Lâm), tháng 2/1938, chi bộ ghép Liễu Khê - Liễu Ngạn - Ngu Nhuế([9]) (huyện Văn Lâm) được thành lập. Trong giai đoạn này, sự ra đời của các tổ chức, các hội và phong trào cách mạng phát triển sôi nổi ở khắp các địa phương trong tỉnh, tiêu biểu như: Hội Ái hữu ở Yên Tập (xã Nhân Hoà, huyện Mỹ Hào), Văn Nhuế (thị trấn Bần Yên Nhân, huyện Mỹ Hào), Hội An Nhân của nông dân huyện Tiên Lữ, Hội tương tế ở Xuân Cầu (xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang), Đoàn Thanh niên dân chủ ở Quế Ải (huyện Phù Cừ)... Ngoài ra, các địa phương trong tỉnh còn thành lập các tổ chức hợp pháp như hội truyền bá quốc ngữ, hội tập võ, hội bát âm, tổ đọc sách báo để tập hợp quần chúng, tuyên truyền vận động nhân dân làm cách mạng...
Các tổ chức, các hội đã tích cực tham gia các cuộc đấu tranh từ cơ sở như chống hủ tục, chống phụ thu lạm bổ, đòi chia lại phe giáp. Nhân Ngày Quốc tế Lao động 01/5/1938, các cơ sở cách mạng ở Hưng Yên như cơ sở Ngu Nhuế (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm), Hội tương tế Xuân Cầu (huyện Văn Giang) đã cử gần 200 đại biểu ra Hà Nội dự mít tinh. Cũng trong ngày 01/5/1938, tại Hưng Yên diễn ra nhiều cuộc mít tinh, tuần hành lớn tại khu vực ga Đình Dù (xã Đình Dù, huyện Văn Lâm). Các cuộc đấu tranh diễn ra rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh.
Qua quá trình đấu tranh cách mạng, cuối năm 1940, đầu năm 1941 đã xuất hiện nhiều nhân tố tích cực, ưu tú trong phong trào cách mạng, trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục ra đời các chi bộ Đảng, gồm chi bộ ghép Nhân Dục (Kim Động) - thị xã Hưng Yên, chi bộ ghép Ninh Thôn - Trai Thôn (huyện Ân Thi), chi bộ ghép Quế Lâm - Ải Quan (huyện Phù Cừ), chi bộ Ngải Dương (huyện Văn Lâm). Sự ra đời của các chi bộ đảng ở các địa phương đã thúc đẩy phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên các tổ chức chưa thống nhất về một mối nên phong trào chưa đều khắp, đòi hỏi phải có sự thống nhất các tổ chức và cử ra cơ quan lãnh đạo chung.
Đầu tháng 7/1941, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ uỷ Bắc kỳ, tỉnh đã mở Hội nghị các chi bộ Đảng ở Ninh Thôn (xã Cẩm Ninh, huyện Ân Thi). Hội nghị đã thảo luận tình hình trong nước, quốc tế, học Nghị quyết của Trung ương, bàn bạc, quyết định 04 vấn đề lớn, trong đó có một nội dung rất quan trọng là cử Ban Tỉnh uỷ lâm thời gồm 5 đồng chí([10]), đồng chí Liệu (Nguyễn Thanh Liệu) được cử làm Bí thư. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Tỉnh ủy lâm thời, phong trào cách mạng ở tỉnh ta phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu với một khí thế mới.
Cuối năm 1941, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn. Địch tập trung về đàn áp phong trào cách mạng ở một số tỉnh trong đó có Hưng Yên. Một số đồng chí trong Ban Tỉnh ủy lâm thời bị bắt, phong trào cách mạng tạm lắng xuống.
Tuy nhiên, với tinh thần chủ động tiến công cách mạng, các đồng chí cán bộ, đảng viên vẫn tích cực liên lạc phát triển cơ sở mới, hướng dẫn quần chúng chống địch khủng bố. Dưới danh nghĩa Ủy ban vận động Việt Minh, Tỉnh ủy phát thư kêu gọi đồng bào trong tỉnh hăng hái tham gia Việt Minh, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh chống cướp thóc, chống nhổ ngô, nhổ lúa, trồng đay, trồng thầu dầu… Thư đã có tiếng vang lớn, những cuộc đấu tranh đòi hoãn thuế, bán thóc theo giá cả hợp lý đã diễn ra ở một số huyện như Ân Thi, Kim Động, Tiên Lữ… Nhiều tăng ni đã giác ngộ đi theo cách mạng, nhiều nhà chùa là nơi che giấu, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng. Đây thực sự là một thành công lớn, góp phần quan trọng vào việc khôi phục và phát triển phong trào cách mạng của tỉnh.
Đầu năm 1943, nhờ sự giúp đỡ của Xứ ủy, Ban Cán sự tỉnh được kiện toàn gồm 4 đồng chí([11]), đồng chí Ba Châu là Trưởng Ban Cán sự.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết của Ban Thường vụ Trung ương Đảng (tháng 3/1943) và Nghị quyết của Xứ ủy (tháng 11/1943), Ban Cán sự tỉnh đã nhanh chóng khôi phục phong trào cách mạng, mở rộng mặt trận Việt Minh, phát triển lực lượng vũ trang, chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành chính quyền
b- Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên
- Hội nghị thống nhất các chi bộ đảng trong tỉnh ở Ninh Thôn có ý nghĩa lịch sử rất quan trọng, thể hiện sự lớn mạnh của phong trào cách mạng từ sau khi chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh ra đời; khẳng định bước phát triển cao của phong trào phản đế địa phương.
- Là mốc son đánh dấu sự ra đời của Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, thúc đẩy phong trào cách mạng trong tỉnh phát triển với một khí thế mới. Các đảng viên cộng sản tích cực tuyên truyền, vận động phong trào phản đế thành phong trào cứu quốc.
- Đảng bộ tỉnh Hưng Yên được thành lập đã lãnh đạo đảng viên và nhân dân thực hiện đúng đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, của Xứ uỷ và Liên Tỉnh B một cách nghiêm túc, sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, tạo được phong trào cách mạng không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, vững vàng dẫn dắt phong trào cách mạng của Hưng Yên trong thời kỳ mới.
2. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân trong tỉnh đấu tranh khởi nghĩa giành chính quyền, giữ vững chính quyền cách mạng và kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (8/1945 - 10/1954)
Đầu năm 1945, phong trào cách mạng đã có chuyển biến đáng kể, tạo điều kiện mau chóng chuyển phong trào cách mạng trong tỉnh lên thành cao trào. Cao trào chống Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi, mạnh mẽ trong toàn tỉnh. Mở đầu là trận đánh đồn Bần đêm 12/3/1945, đã giành được được thắng lợi giòn giã, khích lệ tinh thần chiến đấu của quân và dân Hưng Yên. Chiến thắng đồn Bần đã tạo được khí thế mới, tạo đà cho các cuộc đấu tranh phá kho thóc của Nhật chia cho nhân dân diễn ra ngày càng nhiều ở hầu hết các huyện trong tỉnh. Lực lượng Việt Minh được củng cố và tăng cường, các đoàn thể cứu quốc, các đội tự vệ phát triển.
Tháng 8/1945, Đảng bộ tỉnh kết hợp chỉ đạo kịp thời, kiên quyết, linh hoạt của tỉnh với việc phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các địa phương và của quần chúng ở các cơ sở, tạo nên những cơ hội hành động mau lẹ, liên tục tấn công địch, thúc đẩy điều kiện khởi nghĩa chín muồi.
Ngày 14 và 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang); ngày 16/8/1945, Kỳ bộ Việt Minh ra Thông báo khẩn cấp gửi chỉ huy các tỉnh. Đêm 14/8/1945, Việt Minh huyện Phù Cừ đã chớp thời cơ tấn công vào huyện đường giành được thắng lợi. Tiếp theo Phù Cừ, các huyện khác đều khẩn trương khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 01 tuần từ ngày 14 đến ngày 22/8/1945, các huyện, thị trong toàn tỉnh đã khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 23/8/1945, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập.
Thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa vũ trang nhanh gọn ở Hưng Yên góp phần vào thắng lợi chung của cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 trên cả nước, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong điều kiện vừa giành được chính quyền, nước ta còn gặp vô vàn khó khăn: thù trong giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt, hạn hán, lụt lội đe dọa. Giữa lúc đó, ngày 10/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hưng Yên, Bác động viên đồng bào Hưng Yên tích cực đắp đê phòng lụt, đoàn kết chặt chẽ, cố gắng làm việc, giúp đỡ kháng chiến chống thực dân Pháp.
Thực hiện Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” của Trung ương và Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Hưng Yên tập trung giải quyết các nhiệm vụ cấp bách trước mắt là cứu đói và xoá nạn mù chữ, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng, khắc phục hậu quả của chế độ cũ để lại; đấu tranh chống âm mưu phá hoại của bọn Tưởng và bè lũ tay sai phản động; đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Sơ bộ (6/3) và chuẩn bị mọi mặt cho kháng chiến.
