Những chính sách mới về tiền lương có hiệu lực trong tháng 1-2016
Đóng BHXH theo mức thu nhập
Từ ngày 1-1-2016, Nghị định 115/2015/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Theo đó:
Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.
Nghị định 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016 quy định.
Điều chỉnh lương hưu và tăng lương cơ sở
Chính phủ điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1,150 triệu đồng/tháng lên 1,210 triệu đồng/tháng (tăng khoảng 5%) từ ngày 1-5-2016, áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đảm bảo thu nhập của đối tượng có hệ số lương từ 2,34 trở xuống không giảm so với mức đang hưởng.
Từ ngày 1-1-2016, sẽ thực hiện điều chỉnh tiền lương đối với người có mức lương hưu, trợ cấp mất sức lao động dưới 2 triệu đồng/tháng và trợ cấp đối với giáo viên mầm non có thời gian công tác trước năm 1995 để lương hưu của các đối tượng này đạt mức lương cơ sở.
Nghị quyết 99/2015/QH13 về Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 quy định.
Lương tối thiểu vùng tăng từ 1-1-2016
Tăng lương tối thiểu vùng
Theo Nghị định 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng thì từ ngày 1-1-2016, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp kể từ ngày 01/01/2016 như sau:
Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng (tăng 400.000 đồng).
Vùng II: 3.100.000 đồng/tháng (tăng 350.000 đồng).
Vùng III: 2.700.000 đồng/tháng (tăng 300.000 đồng).
Vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng (tăng 250.000 đồng).
Thanh niên tình nguyện được hưởng chính sách như người có công
Trong quá trình tham gia tình nguyện, thanh niên có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương sẽ được xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng.
Ngoài ra, thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, xã hội không tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ tối thiểu một nửa chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe trong trường hợp bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động 5%-30% và được trợ cấp thêm ba lần mức lương cơ sở nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên.
Trường hợp bị tai nạn dẫn đến suy giảm khả năng lao động từ 31% trờ lên thì ngoài chế độ hỗ trợ trên còn được trợ cấp một lần bằng ba lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở; Trường hợp bị chết do tai nạn lao động thì được trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở. Thanh niên tham gia hoạt động tình nguyện bị chết thì được cơ quan tổ chức hoạt động tình nguyện hỗ trợ mai táng và phương tiện đưa về quê quán, gia đình.
Quyết định 57/2015/QĐ-TTg về chính sách đối với hoạt động tình nguyện của thanh niên, có hiệu lực từ 1-1-2016.
Trợ cấp mất việc ít nhất bằng hai tháng lương
Tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo HĐLĐ của sáu tháng liền kề trước khi người lao động thôi việc hoặc mất việc làm. Trường hợp người lao động làm việc cho người sử dụng lao động theo nhiều HĐLĐ kế tiếp nhau, khi chấm dứt HĐLĐ cuối cùng thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc cho người sử dụng lao động theo các HĐLĐ.
Người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm dưới 18 tháng thì trợ cấp mất việc làm của người lao động ít nhất bằng hai tháng tiền lương.
Bãi bỏ quy định về việc phải trả lương ngay trong tháng làm việc cho người lao động, chỉ còn quy định về việc trả lương một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần và được trả vào thời điểm trả lương. Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 05/2015/NĐ-CP về hợp đồng lao động, kỷ luật lao động, trách nhiệm vật chất có hiệu lực từ ngày 1-1-2016 quy định.
Lương tối thiểu vùng tăng từ 1-1-2016
Người mang thai hộ cũng được nghỉ thai sản
Từ 1-1-2016, lao động nữ mang thai hộ đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản, trong thời gian mang thai được nghỉ việc năm ngày để đi khám thai; khi sinh con được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng hai lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ mang thai hộ sinh con;
Được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến ngày giao đứa trẻ cho người mẹ nhờ mang thai hộ nhưng không vượt quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật BHXH (sáu tháng).
Trong trường hợp kể từ ngày sinh đến thời điểm giao đứa trẻ hoặc thời điểm đứa trẻ chết mà thời gian hưởng chế độ thai sản chưa đủ 60 ngày thì lao động nữ mang thai hộ được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản cho đến khi đủ 60 ngày tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, ngày nghỉ hằng tuần. Đặc biệt, người chồng của lao động nữ mang thai hộ cũng được hưởng chế độ nghỉ thai sản như bình thường. Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc, có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016.
Điều chỉnh cách tính lương hưu
Về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, Luật quy định từ ngày 01/01/2016, nam đủ 51 tuổi, nữ đủ 46 tuổi và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên thì đủ điều kiện hưởng lương hưu. Để được hưởng chế độ này, mỗi năm độ tuổi tăng thêm một tuổi, đến năm 2020 trở đi, nam đủ 55 tuổi và nữ đủ 50 tuổi thì mới đủ điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên. Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 có hiệu lực từ ngày 1-1-2016.
Từ năm 2016 đến trước năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ mỗi năm tiếp theo tính thêm 2% đối với nam; 3% đối với nữ, nhưng mức tối đa là 75%. Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.
Phụ cấp độc hại bằng 10% mức lương hiện hưởng
Nhà giáo vừa dạy lý thuyết, vừa dạy thực hành là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập sẽ được hưởng phụ cấp đặc thù bằng 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Phụ cấp đặc thù được trả cùng kỳ lương hằng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm.
Nghị định 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2016.