“Nới” phép xây trụ sở Tổng Liên đoàn Lao động tại khu đất vàng?

Đăng ngày 06/05/2014
Lượt xem: 4839
100%
Tại buổi làm việc với Chính phủ sáng 6/5, báo cáo trình bày của Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải có nêu nội dung kiến nghị Chính phủ xem xét giải quyết vướng mắc trong phê duyệt thiết kế xây dựng trụ sở Tổng Liên đoàn tại số 82 Trần Hưng Đạo, Hà Nội để công trình có thể khởi công trong quý II/2014.

     Tham gia ý kiến về nội dung này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trình bày, trụ sở của Tổng Liên đoàn và Bộ hiện tại có một diện tích chồng lấn do lịch sử để lại. Có một phần trụ sở của Bộ GTVT đang nằm trên phần diện tích đất của Tổng Liên đoàn và ngược lại do mô hình nhà của Pháp xây dựng ngày xưa.

      Bộ GTVT đã đồng ý chuyển phần diện tích chồng lần này cho Tổng Liên đoàn, ở phần nhà của TCTy công nghiệp tàu thủy do diện tích không lớn, chỉ có nhà ăn. Tuy nhiên, còn một phần diện tích nhà xuất bản GTVT lớn hơn, hiện có hơn 100 lao động của đơn vị này đang đóng tại đây mà việc “tái định cư” không biết bố trí ở đâu nên khó khăn trong hướng tháo gỡ.
 
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng
trình bày khó khăn về việc xây trụ sở với Thủ tướng Chính phủ.

    Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thắc mắc, Bộ GTVT cũng đã có phương án dời đến trụ sở mới, sao phải tìm chỗ “tái định cư” cho đơn vị của Bộ. Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường giải thích, trụ sở mới của Bộ thì đã định chỗ, sẽ sớm triển khai, hiện chỉ chờ Bộ Tài chính xử lý xong vấn đề chênh lệch giá. Tuy nhiên, nhà xuất bản là đơn vị có một số thiết bị đặc thù mà đặt tại trụ sở Bộ không phù hợp nên cần tính bố trí chỗ khác.

    Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Đặng Ngọc Tùng thì than chuyện khó khăn ở khâu làm việc với Hà Nội. Cụ thể, 2 năm qua, Tổng Liên đoàn đã làm việc qua nhiều cấp, xin được cả Thủ tướng, Chính phủ chủ trương xây dựng trụ sở với 11 tầng nổi, 2 tầng chìm. Nhưng sau đó, Hà Nội vẫn trình một văn bản phân tích nhiều khía cạnh, với ý kiến của cơ quan quản lý kiến trúc, tư vấn thiết kế… không đồng ý, cho rằng chỉ giới hạn chiều cao công trình ở mức 9 tầng.

   Còn về phần diện tích chồng lấn với đất của Bộ GTVT, ông Tùng nêu rõ, có một khu nhà cũ của Pháp xây dựng mà tầng trệt được giao cho Bộ GTVT sử dụng nhưng tầng 2, 3 lại thuộc Tổng Liên đoàn.

“Vì vướng việc này, chúng tôi không dám xin nguyên cả diện tích căn nhà để làm bảo tàng mà đề xuất giữ nguyên theo hướng bảo tồn. Tuy nhiên, về việc xây dựng tòa nhà trụ sở, đề nghị Chính phủ quyết định luôn cho phương án xây 9 hay 11 tầng để công trình có thể khởi công theo kế hoạch” – ông Tùng phân trần.

    Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Văn Khôi giải thích, theo quy định, trụ sở các cơ quan, đơn vị TƯ trong khu vực nội đô thành phố không được cao vượt 9 tầng. Với đề xuất xây dựng nhà 11 tầng của Tổng Liên đoàn Lao động, thành phố rất chia sẻ, ủng hộ. Tuy nhiên, khi làm thủ tục cấp phép, phải xin ý kiến các cơ quan chuyên môn thì đa số ý kiến đề nghị thực hiện đúng theo quy hoạch chung là công trình không vượt quá 9 tầng.

Vấn đề này, Hà Nội sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Xây dựng để thống nhất lần cuối.

Phân giải câu chuyện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Văn phòng Chính phủ làm công văn giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng Hà Nội và Tổng Liên đoàn để cùng thống nhất phương án xây dựng, kiến trúc cho phù hợp trong 1 tháng tới, để kịp khởi công công trình theo đúng kế hoạch.

Tin liên quan: