Ngành giáo dục đào tạo Hưng Yên “ Sứ mệnh người thầy – Giáo dục bằng tình yêu thương”.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch liên tịch số 549/KHLT-SGDĐT- CĐN ngày 17/4/2019 của Sở Giáo dục – Đào tạo và Công đoàn Giáo dục tỉnh về việc triển khai Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, phẩm chất đạo đức cán bộ, nhà giáo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc; Với mục đích nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, lòng đam mê, yêu nghề cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo; Bổ sung các phương pháp dạy học tích cực, hướng đến giáo dục toàn diện học sinh, thích ứng với những yêu cầu của đổi mới giáo dục trong giai đoạn hiện nay, Công đoàn Giáo dục tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo tổ chức lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ với chủ đề “Sứ mệnh Người thầy – Giáo dục bằng tình yêu thương” do Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc – Nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Nhà sáng lập Chương trình Dạy học tích cực trực tiếp truyền đạt, trao đổi.
Tham gia vào chuyên đề, các thầy cô giáo đã được lắng nghe những chia sẻ từ TS. Trần Khánh Ngọc trong việc xây dựng, thiết kế những giờ học tích cực, đổi mới, đến gần hơn với học sinh và phụ huynh.
Theo TS. Trần Khánh Ngọc, trong thời đại 4.0, kiến thức có ở khắp nơi, người giáo viên đã không còn là “kho kiến thức”, không phải là người truyền thụ kiến thức, độc quyền kiến thức đơn thuần nữa mà phải là người khơi dậy niềm đam mê học tập, tình yêu thương, lòng nhân ái, niềm trắc ẩn, xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong gia đình, nhà trường và xã hội.
Đặc biệt “Trong bối cảnh 4.0 hiện nay, sứ mệnh người thầy nặng nề hơn ngày trước rất nhiều. Đặc biệt, khi bị cạnh tranh rất nhiều bởi các công cụ khác. Do đó, khi người thầy không xác định được rõ sứ mệnh của mình thì sẽ dễ dàng bị lẫn đi, bị nhạt nhòa, bởi rõ ràng các công cụ còn làm nhiệm vụ truyền đạt kiến thức tốt hơn cả người thầy với những khóa học online, AI. Thầy cô mà không thay đổi, thầy cô sẽ bị từ chối”, TSTrần KhánhNgọc nhấn mạnh.
Thông điệp của chuyên đề: Giáo dục sẽ đạt tới hiệu quả cao nhất khi người thầy tìm ra cho mình phương pháp giáo dục học sinh bằng chính tình yêu thương của mình. Và Sứ mệnh của người thầy là giúp học sinh định hướng và thay đổi. Giáo dục bằng tình yêu thương đòi hỏi người thầy phải có đủ sự yêu thương trong từng tiết học, bài giảng, trong từng hoạt động giáo dục và với từng em học sinh.
Sau chuyên đề, các thầy cô giáo sẽ có thêm những kinh nghiệm tổ chức tiết học hạnh phúc, ngày học hạnh phúc và trường học hạnh phúc. Mong rằng các nhà trường tiếp tục lan toả hình thức tổ chức chuyên đề nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo được tiếp cận nhiều hơn với phương pháp dạy học mới, mang lại hiệu quả cao góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Các thầy, cô giáo tích cực tham gia tâp huấn với cô Khánh Ngọc
Chia sẻ sau khi tham gia lớp bồi dưỡng, tập huấn, cô giáo Lê Thị Quỳnh Sen - Phó Hiệu trưởng trường THPT Dương Quảng Hàm cho biết: “Buổi tập huấn không chỉ giúp cho giáo viên hiểu được Sứ mệnh quan trọng của người thầy mà còn nhận thức: Để thực hiện có hiệu quả chương trình GDPT 2018 thì việc tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục là rất quan trọng. Đổi mới bằng nhiều cách trong đó giáo dục bằng tình yêu thương góp phần không nhỏ vào việc đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Bởi lẽ người thầy muốn làm tốt vai trò nhạc trưởng điều khiển thành công tiết học thì người thầy không chỉ làm chủ kiến thức mà người thầy cần có tâm, có tình yêu thương: yêu thương từng học trò, yêu thương từng bài giảng,từng con chữ, từng đơn vị kiến thức….dùng tình yêu thương của mình cảm hóa các em, lan tỏa tình yêu thương đến các em…để mỗi giờ học, mỗi ngày đến trường là một ngày vui.Có như thế thì giáo dục bằng tình yêu thương sẽ là con đường giáo dục ngắn nhất.”
Đồng quan điểm với cô Sen, cô giáo Lê Thị Nhung, Chủ tịch Công đoàn trường THPT Khoái Châu cho rằng “Đó là một chương trình hay, ấn tượng đã đánh thức lòng yêu nghề của người thầy. Mục tiêu hướng đến khi theo đuổi nghề dạy học là khơi dạy ở con người sống có mục đích, có lý tưởng tốt đẹp. Buổi tập huấn đã cho ta những bài học cần thiết khi làm công tác chủ nhiệm, biết cách xử lý tình huống sư phạm, biết nuôi dưỡng tâm hồn đẹp đẽ để học sinh có ấn tượng tốt đẹp về người thầy”.
Với sứ mệnh đó, theo TS. Trần Khánh Ngọc, thầy cô có thể thực hiện thông qua việc tổ chức các hoạt động, tạo ra những tiết học giá trị thay vì chỉ nói đến thành tích, tận dụng tất cả các hoạt động để học sinh được kết nối, được thể hiện, được hiểu chính mình và bạn bè xung quanh. Đây là những hoạt động “nuôi dưỡng”, tạo ra môi trường giúp nảy nở những hạt giống tốt trong lòng học sinh. “Tương tự như học sinh, phụ huynh cũng cần phải được “nuôi dưỡng”. Thầy cô làm với học sinh như thế nào thì hãy làm như thế với phụ huynh, để phụ huynh hiểu hơn về thầy cô, từ đó tìm ra tiếng nói chung, thông cảm, ủng hộ. Thầy cô phải quan điểm rằng, phụ huynh và mình là cùng một con thuyền, cùng là những người tạo ra môi trường để học sinh phát triển để có sự phối hợp. Đừng gạt phụ huynh sang một bên, phụ huynh là một phần rất quan trọng để hình thành và nuôi dưỡng những hạt giống tốt trong học sinh nảy nở…”, TS. Trần Khánh Ngọc nhấn mạnh.
Buổi tập huấn trực tuyến“Sứ mệnh Người thầy - Giáo dục bằng tỉnh yêu thương”có hơn 700 điểm cầu với hơn 14.500 cán bộ nhà giáo từ bậc học mầm non tới trung học phổ thông tham gia do Tiến sĩ Trần Khánh Ngọc lên lớp thực sự có ý nghĩa, đem lại hiệu quả rất lớn. Những kinh nghiệm, kiến thức bắt đầu từ những câu chuyện đời thường rất xúc động đã lắng sâu trong lòng mọi người về phương pháp giáo dục bằng tình yêu thương là như thế nào, sứ mệnh của người thầy quan trọng ra sao? Hi vọng sau buổi tập huấn mỗi thầy, cô giáo của Hưng Yên sẽ có thêm những kinh nghiệm giáo dục học sinh để tự tin bước vào một năm học mới với những thắng lợi mới./.
Bài và ảnh: Trần Đắc Viện - CĐ ngành giáo dục và đào tạo