Xây dựng nhà ở xã hội: Khẳng định trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức Công đoàn với người lao động

Đăng ngày 28/08/2023
Lượt xem: 264
100%

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua”. Đây là một điểm mới trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các đoàn viên, người lao động.

Bên cạnh nhiều ý kiến đồng thuận việc quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua là hợp lý và cần thiết thì vẫn còn một số băn khoăn và cho rằng: Đầu tư xây dựng nhà ở là việc của doanh nghiệp.

Vậy thì phải xem tính pháp lý cũng như cơ sở thực tiễn của vấn đề này.

Luật Công đoàn quy định ngay ở điều 1: “Tổ chức Công đoàn cùng với cơ quan Nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động”. Như vậy, việc tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho đoàn viên, người lao động là một hoạt động để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn.

Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị “về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” cũng đặt ra yêu cầu “Công đoàn các cấp căn cứ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng và việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động để xác định nội dung và mục tiêu hoạt động” và “kịp thời giám sát, giải quyết và kiến nghị giải quyết những vấn đề bức xúc của công nhân, người lao động”.

Một trong những vấn đề bức xúc của người lao động hiện nay chính là vấn đề nhà ở. Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, hiện nay hàng triệu người lao động có nhu cầu về nhà ở, phải ở trọ tại những căn nhà tạm bợ, thiếu thốn. Riêng lực lượng công nhân khu công nghiệp lên tới gần 3 triệu người và 50% trong số đó có nhu cầu về nhà ở.

Tổ chức Công đoàn với vai trò, nhiệm vụ chức năng của mình không thể thờ ơ hay đứng ngoài cuộc khi đứng trước vấn đề lớn của đông đảo người lao động.

Thực tế lâu nay, việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân, người lao động cũng được các doanh nghiệp tham gia. Thế nhưng “giấc mơ về nhà ở” vẫn xa vời khi doanh nghiệp đặt lợi nhuận lên trên, từ đó người lao động không thể tiếp cận được với giá nhà hoặc giá thuê.

Đề án 1 triệu căn nhà cho công nhân, người lao động đã được thông qua. Để thực hiện đề án này thì vốn cần huy động từ nhiều nguồn.

Bộ Xây dựng khi đưa điều khoản “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội” vào dự thảo Luật Nhà ở cũng nêu: “Việc này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư từ Tổng LĐLĐVN. Thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân tại khu công nghiệp. Khắc phục được sự thiếu hụt trong các quy định pháp luật về nhà ở (trong đó có Luật Nhà ở) so với các quy định của pháp luật có liên quan như pháp luật về đầu tư công, đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư, doanh nghiệp, đấu thầu, xây dựng... Đặc biệt không có tác động tiêu cực nào”.

Rõ ràng việc Tổng LĐLĐVN được đầu tư xây dựng nhà ở xã hội là một đột phá trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội hiện nay.

Điều quan trọng, đối với Tổng LĐLĐVN, việc đầu tư xây nhà ở xã hội cho người lao động không phải là hoạt động kinh doanh, sinh lời mà cao hơn, thể hiện trách nhiệm, nghĩa vụ với người lao động, nâng cao vai trò, tăng niềm tin của người lao động với tổ chức Công đoàn.

(theo Báo Lao động)


-v-