Bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa tại Tọa đàm bàn tròn kết nối địa phương, doanh nghiệp về công nghệ cao

Đăng ngày 17/11/2023
Lượt xem: 1107
100%

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa phát biểu tại Tọa đàm bàn tròn kết nối địa phương, doanh nghiệp về công nghệ cao tại San Fransisco, Mỹ


Kính thưa: - Đồng chí Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 

- Ngài  Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ,

- Ngài Ted Osius, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, Chủ tịch USABC,

- Quý vị đại biểu, khách quý,

- Thưa toàn thể quý ông, quý bà.

Tôi rất vui mừng được tham dự Toạ đàm bàn tròn kết nối địa phương, doanh nghiệp về công nghệ cao do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức tại San Francisco bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 30 tại Hoa Kỳ.

Quý vị vừa được xem Video Clip về môi trường đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam và ý kiến phát biểu của lãnh đạo một số tỉnh, thành phố. Sau đây tôi xin trao đổi, chia sẻ với các quý vị một số thông tin về tiềm năng, cơ hội của tỉnh Hưng Yên nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ trong khung khổ Tuyên bố chung Việt Nam – Mỹ về nâng cấp quan hệ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững”.

  1. Hưng Yên hội tụ có đầy đủ điều kiện phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và phát triển đô thị, dịch vụ hiện đại, bởi 5 yếu tố hấp dẫn nổi trội.

1.1. Vị trí địa lý thuận lợi

Hưng Yên có diện tích đất tự nhiên khoảng 930 km2 với dân số khoảng 1,3 triệu người, với mật độ dân số gần 1.400 người/km2. Hưng Yên có diện tích nhỏ thứ 3 cả nước nhưng mật độ dân số cao thứ 4 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Bắc Ninh.

Tỉnh Hưng Yên nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của Việt Nam, đang phát triển rất nhanh, năng động và là 1 trung tâm kinh tế, 1 động lực tăng trưởng quan trọng nhất của Việt Nam. Hưng Yên tiếp giáp với Thủ đô Hà Nội - Trung tâm kinh tế, văn hoá, chính trị, khoa học, công nghệ, đào tạo lớn của cả nước và 4 tỉnh Hải Dương, Hà Nam, Thái Bình, Bắc Ninh đang phát triển nhanh.

Hưng Yên cũng nằm trên 2 hành lang kinh tế: Côn Minh (Kunming, Trung Quốc) – Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Nam Ninh (Nanning, Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng.

1.2. Hưng Yên - Vùng đất Văn Hiến với nhiều dấu ấn của lịch sử, giàu truyền thống văn hoá và đã từng là thương cảng nổi tiếng của Việt Nam

       Hưng Yên có 1.802 di sản văn hoá, di tích lịch sử đặc sắc, phong phú. Từ thế kỷ 16-17, các nhà đầu tư, thương lái nước ngoài đã đến với Phố Hiến - Hưng Yên, đưa Hưng Yên phát triển kinh tế, thương mại rất mạnh, thậm chí được ví chỉ sau Hà Nội - “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì Phố Hiến”.

1.3. Kinh tế Hưng Yên phát triển năng động, tốc độ nhanh nhờ những nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân và FDI

- Tỉnh Hưng Yên đang chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, dịch vụ rất mạnh. Trong GRDP, ngành công nghiệp chiếm 62,1%; dịch vụ chiếm 30,9%; nông nghiệp, thuỷ sản chiếm 7%.

Trong 27 năm tái lập tỉnh Hưng Yên (1997-2023), tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hơn 10,5%/năm (năm 2022: +13,7%; năm 2023: ước +9,7%).

- Môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của tỉnh được cải thiện nhanh cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công và mức độ hài lòng của người dân. Trong 2 năm 2021-2022, chỉ số xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng 39 bậc, lên thứ 14/63 tỉnh, thành phố của cả nước. Năm 2022, Chỉ số hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) xếp thứ 6/63 tỉnh, thành phố.

- Nhờ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hiện nay Hưng Yên đang được sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

Đến ngày 31/10/2023, Hưng Yên có 2.182 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 20 tỷ USD tương đương, trong đó có 536 dự án FDI với số vốn đăng ký 6,76 tỷ USD.

Tổng số doanh nghiệp là 16.224 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký tương đương 8,31 tỷ USD, trong đó có 405 doanh nghiệp FDI với số vốn đăng ký 1,9 tỷ USD tương đương.