Đầu tháng 7/1946, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên họp Hội nghị đại biểu tại xã Chiến Thắng (huyện Ân Thi) gồm 52 đại biểu. Hội nghị kiểm điểm quá trình công tác, đặt chương trình hoạt động và cử Ban chấp hành Tỉnh uỷ gồm 7 đồng chí, đồng chí Vũ Duy Hiệu làm Bí thư. Do tình hình lúc đó Đảng phải tạm thời chuyển vào hoạt động bí mật, nên tuyên bố  “Tự giải tán”, tổ chức Đảng gọi là “Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác”, Đảng bộ tỉnh gọi là “Hội bộ”. Từ sau Cách mạng Tháng Tám thành công, nhất là sau Hội nghị Đảng bộ tỉnh, công tác phát triển Đảng được đẩy mạnh. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám, toàn tỉnh mới có 35 đảng viên; tháng 12/1945 có 134 đảng viên; đến ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) Đảng bộ tỉnh đã có 88 chi bộ (trong đó có 32 chi bộ ghép) với 629 đảng viên.
Từ ngày 10/5 đến ngày 14/5/1947 tại Trà Bồ (xã Phan Sào Nam, huyện Phù Cừ), Đảng bộ tỉnh Hưng Yên tiến hành Đại hội lần thứ nhất. Dự Đại hội có 150 đại biểu. Đại hội tổng kết tình hình qua 4 tháng trực tiếp chiến đấu với địch, đồng thời quán triệt đường lối kháng chiến của Đảng về những vấn đề cơ bản như quan điểm chiến tranh nhân dân, phương châm đánh lâu dài, tự lực cánh sinh. Đại hội khẳng định: kẻ thù dù đông quân, vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại, nhưng không thể khuất phục được tinh thần yêu nước, quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta. Đại hội đề ra những nhiệm vụ về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, giáo dục và quyết định thành lập trường huấn luyện đào tạo cán bộ, đặt tên là “Trường Tháng 8”. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 11 đồng chí, đồng chí Lê Thành được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Từ ngày 05/02 đến ngày 08/02/1948 tại đình Hoàng Xá (xã Trung Dũng, huyện Tiên Lữ), đã tiến hành Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II. Dự Đại hội có 145 đại biểu. Đại hội phổ biến Nghị quyết Hội nghị đại biểu Liên Khu 3 lần thứ nhất; kiểm điểm công tác Ban chấp hành, xác định chương trình hành động. Đại hội bầu Ban chấp hành Đảng bộ gồm 11 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết, đồng chí Lê Thành được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ II và lời Bác dạy cán bộ tỉnh Hưng Yên tại Hội nghị dân quân toàn quốc tại Việt Bắc tháng 4/1948: “Các cô, các chú không có rừng cây, nhưng có rừng dân, dựa vào dân mà kháng chiến”, quân và dân Hưng Yên không quản hy sinh, liên tục đứng lên, liên tục chiến đấu bảo vệ quê hương. Đặc biệt từ cuối năm 1949, toàn bộ địa bàn Hưng Yên nằm trong vùng kiểm soát của địch, cả tỉnh có 360 làng thì có 360 hương đồn, tháp canh, bốt địch, song quân và dân Hưng Yên vẫn kiên trì bám trụ, vận dụng sáng tạo đường lối kháng chiến của Đảng, bám đất, bám dân, gây dựng cơ sở, phát triển phong trào, mở các khu du kích, huy động sức mạnh của toàn dân để đánh địch.
Từ ngày 15/7 đến ngày 19/7/1949, tại thôn Lệ Chi (xã Thuỵ Lôi, huyện Tiên Lữ), Đảng bộ tỉnh tiến hành Đại hội lần thứ III. Dự đại hội có 150 đại biểu. Đại hội kiểm điểm mọi mặt công việc kháng chiến; công tác lãnh đạo đấu tranh trực tiếp với địch trong vùng tạm chiếm phía Bắc và đề ra nhiệm vụ mới theo tinh thần “tích cực cầm cự chuẩn bị tổng tiến công”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 15 đồng chí, đồng chí Trịnh Quý Dần được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. 
Thực hiện sự lãnh đạo của Trung ương; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặc dù là tỉnh bị thực dân Pháp liên tục mở các cuộc càn quét lớn, có cuộc càn quét kéo dài cả chục ngày, tràn qua địa bàn tỉnh. Nhiều nơi địch kiểm soát ban ngày, ban đêm thuộc về ta, những trận đánh du kích liên tục diễn ra ở khắp nơi. Nổi bật là chiến công của đội nữ Du kích Hoàng Ngân hoá trang đánh địch trên đường 39 (trận nữ du kích Hoàng Ngân thị xã đánh địch tại chùa Diều); các trận quân chủ lực và du kích kết hợp như đánh bốt Thọ Lão, bao vây bốt Viên Quang ta tiêu diệt cả trung đội địch, đáng chú ý là chiến công ở Phan Tống Xá, Long Cầu và Phú Mãn đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.050 tên địch, tạo những tiếng vang rất lớn… Từ những làng du kích, Hưng Yên đã mở được các khu du kích liên hoàn. Tiếp theo là những chiến công trên đường 5 và đường sắt, góp phần tạo nên “Sấm Đường 5” vang dội…
Với những chiến công đó, năm 1952, quân và dân Hưng Yên đã vinh dự được nhận cờ Bác tặng “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”.
Ngoài việc đánh giặc giỏi, quân và dân Hưng Yên còn tích cực mở các lớp “bình dân học vụ” để chống giặc dốt. Năm 1952 trong bài báo Bác viết gửi cho báo Phương Tây có đoạn: “Bất chấp những nguy hiểm và khó khăn của một tỉnh bị chiếm đóng, Hưng Yên vừa chiến đấu chống thực dân Pháp, vừa chống giặc dốt. Việc thanh toán nạn mù chữ được làm trong vòng bí mật. Riêng năm 1951 đã có hơn 460 lớp học bí mật được tổ chức với 3.120 học viên”.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân Hưng Yên đã tập hợp cao nhất sức người, sức của cho kháng chiến trên địa bàn và chi viện cho các chiến trường, nhất là chiến trường Điện Biên Phủ. Qua 9 năm kháng chiến trường kỳ, gian khổ, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, quân và dân Hưng Yên đã chiến đấu 9.022 trận, tiêu diệt 19.275 tên địch (trong đó có 752 lính Âu, 336 lính Phi), bắt sống 4.917 tên, gọi hàng 12.052 tên. Chiến lợi phẩm thu được 2 đại bác, 12 trọng liên, 31 đại liên, 263 trung liên, 454 tiểu liên, 2.933 súng trường, 69 súng cối, 2 khẩu ĐKZ, 270 máy vô tuyến điện. Phá huỷ 483 khẩu súng, 240 xe quân sự, 62 xe tăng, 27 xe thiết giáp, 52 đầu tầu hoả, 154 toa tàu, bắn rơi 2 máy bay, bắn đắm 1 tàu chiến, 7 ca nô. Quân dân tỉnh ta đã đánh địch bằng mọi thứ vũ khí có trong tay, đánh địch ở mọi lúc mọi nơi, làm thành một “Thiên la địa võng” của chiến tranh du kích, trở thành tỉnh có phong trào chiến tranh nhân dân phát triển cao ở đồng bằng Bắc Bộ… Những chiến công đó đã góp phần cùng cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược.
Với thành tích đó, Hưng Yên được Bác Hồ gửi thư khen, tặng cờ, cùng hiện vật cho các đơn vị, tập thể và cá nhân, được Đảng và Nhà nước khen tặng 10 Huân chương Quân công, 30 Huân chương Chiến công, cùng hàng vạn huân, huy chương các loại cho các đơn vị, cá nhân và gia đình có công lao, thành tích trong kháng chiến. Hàng trăm cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, sản xuất giỏi được bầu là Chiến sĩ thi đua các cấp, trong đó có 9 người được phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân…
3. Đảng bộ lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục kinh tế, cải tạo, xây dựng chủ nghĩa xã hội, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ  (1954 - 1967)
Sau giải phóng quê hương 1954, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã bắt tay khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, cải tạo sản xuất và phát triển văn hóa xã hội, xây dựng quê hương. Tại Hội nghị mở rộng từ ngày 21/8 đến ngày 23/8/1954, Tỉnh uỷ đã đề ra chủ trương: tập trung tuyên truyền, giáo dục để toàn dân nhận thức đúng, chấp hành nghiêm chỉnh Hiệp định đình chiến đã ký, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp và bè lũ tay sai; đề cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, tích cực phát triển sản xuất, ổn định sinh hoạt ở các vùng nông thôn. 
Giữa năm 1955, thực hiện Nghị quyết lần thứ 4 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) về tình hình trước mắt và nhiệm vụ cải cách ruộng đất, Tỉnh uỷ đã phát động quần chúng tiến hành cải cách ruộng đất. Qua cải cách ruộng đất, tỉnh đã giải quyết được nguyện vọng của nhân dân, người nông dân đã thực sự làm chủ ở nông thôn cả về chính trị và kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 11/1958), Tỉnh uỷ đã xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian từ 1958-1960 là xoá bỏ làm ăn riêng lẻ, đưa nông dân vào làm ăn tập thể, thực hiện hợp tác hoá. Đến cuối năm 1959, Hưng Yên đã có 95% số hộ vào tổ đổi công.
