Liên đoàn Lao động Hưng Yên tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Bộ luật Lao động.
Đồng chí Chu Ngọc Hoa Liễu, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Hội nghị đã ghi nhận các ý kiến trực tiếp của các đại biểu, cụ thể: Về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, đa số các ý kiến đưa ra thống nhất thời giờ làm việc 44h/tuần đối với người lao động. Về tuổi nghỉ hưu, đồng ý với việc tăng tuổi nghỉ hưu theo tinh thần của Nghị quyết số 28 – NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung Ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên mức và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét đến các yếu tố: đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân, lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dich vụ và một số ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, tiểu học, người làm trong lĩnh vực nghệ thuật…Đối với người lao động bị suy giảm sức khỏe, làm công việc nặng nhọc , độc hại, nguy hiểm có quyền nghỉ hưu sớm hơn đến 10 năm so với quy định. Về tăng thêm ngày nghỉ trong năm: Nhất trí tăng thêm 03 ngày nghỉ trong năm, nghỉ từ ngày Quốc khánh 02/9 đến hết ngày 05/9 để các gia đình có thêm thời gian chuẩn bị đưa trẻ đến trường. Về nội dung tiền lương: Đề nghị bổ sung vào dự thảo quy định: giao Chính phủ là cơ quan có trách nhiệm xác định “ mức sống tối thiểu” và thời điểm công bố “ mức sống tối thiểu” làm căn cứ quan trọng để Hội đồng tiền lương quốc gia xác định mức tiền lương tối thiểu hàng năm. Đề nghị sửa lại Khoản 1, Điều 91 thành “ Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường và phải bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ,phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”.
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo
Về thượng lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể tại doanh nghiệp cần được xây dựng theo hướng, mỗi doanh nghiệp chỉ có 1 thỏa ước lao động tập thể do công đoàn cơ sở hoặc tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp thương lượng và ký kết, tùy thuộc vào số lượng thành viên là người lao động của tổ chức nào nhiều hơn và đạt mức tối thiểu theo quy định của Chính phủ. Quy định tỷ lệ thành viên tối thiểu trên tổng số người lao động tại doanh nghiệp. Về Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, đề nghị tiếp tục giữ lại những quy định hiện hành, về những nội dung đảm bảo hoạt động của tổ chức công đoàn, về giải quyết tranh chấp lao động và đình công, đề nghị quy định số lượng hòa giải viên chuyên trách mỗi tỉnh từ 1 đến 3 người, tùy tình hình từng địa phương. Không mở rộng quy định về các trường hợp được phép đình công. Đề nghị bổ sung thêm một Điều tại Chương XIII ( Tổ chức đại diện của người lao động) về Công đoàn cơ sở để làm rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn nhằm khẳng định vị trí chính trị của Công đoàn Việt Nam đã được Hiếp pháp và Luật Công đoàn ghi nhận, đồng thời tránh nhầm lẫn giữa tổ chức công đòan với tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp nằm ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam. Ngoài ra cần quy định hàng rào pháp lý chặt chẽ đối với vấn đề cấp phép hoạt động cũng như về quyền liên kết giữa các tổ chức, định hướng trong một doanh nghiệp chỉ nên có tối đa từ 2-3 tổ chức của người lao động, đảm bảo không tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh, làm phức tạp tình hình quan hệ lao động, gây mất ổn định tại doanh nghiệp. Về vấn đề lao động nữ đề nghị bổ sung quy định “Khi lao động nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi hết hạn hợp đồng lao động thì được gia hạn hợp đồng lao động đã giao kết đến khi con đủ 12 tháng tuổi”.
Toàn cảnh Hội nghị
Kết thúc hội nghị, đồng chí Chu Ngọc Hoa Liễu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã cảm ơn và tiếp thu các ý kiến góp ý, giao Ban chính sách, Liên đoàn Lao động tỉnh tổng hợp để báo cáo cấp trên./.
T/h: Thu Nguyệt – Ban Tuyên giáo, nữ công