Tuy nhiên, hiện nay đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ ở Hưng Yên còn khiêm tốn. Chỉ có 5 doanh nghiệp Mỹ với vốn đăng ký 31,5 triệu USD tương đương; 5 dự án FDI của nhà đầu tư Mỹ với số vốn đăng ký 37 triệu USD.

1.4. Hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại, dịch vụ, logistics, năng lượng, nước sạch, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường đang được đầu tư lớn, phát triển đồng bộ; hệ thống giao thông thuận lợi, phát triển nhanh và có tính kết nối cao

- Bên cạnh vị trí địa lý thuận lợi, Hưng Yên có hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ và kết nối dễ dàng với các địa phương trong vùng, các trung tâm kinh tế, đô thị, công nghiệp, khoa học, công nghệ, cảng biển, sân bay quốc tế.

Tỉnh Hưng Yên có 4 quốc lộ (5A, 39A, 38, 38B), đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng; tuyến đường thuỷ sông Hồng, sông Luộc kết nối liên tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng. Hiện nay, nhiều dự án giao thông lớn kết nối liên vùng qua Hưng Yên đang được đầu tư, nhất là Đường cao tốc vành đai 4 (Hà Nội – Hưng Yên – Bắc Ninh). 

Với hạ tầng giao thông phát triển, tỉnh Hưng Yên đi Thủ đô Hà Nội khoảng 30 phút; đi sân bay quốc tế Nội Bài của Hà Nội khoảng 45 phút; đi cảng Đình Vũ và sân bay Cát Bi, thành phố Hải Phòng khoảng 60 phút; đi cảng Cái Lân và sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh khoảng 90 phút.

- Hệ thống cung cấp, phân phối điện, gồm các trạm biến áp, đường điện cao thế, trung thế, hạ thế được đầu tư khá đồng bộ bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của Nhân dân hiện tại và tương lai. 

- Bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhà ở của mọi đối tượng, nhất là công nhân. Đô thị hoá nhanh chóng cùng với đẩy mạnh công nghiệp, phát triển thương mại, dịch vụ. Tỉ lệ đô thị hoá đạt 45% với nhiều khu đô thị mới, khu dân cư với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, trong đó có một số khu đô thị lớn, sinh thái, thông minh, tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, đáp ứng nhu cầu của người có thu nhập cao, các chuyên gia, lãnh đạo của doanh nghiệp.

Đặc biệt, tỉnh Hưng Yên quan tâm đầu tư phát triển các khu nhà ở xã hội, khu nhà ở dành cho công nhân trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có tổng số 16 dự án nhà ở xã hội, nhà ở dành cho công nhân với diện tích khoảng 170 ha nằm phân bố hợp lý gần các khu công nghiệp, địa bàn tập trung nhiều dự án đầu tư. Tỉnh Hưng Yên tiếp tục ưu tiên quỹ đất dành cho xây dựng nhà ở cho công nhân để đáp ứng nhu cầu ở của người lao động ngày càng tăng lên.

- Dành quỹ đất lớn cho phát triển công nghiệp; hiện có hàng nghìn ha đất sạch của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẵn sàng tiếp nhận các dự án đầu tư.

Hưng Yên hiện có 17 khu công nghiệp với diện tích gần 4.395 ha được đã, đang và sẽ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật hiện đại, chuẩn mực, đồng bộ sẵn sàng đáp ứng nhu cầu và “khẩu vị” đa dạng của các nhà đầu tư và các dự án công nghiệp công nghệ cao.

Dự kiến, các khu công nghiệp tiếp tục tăng lên thời gian tới, đạt 30 khu công nghiệp với 9.540 ha đến năm 2030; ngoài ra hiện còn có 25 cụm công nghiệp với diện tích trên 1.200 ha và dự kiến tăng lên 52 cụm công nghiệp với diện tích 3.000 héc-ta đến năm 2030.

Hưng Yên đang tập trung phát triển hệ sinh thái công nghiệp đồng bộ, trọng tâm là phát triển các khu công nghiệp chuyên ngành, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp hỗ trợ, cụm liên kết ngành và định hình hệ sinh thái sống hoàn chỉnh (gồm các đô thị mới, khu nhà ở, cơ sở y tế, giáo dục, đào tạo, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí,...) đáp ứng nhu cầu đa dạng về sinh sống, làm việc của các chuyên gia, lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và người lao động.

