Những gương mặt người lao động tiêu biểu của Hưng Yên vinh dự nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh năm 2023
Ngày 24/7/2023 tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam đã tổ chức Lễ trao tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023 cho 167 người lao động tiêu biểu, xuất sắc đang làm việc tại các doanh nghiệp trong cả nước. Giải thưởng là hình thức tôn vinh dành riêng cho người lao động trực tiếp sản xuất, có nhiều sáng kiến sáng tạo, có thành tích nổi bật trong phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” của tổ chức công đoàn và được tổ chức 5 năm một lần. Ở tỉnh Hưng Yên, có 2 người lao động tiêu biểu đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh, góp phần tô thắm nét đẹp của giai cấp công nhân quê nhãn.
Ông Hà Quốc Nguyên (bên trái) và anh Hoàng Văn Thạnh (bên phải) được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ IV năm 2023
Ông Hà Quốc Nguyên, Công ty TNHH Thép cán nguội Hòa Phát – Gương mẫu trong các phong trào thi đua
Với mong muốn có công việc ổn định, nâng cao thu nhập, mỗi người lao động phải nêu cao ý thức và trách nhiệm đối với công việc, vì vậy ông Hà Quốc Nguyên, Quản đốc nhà máy, Công ty TNHH Thép cán nguội Hòa Phát (Yên Mỹ) luôn vận động người lao động trong công ty hưởng ứng các phong trào thi đua, trong đó có phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”. Đã ngoài 60 tuổi nhưng ông và những công nhân lao động được nhận Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh đều có một điểm chung, đó là ý chí kiên trì, bền bỉ, tinh thần lao động hăng say, sáng tạo, khát vọng cống hiến, say mê nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, phát huy sáng kiến trong sản xuất. Họ cũng là những người thầy, người đồng nghiệp thân thiết trong doanh nghiệp, luôn quan tâm động viên chia sẻ, dìu dắt, bồi dưỡng, khích lệ đội ngũ công nhân lao động trẻ mới vào nghề nhanh chóng nắm vững kỹ thuật, tiếp thu và làm chủ khoa học – công nghệ tiên tiến. Mới đây, với 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất, ông Nguyên đã làm lợi cho doanh nghiệp hơn 1,1 tỷ đồng/năm. Tiêu biểu là sáng kiến thiết kế máy lọc dầu làm mát trục cán. Ông cho biết, trước khi có sáng kiến do quá trình cán phát sinh nhiều tạp chất, vảy sắt, dầu bôi trơn… khiến dầu làm mát trục cán bẩn, bám vào bề mặt tôn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình mạ bề mặt tiếp theo. Muốn bảo đảm chất lượng bề mặt tôn thì phải thay dung dịch dầu làm mát liên tục gây tiêu hao lớn, làm phát sinh chi phí sản xuất và tăng giá thành của sản phẩm. Sau một thời gian tìm tòi nghiên cứu, ông Nguyên đã tính toán các phương án và cuối cùng đưa ra phương án thiết kế máy lọc phù hợp với công suất của nhà máy, gia công được trong nước mà giá thành chỉ bằng 1/3 so với máy nhập khẩu, đồng thời giảm được tiêu hao năng lượng. Sáng kiến được ứng dụng với giá trị làm lợi 954 triệu đồng/năm.
Với sự gương mẫu, nhiệt tình, tích cực trong công việc, ông Nguyên đã khơi dậy trong công nhân lao động trong công ty tính năng động, sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại mỗi vị trí làm việc. Các sáng kiến của ông đã giúp cho công ty tiết kiệm được chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần vào sự phát triển đi lên của doanh nghiệp. Năm 2020 ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, năm 2021 được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng lao động sáng tạo...
Anh Hoàng Văn Thạnh - “Cây sáng kiến” của Công ty TNHH điện tử Canon Việt Nam
Anh Hoàng Văn Thạnh, Quản đốc bộ phận sản xuất 1, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH điện tử Canon Việt Nam (Khu công nghiệp phố nối A) luôn phát huy sức trẻ, sự năng động, sáng tạo và trách nhiệm, mạnh dạn có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đem lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp. Mới đây, 4 sáng kiến của anh đã làm lợi cho doanh nghiệp hơn 646 triệu đồng/năm. Trong đó, có sáng kiến cải tiến thao tác kiểm tra sự tiếp xúc của 2 chổi than. Anh cho biết: Trước đây tại dây chuyền lắp ráp sản phẩm DC Motor ở nhóm lắp cụm giá đỡ chổi than, sau khi máy tự động lắp ráp xong, công nhân phải lấy cụm giá đỡ chổi than ra khỏi dây chuyền để kiểm tra 2 chổi than. Nếu không chạm vào nhau hoặc bị kênh thì không truyền được điện và motor không quay. Thời gian để kiểm tra mất 5,1 giây/sản phẩm. Từ thực trạng trên, tôi đã nghiên cứu, tham mưu cải tiến lắp thêm phần dụng cụ kiểm tra tự động vào máy lắp ráp. Cụm giá đỡ chổi than sau khi được gắp ra sẽ có thanh gắp tự động đẩy linh kiện vào vị trí kiểm tra. Sáng kiến đã được áp dụng cho tất cả 3 dây chuyền lắp ráp DC Motor ở xưởng sản xuất nhà máy số 1 giúp người lao động không còn phải kiểm tra bằng tay, cắt giảm hoàn toàn thời gian kiểm tra. Sáng kiến đã làm lợi cho doanh nghiệp gần 362 triệu đồng/năm.
Với vai trò là Chủ tịch công đoàn, anh cùng Ban Chấp hành Công đoàn công ty chủ động tham mưu Ban Giám đốc triển khai nhiều hoạt động chăm lo, bảo đảm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động; tiên phong thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” đồng thời, tuyên truyền, vận động, tạo điều kiện, hỗ trợ để người lao động ứng dụng các ý tưởng, sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động cho công ty và thu nhập cho bản thân. Với những cống hiến của mình, năm 2017 và 2020, anh được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo; năm 2020 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen; năm 2021 được Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng khen.
Lê Việt