Phát triển sản xuất nông nghiệp là đòi hỏi bức thiết, song Hưng Yên chưa có hệ thống thuỷ nông, tình trạng hạn hán và úng ngập rất gay gắt. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ xác định: "Thuỷ lợi đi trước một bước" và chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh tập trung tạo mọi điều kiện thúc đẩy công tác thuỷ lợi. Ngày 05/01/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Hưng Yên, nói chuyện với cán bộ và nhân dân, Người nói: "Làm thuỷ lợi khó nhọc trong vài năm để được sung sướng muôn đời". Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân đạt được nhiều thành tích trong công tác thuỷ lợi, đây là một bước quan trọng để đẩy lùi hạn hán và úng ngập, mở rộng diện tích canh tác, tăng sản lượng lúa và hoa màu…
Từ ngày 08/3 đến ngày 15/3/1959, tại Hội trường Trường Đảng tỉnh đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV. Dự đại hội có 131 đại biểu chính thức và 14 đại biểu dự khuyết. Nội dung chủ yếu của Đại hội được tóm tắt thành “Tứ hoá”, gồm: thuỷ lợi hoá, hợp tác hoá, bổ túc văn hoá và quân sự hoá. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 25 ủy viên chính thức và 5 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Quý Quỳnh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, phong trào “tứ hoá” của tỉnh đã phát triển đồng đều, dân trí được nâng lên, đã áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng lực lượng vũ trang, bảo vệ quê hương. Phong trào đã có tác dụng rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ, thể hiện sự kết hợp giữa củng cố, xây dựng, phát triển kinh tế với văn hoá và quốc phòng. Với những thành tích đạt được năm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng Ba cho cán bộ và nhân dân Hưng Yên, vì đã đạt nhiều thành tích trong Bổ túc văn hoá. Trung ương Đảng tặng cờ dẫn đầu về Bổ túc văn hoá. Đối với quân sự hoá, Hưng Yên là tỉnh nhiều năm dẫn đầu Quân khu Tả ngạn…
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V được tiến hành 2 vòng:
Vòng 1 từ ngày 27/6 đến ngày 06/7/1960 tại thị xã Hưng Yên. Dự đại hội có 244 đại biểu chính thức, 18 đại biểu dự khuyết. Đại hội đã tập trung thảo luận góp ý vào Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương và bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III gồm 9 đại biểu chính thức, 01 đại biểu dự khuyết.
Vòng 2 từ ngày 21/3 đến ngày 29/3/1961 tại thị xã Hưng Yên. Dự đại hội có 225 đại biểu chính thức. Đại hội đã đề ra các phương hướng và biện pháp nhằm thực hiện tốt kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành khóa V gồm 25 ủy viên chính thức, 6 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Quý Quỳnh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Từ ngày 06/9 đến ngày 10/9/1963, tại Hội trường Trường Đảng tỉnh đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI. Dự đại hội có 242 đại biểu chính thức và 18 đại biểu dự khuyết. Đại hội đã đánh giá tình hình kinh tế - xã hội của Hưng Yên trong ba năm đầu thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho nhiệm kỳ tới. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 17 ủy viên chính thức và  2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lê Quý Quỳnh được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ V và lần thứ VI, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, nhân dân Hưng Yên nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ kinh tế - xã hội… Đảng bộ tỉnh đã có bước trưởng thành, đến năm 1965 có 15.596 đảng viên, trong đó có 11.329 đảng viên nông thôn. Giữa lúc Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đang dồn sức thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì đế quốc Mỹ điên cuồng mở cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, tăng cường chiến tranh xâm lược miền Nam. Tình thế cách mạng của dân tộc ta chuyển sang giai đoạn mới: cả nước có chiến tranh, chống Mỹ cứu nước trở thành nhiệm vụ cấp bách và thiêng liêng của cả dân tộc. Trong điều kiện vừa sản xuất vừa chiến đấu, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân tập trung cao độ xây dựng hậu phương vững mạnh, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, đáp ứng yêu cầu cách mạng của cả nước. Tỉnh ta đã thực hiện tốt các cuộc vận động xây dựng Đảng bộ Bốn tốt; Chính quyền Hai tốt; Mặt trận Ba gương mẫu, Hai tích cực; Thanh niên Ba sẵn sàng; Phụ nữ Ba đảm đang; Thiếu niên Nghìn việc tốt; Nhà trường phổ thông Hai tốt; Hợp tác xã Hai giỏi…Với khẩu hiệu: Tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược… Đến năm 1965 tỉnh ta đã  gieo cấy đạt 112% kế hoạch, đây là diện tích đạt cao nhất từ ngày hòa bình lập lại. Phong trào trại chăn nuôi tập thể, phong trào vườn cây, ao cá Bác Hồ được phát triển ở hầu hết các xã trong tỉnh. Đặc biệt đối với phong trào làm thủy lợi, đã xây dựng hàng trăm công trình trung, tiểu thủy nông và trạm bơm lớn, nhỏ, để giải quyết khó khăn về hạn và úng cho 37.989 ha diện tích cấy, trồng. Với những thành tích to lớn trên mặt trận thủy lợi, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã vinh dự được Bác Hồ tặng Cờ luân lưu “Làm thủy lợi khá nhất” miền Bắc 4 lần.
Công tác văn hóa giáo dục phát triển khá mạnh, công tác bổ túc văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, là yêu cầu cấp thiết để nâng cao trình độ cho cán bộ, cho nhân dân lao động, tạo điều kiện để phổ biến khoa học kỹ thuật. Với kết quả của phong trào bổ túc văn hóa, Hưng Yên được tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì, huyện Phù Cừ được Bác gửi thư khen ngợi cán bộ, nhân dân đã tích cực học văn hoá đạt kết quả tốt. Trong giáo dục phổ thông, hàng chục thầy, cô giáo và các em học sinh được Bác Hồ tặng huy hiệu của Người, cùng nhiều tặng phẩm khác.
Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng phát triển, từ mô hình xây dựng gia đình văn hóa ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long (huyện Yên Mỹ) đã thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở các địa phương trong tỉnh và trong cả nước. Từ đây, Hưng Yên được coi là cái “nôi” của phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
 Cùng với phát triển kinh tế làm giàu cho quê hương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã tích cực hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi khai hoang phát triển kinh tế văn hóa miền núi, đã cử hàng vạn con em lên các tỉnh ở Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc của Tổ quốc xây dựng vùng kinh tế mới. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hưng Yên đã kết nghĩa với tỉnh Tân An (nay là Long An). Ngoài việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn, cho tỉnh kết nghĩa, nhiều công trình mang tên Tân An, những cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ, những hũ gạo vì Tân An, vì miền Nam ruột thịt... được phát triển rộng khắp trong tỉnh.
4. Thời kỳ Đảng bộ Hưng Yên hợp nhất với Đảng bộ Hải Dương thành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng (1968 - 1996)
Ngày 26/01/1968, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra Nghị quyết số 504-NQ/TVQH phê duyệt việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Hải Dương.
Sau một thời gian chuẩn bị, Tỉnh uỷ Hải Hưng đã họp Hội nghị lần thứ nhất từ ngày 09/02 đến ngày 10/02/1968 tại Đậu Xá (Ân Thi) để nghe báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về việc hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng; nghe báo cáo về nhân sự, đề án công tác năm 1968 của tỉnh. Đảng bộ đã xác định nhiệm vụ cấp bách của toàn Đảng bộ trong giai đoạn này là đoàn kết toàn dân, toàn quân, phát huy thuận lợi của việc hợp nhất tỉnh, động viên mọi lực lượng kiên quyết khắc phục mọi khó khăn, đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu, quyết tâm cùng nhân dân cả nước đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực chi viện cho miền Nam và làm tốt nghĩa vụ quốc tế.
Cùng với việc chi viện sức người, sức của cho miền Nam, tỉnh ta đã góp phần cùng quân dân miền Bắc đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Quân dân tỉnh ta đã bắn rơi 85 máy bay Mỹ (trong đó có 12 máy bay là thành tích của dân quân tự vệ), bắt sống 17 tên giặc lái Mỹ. Chiến công của tỉnh nhà đã góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Từ ngày 23/3 đến ngày 01/4/1975, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ nhất được tổ chức tại Hội trường lớn tỉnh (thị xã Hải Dương). Dự Đại hội có 450 đại biểu chính thức, 45 đại biểu dự khuyết thay mặt cho 71.000 đảng viên của toàn Đảng bộ. Đại hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ từ khi hợp nhất đến năm 1975, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 1975 và phương hướng chung cho kế hoạch 5 năm lần thứ hai 1976-1980, quyết định nhiệm vụ xây dựng Đảng, tăng cường sự lãnh đạo và nâng cao sức chiến đấu của Đảng bộ để thực hiện thắng lợi Nghị quyết lần thứ 23 của Trung ương. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 33 uỷ viên chính thức và 6 ủy viên dự khuyết. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng bầu đồng chí Ngô Duy Đông, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy.
Từ năm 1968 - 1975, nhân dân Hải Hưng tích cực phấn đấu trên mặt trận sản xuất với phong trào thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, tiếp tục củng cố hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, xây dựng các cánh đồng 5 tấn thắng Mỹ, các công trình thuỷ lợi được tu bổ nâng cấp, xây dựng nhiều trạm bơm điện. Các phong trào thi đua trong lao động, học tập, chiến đấu được hình thành: phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ Ba đảm đang”, với khẩu hiệu “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, "Chắc tay cày vững tay súng” được triển khai rộng rãi.