1.5. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, chất lượng cao, thông minh, cần cù đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao cho các dự án ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Hưng Yên có lực lượng lao động khoảng 700 nghìn người, trong đó tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 69% và 31% lao động lành nghề, chất lượng cao.

Các cơ sở đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu lao động có năng lực, trình độ, đáp ứng nhu cầu nhân lực của các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ cao. Trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 8 trường đại học, trong đó có 2 trường đại học quốc tế; 20 trường cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề hằng năm đào tạo trên 12.000 sinh viên. 

  1. Mục tiêu chiến lược phát triển của tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Mục tiêu chiến lược phát triển Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Xây dựng Hưng Yên thành tỉnh công nghiệp hiện đại, nông nghiệp hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở kết hợp hài hòa 3 trụ cột: Tăng trưởng kinh tế nhanh – xây dựng xã hội hài hòa – bảo vệ môi trường sinh thái. Không thu hút đầu tư, tăng trưởng bằng mọi giá, kiên quyết không đánh đổi tăng trưởng với bất bình đẳng xã hội và ô nhiễm môi trường.

 Chiến lược phát triển của tỉnh dựa trên 3 trụ cột chính: (1) Phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, phát thải các bon thấp, sử dụng ít tài nguyên; (2) Phát triển thương mại, dịch vụ có giá trị gia tăng lớn; (3) Phát triển kinh tế đô thị trên cơ sở đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành hệ thống đô thị hiện đại, có kết cấu hạ tầng đồng bộ, mang tính kết nối cao, trọng tâm là các đô thị sinh thái, thông minh, đáng sống; đô thị công nghiệp, dịch vụ gắn với bảo đảm nhà ở xã hội cho người lao động và công nhân.

Định hướng chiến lược thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp theo hướng: Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án:

- Cơ khí chế tạo, sản xuất, lắp ráp ô tô, linh kiện ô tô, máy bay, thiết bị hàng không, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế;

- Sản xuất vật liệu, nhất là vật liệu mới;

- Nghiên cứu, sản xuất sản phẩm công nghệ số; sản xuất rô-bốt, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa;

- Sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử, viễn thông, sản xuất chíp, mạch bán dẫn; sản xuất thiết bị năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, pin tích điện;

- Công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp sinh học; công nghiệp điện tử, cơ điện, công nghiệp dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa;… 

  1. Cam kết của tỉnh Hưng Yên

Tỉnh Hưng Yên cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; quyết tâm xây dựng một chính quyền mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trách nhiệm và luôn đồng hành với người dân, doanh nghiệp; luôn cầu thị lắng nghe, xử lý kịp thời những khó khăn, vướng mắc phát sinh; lấy lợi ích của người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; không ngừng nỗ lực, đổi mới, phục vụ tốt hơn cho người dân có được cuộc sống ngày càng tốt hơn và vì một môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.  

Tỉnh Hưng Yên cam kết nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc kiến tạo môi trường đầu tư an toàn, thông thoáng, hiệu quả và liên tục cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh với thủ tục hành chính đơn giản, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư cao nhất trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam để Hưng Yên thực sự là điểm đến an toàn và là sự lựa chọn hợp lý nhất của các nhà đầu tư nói chung và các nhà đầu tư Mỹ nói riêng.

Chúng tôi xác định: Doanh nghiệp, nhà đầu tư là một lực lượng quan trọng cùng với chính quyền thực hiện mục tiêu xây dựng Hưng Yên thực sự trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, giàu đẹp, văn minh.

Chúng tôi làm tất cả những gì pháp luật cho phép để đem lại sự thành công cho doanh nghiệp với triết lý là: Sự thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư là sự thịnh vượng của chúng tôi. 

Trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Mỹ ngày càng phát triển, Hội nghị này mở ra thêm cơ hội hợp tác phát triển giữa 2 quốc gia nhằm góp phần thực hiện các nội dung của Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững”.   

Chúc các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Mỹ đầu tư, kinh doanh thành công tại Việt Nam nói chung và tại Hưng Yên nói riêng.

Xin trân trọng cảm ơn các quý vị.


Nguồn Báo Hưng Yên 

(https://baohungyen.vn/bai-phat-bieu-cua-dong-chi-bi-thu-tinh-uy-hung-yen-nguyen-huu-nghia-3167563.html?)