Tổng LĐLĐ Việt Nam xây dựng nhà ở xã hội, đoàn viên sẽ mua được nhà với giá hợp lý

Đăng ngày 23/06/2023
Lượt xem: 281
100%

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá XV, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến đồng thuận với việc đưa Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ thể đầu tư nhà ở xã hội là phù hợp với Hiến pháp và Luật Công đoàn. Người lao động là đoàn viên công đoàn có thể tiếp cận mua, thuê mua nhà với giá cả hợp lý.

Đề xuất đưa Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ thể đầu tư xây dựng nhà ở xã hội

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), chiều 19/6, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn tại các khu công nghiệp là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Hiến pháp và Luật Công đoàn.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) nhấn mạnh: "Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/11/2011 đặt mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu đô thị. Tuy nhiên, đã quá 3 năm so với dự kiến, mục tiêu này vẫn chưa đạt được.

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết, khi Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương tiến hành lấy ý kiến các doanh nghiệp trên địa bàn về dự thảo Luật Nhà ở, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, chính sách đối với nhà ở xã hội hiện nay chưa đủ đặc biệt để thu hút các doanh nghiệp đầu tư xây dựng. Thủ tục hành chính đối với nhà ở xã hội thực hiện không có gì khác với các dự án nhà ở thương mại, thậm chí có nội dung còn phức tạp hơn do phải thực hiện các thủ tục liên quan đến miễn, giảm, ưu đãi và lo ngại về hậu thanh tra, kiểm tra. Lợi nhuận của nhà ở xã hội chỉ khống chế ở mức 10% trong khi giá nhà ở hoặc căn hộ thương mại tại vị trí tương tự lại được bán với giá cao hơn gấp vài lần.

"Do vậy, việc Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn" -

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: daibieunhandan.vn

ĐBQH Nguyễn Hoàng Bảo Trân phát biểu về vấn đề nhà ở xã hội tại phiên thảo luận dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Ảnh: daibieunhandan.vn

Tại khoản 3, Điều 77 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã quy định Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua, đồng thời là chủ thể đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các thiết chế công đoàn tại khu công nghiệp theo hướng Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân. Để bảo đảm thống nhất trong dự thảo, nhất là trong thực hiện dự án nhà ở cho người lao động, đại biểu đề nghị, coi việc Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia đầu tư như một hình thức Nhà nước tham gia đầu tư để áp dụng các quy định pháp luật tương tự về quyền của chủ sở hữu và các cơ chế trong quá trình đầu tư, quản lý, vận hành nhà ở xã hội.

Điều 37 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định về chủ đầu tư và điều kiện làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở phải làm 2 nhóm, một là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, hai là cơ quan tổ chức đầu tư xây dựng nhà ở bằng nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. Quy định như vậy chưa bao gồm chủ thể Tổng LĐLĐ Việt Nam vì Tổng LĐLĐ Việt Nam đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân từ nguồn tài chính công đoàn và ngân sách nhà nước hỗ trợ. Nguồn này không được xác định là nguồn vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công. "Do vậy, đề nghị đưa Tổng LĐLĐ Việt Nam là chủ thể đầu tư xây dựng được quy định vào Điều 37 để bảo đảm thống nhất, đồng bộ trong dự thảo.

Không ít ĐBQH cho rằng, việc xây dựng nhà ở lưu trú cho công nhân trong khu công nghiệp là hết sức cần thiết. Công nhân làm việc tại các khu công nghiệp thường có điều kiện kinh tế eo hep, thu nhập thấp, việc tiếp cận với nhà ở xã hội khó khăn. Công nhân thuê trọ tại các khu vực xa nơi làm việc, điều kiện sống thiếu thốn, nhiều hệ luỵ đến chất lượng sống.

ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu, thông qua dịch Covid-19 thấy đời sống công nhân ở nhiều nơi rất khó khăn do phải nghỉ làm, giãn việc, ngừng việc. Trong tình huống đó, nếu các khu công nghiệp bố trí nhà ở được cho công nhân thì sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề, đặc biệt là giảm ùn tắc giao thông ở những khu trung tâm và đô thị lớn và không có cảnh công nhân về quê ồ ạt, nguy hiểm như vậy.

ĐBQH mong muốn có nhiều hơn cơ chế, nhiều hình thức hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động, từ việc tạo điều kiện cho công nhân, người lao động mua nhà hoặc cho thuê, mua hoặc có thể hỗ trợ cho thuê nhà với giá rẻ cũng như tùy thuộc vào tình hình của địa phương để hỗ trợ không thu tiền công nhân, người lao động.

Theo ĐBQH Trần Văn Khải, việc để Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, người lao động là đoàn viên công đoàn sẽ có cơ hội được mua, thuê, thuê mua nhà với giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của công nhân lao động.

Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất chưa được quan tâm đầu tư hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu tối thiểu cho người lao động. Ở nhiều nơi còn thiếu các thiết chế nhà ở cho công nhân; thiếu các thiết chế văn hoá, thể thao phục vụ các hoạt động vui chơi giải trí. Đồng thời cũng thiếu các thiết chế giáo dục như nhà trẻ, nhóm trẻ, trường mẫu giáo cho con em công nhân, dẫn đến tình trạng nhiều khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu chỗ ở. Công nhân phải thuê trọ ngoài nhà dân, ở nơi chật chội, thiếu thốn, đông đúc, điều kiện sống, sinh hoạt không đảm bảo. Trong khi nhiều khu nhà ở công nhân được đầu tư xây dựng, nhưng không đảm bảo về hạ tầng, chất lượng, dịch vụ kém, an ninh, an toàn chưa tốt, quản lý vận hành lỏng lẻo, thiếu chuyên nghiệp, tùy tiện. Tại một số khu nhà ở công nhân cho thuê không đúng đối tượng, công nhân khó tiếp cận thuê, phí dịch vụ cao, ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần, năng suất lao động của công nhân.

"Tôi hoàn toàn thống nhất với quan điểm để Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Điều này được quy định tại khoản 3 Điều 77 dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này với nội dung: "Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp". Đây là một chính sách rất phù hợp, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án: "Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 655 ngày 12/5/2017 - theo hướng Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản, để đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và các công trình phục vụ nhu cầu nhà ở công nhân.

Nói về nguồn lực để Tổng LĐLĐ Việt Nam tham gia xây dựng nhà ở xã hội, ĐBQH Trần Văn Khải cho biết: "Việc Tổng LĐLĐ Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại các khu công nghiệp là rất phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Công đoàn.

Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ trực tiếp làm chủ đầu tư hoặc chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản để đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn (bao gồm các công trình nhà ở, nhà trẻ, siêu thị và các công trình văn hóa, thể thao tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mang lại những lợi ích thiết thực, nâng cao chất lượng đời sống cho đoàn viên công đoàn là công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Người lao động là đoàn viên công đoàn sẽ có cơ hội được mua, thuê, thuê mua nhà có giá cả hợp lý, phù hợp với khả năng tài chính của công nhân lao động, nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện sống như có chỗ cho con cái học hành, có khu vui chơi giải trí, tập luyện thể thao, sinh hoạt văn hóa lành mạnh, có siêu thị, hiệu thuốc... tại các thiết chế công đoàn do Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì đầu tư xây dựng tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Việc đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Tổng LĐLĐ Việt Nam không chỉ là phương thức để tập hợp và phát triển đoàn viên trong tình hình mới, mà còn góp phần giữ chân người lao động là đoàn viên công đoàn, nâng cao tính ổn định, hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đây cũng là một chủ trương hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ nói chung và Tổng LĐLĐ Việt Nam nói riêng trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

HÀ VY - MINH ANH (T/H)

Theo daibieunhandan.vn