 Trong suốt những năm đánh Mỹ, từ năm 1968 đến năm 1975, tỉnh ta luôn đảm bảo vượt chỉ tiêu giao quân, đã có 214.308 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 7.051 nữ quân nhân. Toàn tỉnh có 7.430 gia đình có 3 con; 1.002 gia đình có 4 con; 102 gia đình có 5 con; 26 gia đình có 6 con; 7 gia đình có 7 con đi bộ đội.
Với những thành tích đó, quân dân tỉnh ta đã được Nhà nước tặng thưởng 01 Huân chương Sao vàng, 01 Huân chương Hồ Chí Minh, 01 Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, 2 Cờ thưởng Luân lưu quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, cùng nhiều huân, huy chương cao quí khác và các bằng khen, giấy khen cho các tập thể và cá nhân. Nhiều đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng. 
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ II được tiến hành theo hai vòng tại Hội trường lớn (thị xã Hải Dương).
Vòng 1, Đại hội tổ chức từ ngày 11/11 đến ngày 20/11/1976. Dự Đại hội có 502 đại biểu chính thức. Đại hội đã thảo luận góp ý vào hai dự thảo quan trọng (Báo cáo Chính trị, Điều lệ Đảng sửa đổi) và bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội lần thứ IV của Đảng gồm 34 đồng chí. 
Vòng 2, Đại hội tổ chức từ ngày 03/4 đến ngày 14/4/1977. Dự có 487 đại biểu. Đại hội thông qua Nghị quyết, phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế trong hai năm 1977 - 1978. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 36 uỷ viên chính thức, 2 uỷ viên dự khuyết. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng (khóa II) bầu đồng chí Ngô Duy Đông, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ III, được tổ chức từ ngày 30/10 đến ngày 03/11/1979, tại Hội trường lớn (thị xã Hải Dương). Về dự Đại hội có 500 đại biểu. Đại hội kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ II, đề ra Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới, Đại hội xác định 3 mục tiêu: Đẩy mạnh sản xuất, ổn định và đảm bảo đời sống nhân dân; Tăng cường quốc phòng và an ninh, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; Kiên quyết đấu tranh khắc phục những mặt tiêu cực trong hoạt động kinh tế - xã hội. Đại hội bầu Ban Chấp hành gồm 43 uỷ viên. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng (khóa III) bầu đồng chí Ngô Duy Đông làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ IV được tiến hành 2 vòng tại Hội trường lớn (thị xã Hải Dương).
Vòng 1, Đại hội tổ chức từ ngày 06/01 đến ngày 14/01/1982. Về dự đại hội có 522 đại biểu đại diện cho 8 vạn đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. Đại hội kiểm điểm sự lãnh đạo thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ III, đề ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội những năm 1982 - 1985. Đại hội tiến hành bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V gồm 36 đồng chí và 1 đại biểu dự khuyết.
Vòng 2, Đại hội tổ chức từ ngày 25/01 đến ngày 29/01/1983. Dự đại hội có 496 đại biểu. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 45 uỷ viên, trong đó có 4 ủy viên dự khuyết. Ngày 16/02/1983, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng (khóa IV) họp, bầu đồng chí Ngô Duy Đông, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ V, được tiến hành từ ngày 20/10 đến ngày 25/10/1986, tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thị xã Hải Dương). Dự Đại hội có 505 đại biểu thay mặt cho hơn 115.000 đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. Đại hội kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ IV, tham gia góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, thông qua Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh từ 1986-1990. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 43 uỷ viên chính thức. Tại kì họp thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng (khóa V) đã bầu đồng chí Lê Đức Bình, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần VI được tiến hành theo hai vòng tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thị xã Hải Dương).
Vòng một, Đại hội tổ chức từ ngày 28/3 đến ngày 30/3/1991, dự Đại hội có 405 đại biểu chính thức và 27 đại biểu dự khuyết được lựa chọn từ 12 đảng bộ huyện, thị xã và 6 đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh. Đại hội đã thảo luận góp ý vào dự thảo Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ VII. Đại hội đã bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng lần thứ VII gồm 36 đồng chí.
Vòng hai, Đại hội tổ chức từ ngày 15/8 đến ngày 17/8/1991, về dự có 403 đại biểu chính thức và 22 đại biểu dự khuyết. Đại hội đã kiểm điểm sự lãnh đạo của Đảng bộ trong nhiệm kỳ V và đề ra nghị quyết, phương hướng phấn đấu những năm 1991-1995. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 48 uỷ viên. Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng (khóa VI) đã bầu đồng chí Phạm Văn Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy.
 Đại hội Đảng bộ tỉnh Hải Hưng lần thứ VII được tiến hành từ ngày 06/5 đến ngày 09/5/1996, tại Nhà văn hoá Trung tâm tỉnh (thị xã Hải Dương). Dự Đại hội có 350 đại biểu đại diện cho hơn 12 vạn đảng viên của tỉnh. Đại hội đã đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ trong 5 năm 1991 - 1995 và đề ra Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội từ năm 1996 đến năm 2000. Đại hội bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 49 đồng chí. Ngày 9/5/1996, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hải Hưng (khóa VII) bầu đồng chí Phạm Văn Thọ, Ủy viên Trung ương Đảng làm Bí thư Tỉnh ủy.
Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Hải Hưng đạt được nhiều thành tựu trên tất cả các lĩnh vực: Sản xuất nông nghiệp đạt thắng lợi lớn, năm 1996 năng suất lúa đạt 103 tạ/ha, lương thực bình quân đầu người đạt 485kg. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhiều nghề mới được hình thành, nghề cũ được khôi phục. Các dự án đầu tư ngày càng nhiều, ngành kinh tế dịch vụ phát triển, hàng hoá ngày càng phong phú, từng bước đáp ứng yêu cầu của nhân dân, làm cho đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, số hộ giàu tăng, cơ bản xoá được hộ đói, hộ nghèo ngày càng giảm.
Với những thành tích to lớn và đặc biệt xuất sắc trong các cuộc kháng chiến, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tỉnh ta đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân.
5. Tỉnh Hưng Yên được tái lập, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Ngày 6/11/1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá IX ra Nghị quyết về việc chia tỉnh Hải Hưng thành hai tỉnh là Hải Dương và Hưng Yên. Ngày 1/1/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Đảng bộ tỉnh Hưng Yên sau ngày tái lập gồm 9 đảng bộ trực thuộc gồm: Đảng bộ thị xã Hưng Yên, Đảng bộ huyện Mỹ Văn, Đảng bộ huyện Châu Giang, Đảng bộ huyện Phù Tiên, Đảng bộ huyện Kim Động, Đảng bộ huyện Ân Thi, Đảng bộ Các cơ quan tỉnh, Đảng bộ Quân sự tỉnh và Đảng bộ Công an tỉnh.
Từ ngày 11/11 đến ngày 13/11/1997, tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thị xã Hưng Yên), Đảng bộ tỉnh đã tổ chức Đại hội lần thứ XIV([12]). Dự Đại hội có 250 đại biểu đại diện cho hơn 45.000 đảng viên trong Đảng bộ tỉnh. Đại hội đánh giá kết quả của Đảng bộ trong một năm tái lập, xác định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong 3 năm 1998-2000 là: tập trung mọi lực lượng, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, đưa công cuộc đổi mới phát triển một cách toàn diện và đồng bộ, tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc, có hiệu quả đi đôi với giải quyết những vấn đề bức xúc về xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng; cải thiện một bước mức sống nhân dân; chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nâng cao tích luỹ nội bộ, tạo tiền đề vững chắc cho bước phát triển cao sau năm 2000. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 41 uỷ viên. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất (khoá XIV) đã bầu đồng chí Đặng Văn Cảo làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Từ ngày 02/01 đến ngày 04/01/2001, tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thị xã Hưng Yên), Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã tổ chức Đại hội lần thứ XV. Dự Đại hội có 250 đại biểu đại diện cho 48.453 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đã đánh giá việc lãnh đạo của Đảng bộ trong thực hiện Nghị quyết lần thứ XIV và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2001-2005. Mục tiêu của đại hội là: tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tăng trưởng kinh tế nhanh, vững chắc, đi đôi với nâng cao một bước đời sống nhân dân, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tạo cơ sở vững chắc để Hưng Yên tiếp tục phát triển nhanh hơn vào giai đoạn sau. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XV gồm 43 uỷ viên. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất (khoá XV) đã bầu đồng chí Phạm Đình Phú làm Bí thư Tỉnh uỷ.
Từ ngày 18/12 đến ngày 21/12/2005, tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thị xã Hưng Yên) đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Dự Đại hội có 289 đại biểu chính thức đại diện cho 51.000 đảng viên trong toàn tỉnh. Đại hội đã đánh giá công tác lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong nhiệm kỳ 2001 - 2005 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ mới 2006 - 2010. Mục tiêu của Đại hội là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, năng lực quản lý, hiệu lực điều hành của chính quyền các cấp. Tăng cường vai trò của MTTQ và các đoàn thể, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân. Tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ và đồng bộ, khai thác tốt lợi thế, huy động mọi nguồn lực, chủ động hội nhập, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đạt mức tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Phát triển nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Củng cố quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống của nhân dân. Phấn đấu đến năm 2020, Hưng Yên trở thành tỉnh khá trong cả nước, tạo cơ sở để trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại trước năm 2020.
