Không đồng tình nâng tuổi nghỉ hưu đối với công nhân lao động trực tiếp
Toàn cảnh Hội nghị sáng 21.12
Tại Hội nghị, đồng chí Mai Đức Chính – Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN – trình bày tờ trình về việc một số vấn đề về Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Bộ luật LĐ. Tờ trình đã đưa ra một số nội dung tham gia của CĐ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật LĐ.
Về nội dung HĐLĐ, tờ trình đề xuất, về quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của NLĐ, đề nghị bỏ lý do, chỉ cần yêu cầu về thời hạn báo trước, để đảm bảo quyền lợi được lựa chọn việc làm tốt hơn cho NLĐ và phòng chống cưỡng bức LĐ. Theo đó, bất cứ khi nào mà NLĐ cảm thấy không hài lòng với việc làm hiện tại hoặc tìm kiếm được việc làm tốt hơn ở DN khác thì họ sẽ thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ mà không cần lý do, chỉ cần báo trước một thời hạn nhất định để DN biết và chủ động tìm kiếm LĐ thay thế.
Đối với vấn đề mức lương tối thiểu, tờ trình đề xuất, sửa đổi quy định mức lương tối thiểu theo hướng đảm bảo “mức sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ”, đồng thời Chính phủ phải xác định các tiêu chí và cơ quan có thẩm quyền công bố “mức sống tối thiểu”.
Đối với vấn đề làm thêm, tờ trình đề xuất có thể xem xét để tăng số giờ làm thêm tối đa theo năm từ “không quá 200 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ” như hiện nay lên “không quá 300 giờ, trường hợp đặc biệt không quá 400 giờ”, nhưng phải đảm bảo tiền lương của NLĐ phải được trả theo lũy tiến: làm thêm giờ vào ngày thường và đến 200 giờ/năm thì được trả ít nhất 150%; làm thêm giờ vào ngày thường và từ 201 giờ đến 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 200 %; làm thêm giờ vào ngày thường và từ trên 300 giờ/năm thì được trả ít nhất 250%.
Đối với vấn đề tuổi nghỉ hưu, tờ trình đưa ra quan điểm không đồng tình với việc nâng tuổi nghỉ hưu của các đối tượng là CNLĐ khu vực trực tiếp sản xuất, dịch vụ. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp thì có thể xem xét để nâng tuổi nghỉ hưu nhưng phải có lộ trình tăng thích hợp để giảm thiểu ảnh hưởng đến cơ hội có việc làm cho nhóm LĐ trẻ và đảm bảo ổn định kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.
Đồng chí Mai Đức Chính cũng đã trình bày tờ trình về việc xây dựng Chỉ thị của ĐCT Tổng LĐ về việc tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xanh - sạch - đẹp, bảo đảm an toàn vệ sinh lao động trong tình hình mới”.
Cũng trong buổi sáng, đồng chí Trần Thanh Hải – Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐVN – trình bày báo cáo tờ trình về việc ban hành Hướng dẫn thực hiện Nghị quyết số 9c/NQ- BCH của BCH Tổng LĐ về “Điều chỉnh giảm tỉ trọng chi hành chính, hoạt động phong trào tại các cấp CĐ để tạo nguồn kinh phí cho đầu tư xây dựng các thiết chế của CĐ tại các KCN, KCX; tờ trình về việc ban hành Kế hoạch của ĐCT Tổng LĐ về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra đối với đơn vị sự nghiệp, DN CĐ; tờ trình về Chương trình làm việc 2017 của ĐCT Tổng LĐ; tờ trình về việc tổ chức Hội nghị lần thứ 9 BCH Tổng LĐLĐVN khóa XI. Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến về các nội dung trên.