Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến về tình hình giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động

Đăng ngày 01/01/2023
Lượt xem: 5719
100%

Tại điểm cầu Liên đoàn Lao động tỉnh Hưng Yên, tham dự Hội nghị có đồng chí Chu Ngọc Hoa Liễu - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; Ban Chính sách - pháp luật; Lãnh đạo ban Tuyên giáo - Nữ công; Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh; Chủ tịch LĐLĐ huyện Yên Mỹ, Văn Lâm,Thành phố Hưng Yên, thị xã Mỹ Hào...

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu LĐLĐ tỉnh Hưng Yên

       Thực hiện chủ trương đẩy mạnh phục hồi sản xuất kinh doanh, ổn định tình hình kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đồng hành cùng chính phủ thực hiện quyết liệt các giải pháp thiết thực, kịp thời. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, tình hình quan hệ lao động trong 10 tháng đầu năm 2022 chưa thực sự ổn định, tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tăng trở lại ở nhiều địa phương, đặc biệt trong những tháng cuối năm đã xảy ra tình trạng nhiều doanh nghiệp bị thiếu, cắt giảm đơn hàng, dẫn đến hàng 100.000 người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của nhiều người lao động và gia đình họ.

      Tại Hội nghị, Ban Quan hệ Lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam đã báo cáo tổng hợp tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động trong năm 2022. Trên cả nước có 122,1 ngàn doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động, nhiều người lao động mất việc làm. Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc hoặc chuyển từ khu vực công sang khu vực tư với số lượng lớn; một số doanh nghiệp chế biến gỗ, dệt may, da giầy bị thiếu, cắt giảm đơn hàng dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống. Nhiều người lao động phải chấp nhận tăng ca, làm thêm giờ để tìm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Nguyên nhân do doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do chi phí đầu vào cao; bị thiếu, cắt giảm đơn hàng trực tiếp từ nhà mua hàng nước ngoài hoặc bị cắt, giảm đơn hàng do khách hàng là các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng từ nhà mua hàng nước ngoài.Việc gặp khó khăn, bị cắt giảm đơn hàng do nhiều yếu tố tác động, trong đó có yếu tố sụt giảm nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn (Mỹ, EU, Nhật Bản…), chênh lệch tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên, nhiên vật liệu tăng cao, bất ổn chính trị tại các khu vực trên thế giới; lãi suất vay vốn trong nước cao…

Các địa phương, đơn vị báo cáo tình hình cắt giảm lao động, việc làm, phản ánh và đề xuất giải pháp

     Trong Hội nghị, các địa phương, đơn vị báo cáo tình hình doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng, gặp khó khăn phải cắt, giảm giờ làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động; các hoạt động đã triển khai thực hiện; dự báo tình hình từ nay đến cuối năm 2022, quý một năm 2023; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, ổn định tình hình.

    Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 và tình hình an ninh chính trị trên thế giới, trong các KCN trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có 175 trường hợp CNLĐ tại 04 doanh nghiệp đã thỏa thuận với người sử dụng lao động để chấm dứt Hợp đồng lao động; đối với các doanh nghiệp nằm ngoài các KCN, số lao động mất việc làm là 823 người, tại 31 doanh nghiệp, số lao động bị giảm giờ làm: 3.581 người tại 43 doanh nghiệp. 

     Kết luận hội nghị, Đ/c Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, Công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chủ động ứng phó kịp thời với diễn biến tình hình quan hệ lao động, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đời sống việc làm của người lao động, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán 2023 đang đến gần./.

T/h: Huyền Trang (Ban TG-NC)