Tháng 12/2005, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 49 uỷ viên. Đồng chí Nguyễn Đình Phách được bầu làm Bí thư Tỉnh uỷ. Đại hội đã bầu đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X gồm 16 đại biểu chính thức. Tại Đại hội X của Đảng, đồng chí Nguyễn Đình Phách được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Từ tháng 4/2008, đồng chí Cao Văn Cường được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh bầu làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Nguyễn Đình Phách chuyển công tác; từ 4/2010, đồng chí Nguyễn Văn Cường được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy thay đồng chí Cao Văn Cường nghỉ hưu theo chế độ.
Từ ngày 19/9 đến ngày 21/9/2010, tại Nhà văn hoá trung tâm tỉnh (thành phố Hưng Yên) đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Dự Đại hội có 315 đại biểu đại diện cho 55 nghìn đảng viên của Đảng bộ tỉnh. Đại hội đã đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển 5 năm 2011 - 2015. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII gồm 55 uỷ viên. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất (khoá XVII) đã bầu đồng chí Nguyễn Văn Cường làm Bí thư Tỉnh uỷ (Đến tháng 3/2013). Từ tháng 3/2013 đến tháng 10/2015 đồng chí Nguyễn Văn Thông, Ủy viên Trung ương Đảng, làm Bí thư Tỉnh ủy. Từ tháng 10/2015 đồng chí Đỗ Tiến Sỹ làm Bí thư Tỉnh ủy.
Từ ngày 31/10 đến ngày 02/11/2015, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Hưng Yên đã diễn ra Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Dự Đại hội có 332 đại biểu đại diện cho trên 63 nghìn đảng viên([13]) của Đảng bộ tỉnh. Đại hội đã đánh giá kết quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVII và đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển 5 năm 2016 - 2020. Đại hội đã thông qua số lượng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020 là 54 đồng chí; bầu tại Đại hội là 53 đồng chí; bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng gồm 19 đại biểu chính thức và 2 đại biểu dự khuyết. Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ nhất (khoá XVIII) đã bầu đồng chí Đỗ Tiến Sỹ làm Bí thư Tỉnh uỷ.
*
Từ Chi bộ cộng sản đầu tiên (năm 1929), sau phát triển thành nhiều chi bộ dẫn đến sự ra đời của Ban Tỉnh uỷ lâm thời tỉnh Hưng Yên (tháng 7/1941), sau này là Đảng bộ tỉnh Hưng Yên. Qua 75 năm phát triển, trưởng thành, đến nay Đảng bộ tỉnh Hưng Yên có 14 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh; 604 tổ chức cơ sở Đảng với trên 6,34 vạn đảng viên([14]). Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang trong tỉnh đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
 
Phần thứ ba
NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT
CỦA TỈNH HƯNG YÊN SAU 20 NĂM TÁI LẬP
 
Ngày 01/01/1997, tỉnh Hưng Yên được tái lập. Khi mới tái lập, xuất phát điểm về kinh tế - xã hội của Hưng Yên còn thấp, tốc độ phát triển kinh tế chưa cao, cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn, kết cấu hạ tầng thấp kém (nhất là về giao thông, cấp điện, cấp nước và các dịch vụ thương mại, tài chính, ngân hàng). Giáo dục, y tế còn khó khăn, mức hưởng thụ của nhân dân trong các hoạt động xã hội, dịch vụ còn hạn chế… Nhưng là một tỉnh có điều kiện phát triển kinh tế thuận lợi, lại có vị trí gần các trung tâm công nghiệp lớn (như Hà Nội, Hải Phòng), nhờ đó, Hưng Yên có thể chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, đặc biệt phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng, nhất là thực phẩm tươi sống và chế biến của các thành phố. 
Sau 20 năm tái lập tỉnh (1997 - 2017), được sự quan tâm của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên đã quyết tâm phấn đấu đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đạt được những thành tựu quan trọng, hoàn thành khá toàn diện mục tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, XV, XVI, XVII đề ra. Kinh tế tăng trưởng nhanh, hợp tác đầu tư phát triển, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, quốc phòng - an ninh được tăng cường, giữ vững ổn định chính trị, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt, dân chủ trong Đảng và nhân dân được mở rộng; thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng chuyển biến tích cực. Vị thế Hưng Yên được khẳng định và nâng cao, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Về kinh tế: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) hàng năm đạt mức tăng trưởng khá, bình quân 5 năm (2010 - 2015) đạt 7,8%, cao hơn mức bình quân của cả nước.
Sau 20 năm tái lập, Hưng Yên đã xây dựng được một nền tảng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ; kinh tế hàng năm đều tăng trưởng cao hơn bình quân chung của cả nước, giá trị sản xuất công nghiệp tăng gấp 89 lần, thu ngân sách tăng gấp 100 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 10 lần so với khi tái lập tỉnh.
Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp, xây dựng tăng mạnh, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 1997, công nghiệp, xây dựng 20% - nông nghiệp 52% - dịch vụ 28%; năm 2015, công nghiệp - xây dựng 49%; Nông nghiệp 13%; Thương mại - Dịch vụ 38%. Thu nhập bình quân đầu người năm 1997 là 205 USD; năm 2015, GDP bình quân đầu người 40 triệu đồng/năm. Thu ngân sách năm 1997 khoảng 82 tỷ đồng; năm 2015 đạt gần 8.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 5.300 tỷ đồng.  
Sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, chuyển đổi mạnh sang hướng hàng hoá chất lượng cao và giá trị kinh tế cao, sản xuất lúa liên tục được mùa, chất lượng và hiệu quả được nâng cao (tăng trưởng bình quân gần 2%/năm). Năm 2015, cơ cấu nông nghiệp có chuyển dịch tích cực: Cây lương thực chiếm 19,58% - rau, củ, quả 25,09% - chăn nuôi, thủy sản 55,33%. Thu nhập trên 1 ha canh tác đạt trên 150 triệu đồng.
Tổng diện tích gieo trồng hàng năm đạt khoảng 108 nghìn ha (trong đó lúa: 80 nghìn ha), năng suất bình quân 64 tạ/ha/vụ; sản lượng lương thực bình quân đạt 56 vạn tấn/năm (thóc 51 vạn tấn/năm); vụ Xuân chủ yếu gieo cấy trà Xuân muộn; lúa chất lượng cao chiếm 60% diện tích. Thực hiện bước đầu có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, các vùng chuyên canh tiếp tục được mở rộng, hiệu quả kinh tế ngày một tăng; đặc biệt, đã chuyển đổi trên 6.000 ha từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây hàng năm, kết hợp với chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả cao gấp từ 3 đến 5 lần trồng lúa. Xây dựng nhãn hiệu sản phẩm hàng hoá tập thể, nhiều sản phẩm đã tăng mạnh về sản lượng và được thị trường ưa chuộng như: Nhãn lồng, vải lai, chuối tiêu hồng, quýt đường canh, quất cảnh, gà Đông Tảo, tương Bần...
Sản lượng chăn nuôi và thủy sản tăng, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình giảm, đàn lợn đã nạc hóa trên 80%, sind hóa đàn bò 100% (bò lai Brahman đỏ đạt trên 30%). Các ngành nghề truyền thống và dịch vụ ở nông thôn phát triển khá. Kinh tế hợp tác phát triển, đa dạng về hình thức và quy mô, với trên 3.000 mô hình kinh tế, tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động, trong đó 168 hợp tác xã nông nghiệp - dịch vụ, 635 trang trại, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả. Tính đến hết tháng 3/2016, bình quân toàn tỉnh đạt 15,5 tiêu chí/xã, có 35/145 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn được nâng lên rõ rệt.
Công nghiệp tiếp tục phát triển đạt hiệu quả, tăng trưởng bình quân 9,87%; cơ cấu công nghiệp chuyển dịch tích cực; các ngành, lĩnh vực, sản phẩm có thương hiệu, giá trị gia tăng, chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường được giữ vững và phát triển; có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp phụ trợ, công nghệ giá trị gia tăng cao như: phụ tùng ô tô xe máy, dệt may, điện tử, thúc đẩy tăng kim ngạch xuất khẩu. Các khu công nghiệp hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy đạt khá, đóng góp nhiều vào nguồn thu ngoại tệ qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa (như Khu công nghiệp Thăng Long II, Khu công nghiệp Phố Nối A,...). Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động. Bình quân mỗi năm có khoảng 530 doanh nghiệp mới được thành lập, đến tháng 6/2016 có 6.413 doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
  Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục tăng trưởng và từng bước được đa dạng các loại hình. Tốc độ tăng trưởng bình quân 8,5%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ bình quân tăng 20,13%/năm. Triển khai thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ; hệ thống bán buôn, bán lẻ, mạng lưới siêu thị phát triển; có 110 chợ nông thôn, mạng lưới chợ được quy hoạch, đầu tư trên 400 tỷ đồng, xây mới và nâng cấp 25 chợ; có 6 chợ hạng I theo mô hình “Chợ và khu nhà ở thương mại”. Kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, bình quân 33,27%/năm. Xuất khẩu thêm nhiều sản phẩm mới thuộc lĩnh vực cơ khí, điện tử, dệt may. Nhập khẩu tăng trưởng cao, bình quân gần 26%/năm. Các dịch vụ: Bảo hiểm, bưu điện, viễn thông, vận tải phát triển...
Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung cao các nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Cơ cấu thu hút đầu tư có sự chuyển dịch tích cực, tập trung nhiều hơn vào các dự án công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, nhất là các dự án có vốn đầu tư nước ngoài; ưu tiên các dự án sử dụng nhiều lao động nông thôn, có thời gian đào tạo nghề ngắn, để từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Khu Công nghiệp Thăng Long II, đã lấp đầy dự án giai đoạn 1 và tiếp tục đầu tư mở rộng giai đoạn 2 theo mô hình khu công nghiệp hiện đại, đồng bộ.
Hạ tầng giao thông, vận tải được đầu tư nhiều, phát triển nhanh, nhất là các tuyến đường trọng điểm và đường giao thông nông thôn. Tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt khoảng 32%; thành phố Hưng Yên cơ bản đạt đô thị loại II, Mỹ Hào được công nhận là đô thị loại IV và đang trình công nhận thị xã; có 15 xã và thị trấn đạt đô thị loại V. Cơ bản hoàn thành đầu tư xây dựng phòng học kiên cố ở các cấp học phổ thông; đang tiếp tục kiên cố trường, lớp học mầm non. Trong Khu Đại học Phố Hiến, Trường Đại học Chu Văn An đã đi vào hoạt động, đang thi công xây dựng Trường đại học Thủy Lợi; Trường đại học Y Tôkyo Nhật Bản, Trường đại học Anh quốc Việt Nam trong Khu đô thị Ecopark và một số trường đại học, cao đẳng trong quá trình chuẩn bị đầu tư; nâng cấp Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện đa khoa Phố Nối, các bệnh viện huyện và đầu tư nâng cấp các trạm y tế ở các xã, phường, thị trấn; đầu tư mới và đưa vào sử dụng Bệnh viện Sản Nhi. Hoàn thành công trình Trung tâm hội nghị tỉnh, Khu lưu niệm và Tượng đài Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; hoàn thành giai đoạn chuẩn bị đầu tư để thi công xây dựng Khu liên hợp thể thao tỉnh.
  Văn hoá - xã hội tiếp tục được quan tâm và có nhiều tiến bộ. Giáo dục và đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Thực hiện từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì. Toàn tỉnh có 263 trường đạt chuẩn quốc gia. Giáo viên đạt chuẩn ở tất cả các cấp học; tỷ lệ trên chuẩn cao ở giáo dục mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Là tỉnh thứ 6 đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, hoàn thành việc chuyển đổi 159/159 trường mầm non bán công sang công lập; là tỉnh thứ 7 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ II. Học sinh tốt nghiệp các cấp đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ thi đỗ đại học đạt 51%, thuộc nhóm các tỉnh có tỷ lệ cao trong cả nước; Đội Robocon của Trường đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên đạt vô địch thi Robocon trong nước và Châu Á - Thái Bình Dương năm 2015. Có 6 trường cao đẳng, nâng cấp và thu hút thêm 5 trường đại học về tỉnh. Mỗi năm đào tạo trên 1 vạn sinh viên, đào tạo nghề cho hàng vạn lao động, góp phần đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho tỉnh và khu vực.
Hoạt động khoa học và công nghệ chuyển mạnh sang thực hiện các đề tài, dự án ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, thiết thực, hiệu quả, đã góp phần tích cực phát triển công nghiệp, nông nghiệp, bảo vệ môi trường và văn hóa-xã hội. Triển khai 129 đề tài, dự án và hàng trăm sáng kiến khoa học được nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao vào thực tiễn sản xuất và đời sống có hiệu quả. Quan tâm xây dựng, đăng ký và bảo vệ thương hiệu những sản phẩm chủ lực của tỉnh, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững.
Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân được tăng cường. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên; các dịch vụ khám, chữa bệnh phổ cập cho toàn dân được chú trọng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế trên 60% (theo chuẩn mới); tỷ lệ xã có bác sỹ biên chế tại trạm đạt 65%; tuổi thọ trung bình 74 tuổi; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi, sản phụ đều ở mức thấp so với toàn quốc; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên duy trì ở mức dưới 1%. Đội ngũ thầy thuốc được bổ sung đủ về số lượng và chất lượng được nâng cao. Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, dân số, kế hoạch hóa gia đình. Quản lý hành nghề y, dược tư nhân, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.
Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao tiếp tục phát triển; tăng cường đầu tư thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật, truyền thông. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” từng bước đi vào chiều sâu. Tổ chức tốt các hoạt động nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ lớn, trong đó có Lễ kỷ niệm 180 năm thành lập tỉnh Hưng Yên và Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đầu tư trên 1.000 tỷ đồng xây dựng và nâng cấp hệ thống thiết chế văn hoá từ tỉnh tới cơ sở; các xã, phường, thị trấn, thôn, làng, khu phố có nhà văn hóa độc lập hoặc chung với các thiết chế văn hóa khác. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể được chú trọng; công tác trùng tu, tôn tạo được huy động chủ yếu từ nguồn xã hội hóa. Khu di tích Phố Hiến được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Phong trào thể dục, thể thao quần chúng được duy trì và phát triển; thể thao thành tích cao giành được một số giải quốc gia và khu vực. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, xúc tiến du lịch; số lượt khách du lịch đến thăm Hưng Yên bình quân hàng năm đều tăng. 
Chính sách xã hội được quan tâm, chăm lo, thực hiện đầy đủ và kịp thời. Tuyệt đại đa số hộ gia đình chính sách, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình; các Quỹ: “Đền ơn đáp nghĩa”, "Vì người nghèo", "Bảo trợ trẻ em", "Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam" hoạt động có hiệu quả; đã quan tâm nâng mức hỗ trợ cho các đối tượng bảo trợ xã hội. Cơ bản hoàn thành tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Tham gia nâng cấp, tôn tạo một số hạng mục trong Nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sỹ Đường 9. Hệ thống đào tạo nghề được mở rộng; nội dung và chất lượng dạy nghề từng bước được nâng lên (năm 2014 đạt Huy chương vàng cuộc thi tay nghề ASEAN), bước đầu có sự gắn kết với các cơ sở sử dụng lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 54% (trong đó đào tạo nghề 38%); cơ cấu lao động: Nông nghiệp 43% - Công nghiệp, xây dựng 30% - Dịch vụ 27%. Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 2 vạn lao động; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội đạt gần 24%, bảo hiểm thất nghiệp đạt trên 20%; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,2%.
Công tác đảm bảo quốc phòng, quân sự địa phương được chỉ đạo, triển khai thực hiện toàn diện; thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện, thành phố được củng cố; duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, cháy nổ; tổ chức thành công diễn tập khu vực phòng thủ tỉnh và ở các huyện, thành phố; diễn tập quốc phòng, an ninh cho các sở, ngành. Hoàn thành 100% chỉ tiêu tuyển quân hàng năm; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, thi đua quyết thắng, xây dựng nông thôn mới và thực hiện chính sách hậu phương quân đội. Công tác an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được đảm bảo, ổn định. Chủ động nắm bắt tình hình, triển khai đồng bộ các biện pháp đấu tranh, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; mở nhiều đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, nhóm hoạt động theo kiểu "xã hội đen", các tụ điểm phức tạp về ma túy, cờ bạc, gây bức xúc trong nhân dân. Phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy; kết hợp với tăng cường tuần tra, ngăn chặn, xử lý tội phạm, các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông, môi trường; an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo cơ bản ổn định; thực hiện tốt công tác an ninh trật tự ở các khu, cụm công nghiệp và các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn, nhất là sau sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng Biển Đông của Việt Nam.
Đẩy mạnh cải cách tư pháp, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tư pháp trong thực thi nhiệm vụ. Công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp với các đối tượng. Công tác hòa giải ở cơ sở được củng cố và hoạt động có hiệu quả. Kiểm soát thủ tục hành chính được đẩy mạnh, thực hiện công bố công khai thủ tục hành chính và tiếp nhận, xử lý, phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính; cắt giảm được nhiều thủ tục, nhất là thời hạn giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và doanh nghiệp. Công tác thanh tra, xử lý vi phạm được tăng cường. Đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện quản lý kê khai tài sản hàng năm đối với cán bộ, công chức theo quy định; thực hiện nghiêm thanh tra trách nhiệm về khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân có chuyển biến tích cực; tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo, nhất là các vụ việc khiếu nại đông người vượt cấp giảm, góp phần ổn định tình hình chung trên địa bàn.
Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền được nâng cao. Vai trò và chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân ngày càng được nâng cao. Các nghị quyết được ban hành kịp thời, có hiệu quả, nhất là việc điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển, qua đó đã phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo cơ chế thuận lợi cho phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Công tác giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp được tiến hành nghiêm túc, khắc phục được tính hình thức. Giám sát chuyên đề giữa 2 kỳ họp được thực hiện khoa học, kịp thời kiến nghị sửa đổi những bất cập trong cơ chế cũng như trong chỉ đạo, điều hành. Công tác tiếp công dân, tiếp xúc cử tri và giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri được quan tâm đúng mức và giải trình thấu đáo. Việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm của HĐND đã có tác dụng tích cực nâng cao trách nhiệm của những người giữ chức danh do HĐND bầu. Công tác cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức được đẩy mạnh; 100% số cơ quan chuyên môn cấp xã và cấp huyện; 94,11% cơ quan chuyên môn cấp tỉnh triển khai thực hiện cơ chế một cửa; thường xuyên rà soát các quy định về thủ tục hành chính, loại bỏ những thủ tục không còn phù hợp gây cản trở sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về biên chế và kinh phí quản lý hành chính.
Thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy các cấp chú trọng tổ chức quán triệt, học tập nghị quyết đại hội đảng các cấp; các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của Tỉnh ủy gắn với xây dựng chương trình hành động, đề án, kế hoạch thực hiện sát thực, đưa nghị quyết vào cuộc sống; tạo được sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng và hệ thống chính trị. Công tác nghiên cứu, biên soạn lịch sử Đảng bộ các cấp được quan tâm: 13/14 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy (Đảng bộ khối Doanh nghiệp tỉnh chưa xuất bản vì mới thành lập từ năm 2009), 112/161 Đảng bộ cơ sở đã xuất bản sách lịch sử; đưa lịch sử địa phương vào giảng dạy trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo trung cấp lý luận chính trị cho 4.304 học viên; bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ cho cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở. Thực hiện phổ cập chương trình sơ cấp lý luận chính trị cho đảng viên dưới 45 tuổi trong toàn tỉnh. Tổ chức nhiều hoạt động thiết thực giáo dục truyền thống cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Các cấp ủy đảng đã xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc, triển khai thực hiện có hiệu quả nghị quyết của Đảng, các chương trình, đề án của Tỉnh uỷ về công tác cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị, tạo được sự chuyển biến tích cực trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Công tác quy hoạch cấp ủy, cán bộ lãnh đạo quản lý đầu nhiệm kỳ và hàng năm được thực hiện nền nếp, chất lượng cao hơn, góp phần chủ động tạo nguồn trong việc kiện toàn, bổ sung cán bộ lãnh đạo quản lý và nhân sự các cấp. Cán bộ quy hoạch đảm bảo về số lượng, tiêu chuẩn quy định, tăng tỷ lệ nữ và tuổi trẻ ở các cấp. Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp uỷ thực hiện có hiệu quả Đề án số 05-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, đã bố trí ở huyện, thành phố có ít nhất 1 đồng chí Thường trực cấp uỷ không phải là người địa phương; trưởng các ngành công an, tòa án, viện kiểm sát cấp huyện cơ bản không phải là người địa phương; kịp thời, kiện toàn tổ chức, cán bộ từ tỉnh đến cơ sở, bảo đảm bộ máy hoạt động thông suốt, đạt hiệu quả. Thực hiện chủ trương các đồng chí cấp ủy các cấp dự họp sinh hoạt tại chi bộ ở cơ sở, các đồng chí Tỉnh ủy viên, Huyện ủy viên đi cơ sở và dự sinh hoạt chi bộ có tác dụng nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện của cấp ủy các cấp, góp phần bồi dưỡng năng lực cho cấp ủy viên khi gắn với cơ sở và nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Thực hiện thí điểm mô hình đảng bộ bộ phận tại thôn có nhiều chi bộ, đông đảng viên; kết nạp những doanh nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng, bước đầu đạt kết quả.
Các cấp uỷ đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; khắc phục cơ sở đảng còn từng mặt yếu kém, hạn chế; công tác bảo vệ chính trị nội bộ được chú trọng, thực hiện đảm bảo đúng quy định; phát triển và nâng cao chất lượng đảng viên. Thực hiện tốt chính sách của Đảng đối với đảng viên; quyết định tặng và truy tặng Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng trở lên cho 22.835 đảng viên; mua bảo hiểm y tế cho 3.471 đảng viên được tặng Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng trở lên không thuộc diện hưởng chế độ trợ cấp, hưu trí. Bình quân hàng năm 78,37% số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh. Chú trọng tạo nguồn phát triển đảng viên, kết nạp 8.179 đảng viên mới, tăng 728 đảng viên so với nhiệm kỳ trước.
Cấp ủy các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng. Ngay từ đầu nhiệm kỳ đã xây dựng chương trình kiểm tra, giám sát toàn khóa, hàng năm, phù hợp với tình hình thực tế của các địa phương, đơn vị, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm của đảng bộ. Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng góp phần tích cực nâng cao ý thức của tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ, nghị quyết của Đảng, Pháp luật của Nhà nước, ngăn ngừa vi phạm, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, giữ gìn sự trong sạch của Đảng, củng cố lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, chính quyền.
Công tác dân vận của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước, chính quyền các cấp và lực lượng vũ trang đã có chuyển biến tích cực. Công tác tôn giáo được quan tâm thực hiện, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở các loại hình cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả thực hiện quy chế dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Quyền làm chủ của nhân dân được phát huy, sức mạnh nội lực trong nhân dân được khơi dậy, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới.
Công tác nội chính của Đảng và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí được tăng cường. Các cấp uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về công tác nội chính, các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức đảng, đảng viên trong thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; hướng về cơ sở, khu dân cư và lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm gắn với quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và nhân dân để tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tham gia lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập; giúp đỡ hàng ngàn hộ thoát nghèo; thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở; tăng cường tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân và phát triển đoàn viên, hội viên.
Các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở nghiêm túc tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện và tuyên truyền rộng rãi Nghị quyết Trung ương 4 "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, đã nhận thức rõ hơn tình trạng và những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên; xác định rõ trách nhiệm khắc phục của từng tập thể, cá nhân, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và đoàn kết nội bộ đảng được tăng cường; tạo được sự chuyển biến trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; có tác dụng cảnh tỉnh, phòng ngừa suy thoái, nâng cao ý thức trách nhiệm rèn luyện, tu dưỡng tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, nghiêm khắc với mình hơn, tự điều chỉnh hành vi và các hành động trong công tác, trong cuộc sống của gia đình, vợ con và người thân. Đưa phê bình và tự phê bình trở thành công việc thường xuyên trong Đảng; góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả và xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh.
Tỉnh ủy, cấp ủy các cấp đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, với cách làm phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Nhận thức của cán bộ, đảng viên về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành việc làm thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động; nâng cao ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống lành mạnh, trong sáng và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với xã hội; cán bộ, đảng viên đều đề ra và đăng ký được những nội dung cụ thể, sát thực... từ đó xây dựng nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
Phần thứ tư
TRUYỀN THỐNG, THÀNH TỰU 185 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUA 75 NĂM XÂY DỰNG, TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH VÀ 20 NĂM TÁI LẬP TỈNH HƯNG YÊN
 
I- TRUYỀN THỐNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT
Trong quá trình hình thành và phát triển, vùng đất Hưng Yên đã sản sinh ra những con người với những truyền thống tốt đẹp:
Một là, truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, vượt qua khó khăn, gian khổ, đấu tranh không mệt mỏi với thiên nhiên: cải tạo đầm lầy lau sậy, đắp đê chống lụt, làm thủy lợi… biến vùng đất hoang thành ruộng đồng tốt tươi, xóm làng trù phú.
 Hai là, truyền thống ham học hỏi, tôn sư trọng đạo, có chí học hành, do vậy thời nào cũng có những người đỗ đạt cao, cống hiến nhiều nhân tài cho đất nước trên mọi lĩnh vực.
Ba là, có lòng yêu quê hương, yêu đất nước nồng nàn và ý chí kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm để bảo vệ quê hương, đất nước, đã làm nên “Bãi Sậy kiên cường”, phong trào Nữ du kính Hoàng Ngân nổi tiếng, những làng kháng chiến kiểu mẫu và “Đường 5 bất khuất”.
Bốn là, quá trình đấu tranh quyết liệt với thiên nhiên, đấu tranh chống giặc ngoại xâm đã hình thành và phát triển sự cố kết cộng đồng, truyền thống đoàn kết gắn bó, tương thân, tương ái, sống có nghĩa tình, thủy chung, giản dị, thể hiện đậm nét bản sắc văn hóa của châu thổ sông Hồng.
Trong suốt 185 năm qua, nhân dân Hưng Yên tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp của vùng đất, của miền quê văn hiến. Những truyền thống tốt đẹp đó đã tạo nên sức mạnh nội sinh để Hưng Yên đạt được những thành tựu to lớn trên các lĩnh vực, những thành tựu nổi bật là:
Một là, Hưng Yên là một tỉnh có chi bộ Đảng được thành lập sớm. Ngay từ cuối năm 1928, những thanh niên yêu nước ở Hưng Yên đã giác ngộ cách mạng, thành lập chi bộ Hội Việt Nam cách mạng thanh niên Sài Thị, cuối năm 1929, chuyển thành chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị, tháng 10/1930 đổi tên thành chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Sài Thị. Sự ra đời của chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên là tiền đề quan trọng đối với sự kiện thành lập Đảng bộ tỉnh Hưng Yên (năm 1941).
