Tình hình thực hiện pháp luật lao động đối với lao động nữ tại các khu công nghiệp tỉnh Hưng Yên năm 2010

Đăng ngày 23/08/2013
Lượt xem: 1497
100%
Trên thực tế, sau một thời gian thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động đã xuất hiện một số bất cập cần được xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đảm bảo một cách thiết thực quyền lợi cho lao động nữ cũng như đối với các doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ. Với mục đích đó, ngày 27/10/2010, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức đoàn đi nghiên cứu, khảo sát tại một số địa bàn trong cả nước, trong đó có tỉnh Hưng Yên, tiến hành khảo sát bằng phiếu hỏi ý kiến dành cho người lao động và người sử dụng lao động. Nội dung xoay quanh vấn đề thực hiện chính sách pháp luật, chính sách thai sản, tình hình tổ chức nhà trẻ mẫu giáo trong doanh nghiệp và khu công nghiệp. Qua kiểm tra và theo dõi việc thực hiện chính sách đối với người lao động trên địa bàn tỉnh, hầu hết các doanh nghiệp đều nghiêm túc chấp hành chế độ chính sách đối với lao động nữ, nhất là thời gian lao động nữ mang thai và chế độ nghỉ thai sản lao động nữ không phải làm công việc nặng nhọc, ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh đẻ, nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực thi chính sách đối với lao động nữ, nhiều quy định hiện hành liên quan đến quyền lợi của lao động nữ vẫn đang bị các doanh nghiệp "bỏ quên". Điều đó dẫn đến hệ quả xảy ra tranh chấp lao động.
      Nếu căn cứ theo khoản 3 điều 115 Bộ luật Lao động, lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút là không thể thực hiện vì việc này rất khó kiểm soát hơn nữa, thời gian kinh nguyệt tuỳ thuộc vào cơ thể, sinh lý của từng cá nhân và hầu hết chị em đều làm trong dây chuyền sản xuất. Thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ như luật hiện hành chưa phù hợp với việc nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu sau khi sinh  nên chị em phải xin nghỉ phép hoặc nghỉ không hưởng lương. Đối với các DN sử dụng đông lao động nữ việc xin miễn giảm thuế theo Nghị định 23 và các thông tư hướng dẫn thi hành thì đa số chưa thực hiện được, do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc làm thủ tục miễn giảm thuế quá rườm rà.Tại khoản 2 điều 116 Bộ luật Lao động quy định những đơn vị, DN sử dụng nhiều lao động nữ có trách nhiệm giúp đỡ, tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo hoặc hỗ trợ một phần chi phí cho lao động nữ có con ở lứa tuổi gửi trẻ, mẫu giáo. Điều này trên thực tế chưa doanh nghiệp nào thực hiện. Một số doanh nghiệp nằm trong các khu công nghiệp xa địa bàn dân cư không có địa điểm vui chơi giải trí, đời sống tinh thần của CNLĐ nữ nghèo nàn, khó khăn về nhà ở và điều kiện sinh hoạt, đặc biệt là không có nhà gửi trẻ để lao động nữ yên tâm sản xuất.
Các cấp Công đoàn trong tỉnh cần triển khai  thực hiện đồng bộ giải pháp như sau:
   - Phối hợp với các ngành chức năng làm tốt hơn công tác tư  vấn, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật lao động cho người sử dụng lao động và người lao động; tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ CĐ, cán bộ nữ công CĐ các cấp những qui định mới về các chế độ, chính sách có liên quan đến lao động nữ và trẻ em; kỹ năng hoà giải; nâng cao chất lượng ký kết, sửa đổi, bổ sung thoả ước lao động tập thể; phân công cán bộ đi sâu đi sát cơ sở, xây dựng các tổ tự quản của CĐ  tại các khu nhà trọ của công nhân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của công nhân, chủ động đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động nhằm hạn chế và giải quyết tranh chấp lao động, bảo đảm hài hoà lợi ích của công nhân, người sử dụng lao động và nhà nước.
LĐLĐ tỉnh  hàng năm xây dựng kế hoạch, nội dung để tổ  chức kiểm tra và phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với ngời lao động trong các DN trên địa bàn tỉnh, trong đó có chính sách liên quan đến lao động nữ và trẻ em. Tăng cường kiểm tra, giám sát, có biện pháp chế tài nhằm thúc đẩy các DN thực hiện đầy đủ việc đầu tư cải thiện điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, quan tâm các điều kiện đặc thù cho lao động nữ như nhà vệ sinh, nhà tắm, buồng thay quần áo, phòng y tế tại các DN đông lao động nữ, đảm bảo thực hiện các qui định cho nữ trong thời kỳ thai sản và nuôi con nhỏ.
    Thường xuyên kiến nghị với các cấp ủy Đảng, Chính quyền có cơ chế chính sách khuyến khích các đô thị, các khu công nghiệp phát triển nhà ở cho CNLĐ thu nhập thấp, đặc biệt chú ý phát triển những khu chung cư cho thuê, giá rẻ dành cho lao động nữ nhập cư gần các khu công nghiệp. Xây dựng khu văn hoá, thể thao tạo nơi giao lưu và rèn luyện sức khoẻ cho CNLĐ nữ. 
    Nghiên cứu thời gian làm thêm giờ phù hợp với sức khoẻ của lao động nữ Việt Nam, vừa bảo đảm lợi ích và sức cạnh tranh của DN, nhưng vẫn cần giám sát chặt chẽ hơn và có biện pháp chế tài đối với việc làm thêm giờ quá qui định một cách nhiêm trọng ở một số DN, khi đa số LĐ nữ muốn giảm bớt thời gian làm thêm. Bên cạnh đó, cần giám sát việc nhiều DN không trả lương cho LĐ nữ khi phải ngừng việc mà không do lỗi của họ.
    - DN sử dụng nhiều lao động nữ được vay vốn ưu đãi nên đơn giản hóa các thủ tục và xác định rõ nguồn vốn cho vay. Nghiên cứu chuyển việc giảm thuế lợi tức sang giảm thuế doanh thu đối với DN này nhằm mở rộng đối tượng được hỗ trợ.
  - Tham mưu với Chính phủ qui định xây dựng nhà trẻ, mẫu giáo tại các khu công nghiệp để tạo điều kiện cho nữ CNVCLĐ gửi và chăm sóc con nhỏ. 
    - Tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ lên 6 tháng ( qui định hiện hành là 4 tháng).                                                                               
Quá  trình hoàn thiện và thực thi nghiêm pháp luật lao động chắc chắn sẽ góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nói chung trong đó có lao động nữ.