Hai là, với những chiến công to lớn của quân dân Hưng Yên trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1952, Hưng Yên đã được Bác Hồ tặng Cờ “Đoàn kết nhân dân đánh thắng giặc Pháp”.
Ba là, năm 1960, Trung ương Đảng thưởng Cờ “Dẫn đầu về bổ túc văn hóa”, Bác Hồ ký lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba và Hạng Nhì về Bổ túc văn hóa. Là tỉnh dẫn đầu Quân khu Tả ngạn về Quân sự hoá.
Bốn là, từ mô hình xây dựng gia đình văn hoá ở thôn Ngọc Tỉnh, xã Ngọc Long (huyện Yên Mỹ) đã thúc đẩy phong trào xây dựng gia đình văn hoá ở các địa phương trong tỉnh và trong cả nước. Từ đó Hưng Yên được coi là cái “nôi” của phong trào xây dựng gia đình văn hóa.
Năm là, Hưng Yên đã vinh dự được Bác Hồ 10 lần về thăm và 4 lần tặng Cờ Luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc.
Sáu là, giai đoạn 1968 - 1996, tỉnh Hưng Yên và Hải Dương hợp nhất đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; tặng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương kháng chiến Hạng Nhất và hai lần thưởng cờ Luân lưu Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Bảy là, Hưng Yên là tỉnh tiến hành thành công công cuộc đổi mới, nhất là sau 20 năm tái lập, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập hạng Nhất giai đoạn 1997 - 2005; đã có 10/10 huyện, thành phố, 73 xã, phường, thị trấn trong tỉnh được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 2.042 mẹ được truy tặng, phong tặng danh hiệu "Bà mẹ Việt Nam Anh hùng"([15]). Ngoài ra, Đảng và Nhà nước còn tặng thưởng hàng vạn huân, huy chương các loại cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 
II- NHỮNG BÀI HỌC KINH NGHIỆM QUÝ BÁU QUA 75 NĂM XÂY DỰNG VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢNG BỘ TỈNH HƯNG YÊN
Một là, Đảng bộ quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng, tập trung trí tuệ vận dụng sáng tạo, phù hợp hoàn cảnh điều kiện cụ thể của địa phương, đề ra những chính sách, giải pháp đúng đắn, sát thực tiễn, hợp lòng dân, kiên quyết trong chỉ đạo thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những lời dạy của Bác Hồ, quyết tâm đưa nghị quyết của Đảng thành hiện thực trong cuộc sống.
Hai là, thường xuyên chăm lo công tác tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở; luôn coi trọng, củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp.
Ba là, luôn coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực cầm quyền của các cấp uỷ đảng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng, đồng thời biết chọn khâu đột phá để tập trung chỉ đạo thực hiện mục tiêu đề ra.
Bốn là, chú trọng công tác vận động quần chúng, phát huy truyền thống yêu nước, yêu quê hương và sức mạnh đại đoàn kết nhân dân thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ cách mạng.
Năm là, phát huy các lợi thế, khai thác có hiệu quả các nguồn lực, tập trung đầu tư phát triển theo qui hoạch và kế hoạch; nêu cao tinh thần tự lực, tự cường, nhạy bén với cái mới, năng động trong cơ chế thị trường, đẩy mạnh phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.
 
 
Phần thứ năm
PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VÀ NHỮNG THÀNH TỰU
ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC TRONG 185 NĂM QUA, PHÁT HUY MỌI NGUỒN LỰC VÀ SỨC MẠNH TỔNG HỢP CỦA TOÀN DÂN; ĐẨY MẠNH THU HÚT ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN NHANH KINH TẾ - XÃ HỘI; ĐẢM BẢO
QUỐC PHÒNG, AN NINH; TẠO NỀN TẢNG ĐỂ HƯNG YÊN
SỚM TRỞ THÀNH TỈNH CÔNG NGHIỆP
 
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát là: Tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; chú trọng phát triển văn hoá-xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng; đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, tạo nền tảng cơ bản để Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp.
Tập trung thực hiện ba (03) khâu đột phá: (1) Tập trung thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, hiện đại; (2) Huy động các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đô thị, nhất là xây dựng giao thông; (3) Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, thực hiện công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng cán bộ thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển cán bộ giữa các cấp và luân chuyển ở các ngành trong cùng cấp.
Đến năm 2020 phấn đấu tăng trưởng bình quân năm: GRDP tăng từ 7,5 - 8%; giá trị sản xuất nông nghiệp - thủy sản tăng từ 2,5 - 3%, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9 - 10%, thương mại - dịch vụ tăng  8,5 - 9,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 16%; duy trì tỷ lệ tăng dân số tự nhiên dưới 1%. Cơ cấu kinh tế: Công nghiệp, xây dựng 55% - Dịch vụ 37% - Nông nghiệp 8%; giá trị thu được bình quân 210 triệu đồng/ha; 70% số xã, từ 02 đến 03 huyện, thành phố đạt chuẩn nông thôn mới; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 13.000 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 9.000 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD; GDP bình quân đầu người 75 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 40,5%; tỷ lệ hộ dân được dùng nước hợp vệ sinh đạt 98%; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 2% (theo tiêu chuẩn nghèo đa chiều); tỷ lệ lao động qua đào tạo 65%; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân có thẻ bảo hiểm y tế đạt trên 80%; 90% số cơ quan, đơn vị, gia đình và 87% số làng, khu phố đạt danh hiệu văn hóa; xây dựng thành phố Hưng Yên đạt đô thị loại II, huyện Mỹ Hào trở thành thị xã Mỹ Hào đạt đô thị loại III.
Hàng năm trên 50% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; trên 85% Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đạt vững mạnh; kết nạp mới 1.600 đảng viên.
Để đạt mục tiêu trên, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh quyết tâm phát huy thành tựu đã đạt được, đoàn kết, đồng thuận, nỗ lực phấn đấu, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; phát huy mọi nguồn lực và sức mạnh tổng hợp của toàn dân; đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị và xây dựng nông thôn mới; huy động cao nguồn lực cho xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để phát triển bền vững; chú trọng phát triển văn hóa - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội đề ra; xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, giàu đẹp và văn minh.
*
Kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh, 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên, Đảng bộ và nhân dân tỉnh ta vô cùng phấn khởi, tự hào với những kết quả to lớn đạt được trong chặng đường đã qua, đặc biệt trong 20 năm tái lập tỉnh. Với những thành tựu và những kinh nghiệm tích lũy được, với những truyền thống vẻ vang của một vùng đất văn hiến lâu đời, cùng sức mạnh nội lực hiện nay, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tỉnh nhà tăng cường đoàn kết, phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng của quê hương, tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới, năng động, sáng tạo, ra sức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
 
 
KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN
 
1- Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh (1831 - 2016), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7/1941 - 7/2016) và 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (01/01/1997 - 01/01/2017)!
2- Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 185 năm thành lập tỉnh (1831 - 2016), 75 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (7/1941 - 7/2016) và 20 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (01/01/1997 - 01/01/2017)!
3- Phát huy nội lực, nắm bắt thời cơ, tranh thủ mọi nguồn lực phấn đấu xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp!
4- Phát huy truyền thống văn hiến và cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hưng Yên quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015 - 2020!
5- Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân Hưng Yên quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng!
6- Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
7- Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
8- Chủ tịch Hồ Ch
 

[1] - “Đại Nam thực lục chính biên Đệ nhị kỷ” quyển L-XXVI, trang 356.
 - Biên niên lịch sử cổ trung đại Việt Nam (từ đầu thế kỷ XIX), trang 438.
[2] “Bác Hồ với Hưng Yên, Hưng Yên với Bác Hồ” – NXB Chính trị quốc gia – năm 2005, trang 10.
 
 
3, 4, [5], 6 Theo số liệu Niên giám thống kê tỉnh Hưng Yên năm 2015
 
[7] Số liệu tính đến tháng 2/2016
[8] 7 đồng chí gồm: Nguyễn Ngọc Cửu, Nguyễn Khắc Châu, Nguyễn Khắc Cẩn, Vũ Văn Hồ, Trịnh Đình Ấn, Đào Văn Đoán, Trần Đình Vọng.
[9] Liễu Khê, Liễu Ngạn nay thuộc tỉnh Bắc Ninh. Năm 1941, tách thành 2 chi bộ riêng là Liễu Khê – Liễu Ngạn và Ngu Nhuế.
[10] Đồng chí Liệu, đồng chí Vũ, đồng chí Biểu, đồng chí Thọ, đồng chí Ái.
[11] Đồng chí Ba Châu, đồng chí Hồng, đồng chí Nghị (Thận), đồng chí Tâm (Nguyễn Quyết).
[12] Trước khi sáp nhập với tỉnh Hải Dương, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên có 6 kỳ Đại hội. Thời kỳ sáp nhập với Hải Dương thành tỉnh Hải Hưng - Đảng bộ tỉnh Hải Hưng có 7 kỳ Đại hội. Sau khi tái lập tỉnh Hưng Yên, tính theo nhiệm kỳ là Đại hội lần thứ XIV.
13, 14 Tính đến tháng 6/2015, Đảng bộ tỉnh có 63.423 đảng viên (Nguồn Ban Tổ chức Tỉnh ủy)
 
[15] Số liệu tính đến hết quý I/2016