Hưng Yên: Triển khai các biện pháp quyết liệt khống chế dịch sởi

Đăng ngày 22/04/2014
Lượt xem: 1151
100%
Công điện nêu rõ: Theo thông báo của Bộ Y tế, đến ngày 18.4.2014 cả nước đã ghi nhận 3.256 trường hợp mắc sởi, trên 8.779 người bị sốt phát ban nghi mắc bệnh sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, tập trung chủ yếu ở trẻ em chưa được tiêm vắc xin phòng sởi. Đã ghi nhận 25 trường hợp tử vong do sởi, đã xác định trên 112 trường hợp tử vong liên quan đến bệnh sởi.
 
Tại tỉnh Hưng Yên, theo báo cáo của Sở Y tế, tính đến ngày 18.4.2014, tổng số ca nghi sởi là 585 trường hợp, hiện có 85 ca bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; ngoài ra còn có nhiều gia đình đưa trẻ em đi điều trị vượt tuyến tại các cơ sở y tế trung ương.
 
Thực hiện Công điện số 477/CĐ-TTg ngày 16.4.2014 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch sởi, Công văn số 2035/BYT-DP ngày 18.4.2014 của Bộ Y tế về triển khai các biện pháp quyết liệt khống chế dịch sởi, nhằm chủ động ngăn chặn lây lan dịch, hạn chế đến mức thấp nhất số người mắc bệnh và chết do bệnh sởi, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
Tiêm phòng là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh sởi
Giám đốc các sở: Y tế, Thông tin và Truyền thông, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh tại các công văn: số 297/UBND-VX ngày 28.2.2014 về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch sởi; số 615/UBND-VX ngày 17.4.2014 về việc tăng cường các hoạt động phòng, chống dịch sởi.
Giám đốc Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình bệnh sởi tại cộng đồng và các cơ sở y tế, phát hiện sớm, tổ chức cách ly các trường hợp mắc bệnh, xác định các khu vực có nguy cơ lây nhiễm sởi, đối tượng có nguy cơ cao để thực hiện khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Thực hiện báo cáo hàng ngày tình hình dịch bệnh sởi về UBND tỉnh và Bộ Y tế. Tổ chức phân tuyến điều trị tại các bệnh viện, tập trung các nguồn lực phục vụ thu dung, điều trị bệnh nhận, không để tình trạng chuyển tuyến các bệnh nhân trong khả năng điều trị để tránh lây nhiễm bệnh sởi và các bệnh đường hô hấp khác. Thiết lập khu vực riêng khám, điều trị bệnh sởi, có biển cảnh báo và phân luồng khám chữa bệnh; thực hiện khám sàng lọc, phân loại bệnh nhân, khử khuẩn buồng bệnh và thường xuyên hướng dẫn người chăm sóc trẻ thực hiện các biện pháp phòng bệnh để hạn chế lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Khẩn trương rà soát tình hình thuốc, trang thiết bị, vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng, chống dịch sởi, dự trù kinh phí, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt để đáp ứng kịp thời cho công tác phòng, chống dịch. Tham mưu với UBND tỉnh về điều kiện công bố dịch theo Quyết định số 64/2010/QĐ-TTg ngày 25.10.2010 của Thủ tướng Chính phủ, tiến hành việc cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh một cách chính xác, đồng thời đáp ứng đủ nguồn lực để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh.
 
UBND các huyện, thành phố phối hợp với ngành Y tế thực hiện quyết liệt chiến dịch tiêm vắc xin sởi và tiêm vét vắc xin sởi theo Quyết định số 601/QĐ-BYT ngày 20.2.2014 của Bộ Y tế, bảo đảm đạt trên 95% số trẻ em trong đối tượng được tiêm vắc xin sởi và bảo đảm an toàn tiêm chủng theo quy định, hoàn thành trong tháng 4.2014. Huy động sự tham gia của các ban, ngành, các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội vào công tác tuyên truyền, động viên các gia đình có con nhỏ trong độ tuổi tiêm chủng đến các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn để được tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để phòng, chống bệnh sởi.
 
Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sởi; đưa trẻ đi tiêm vắc xin sởi và thực hiện các biện pháp phòng bệnh theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
 
Sở Tài chính tham mưu với UBND tỉnh bố trí cấp bổ sung kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch sởi theo đề nghị của Sở Y tế và các chế độ, chính sách cho cán bộ y tế tham gia công tác phòng, chống dịch sởi theo quy định hiện hành của Nhà nước.
 
Đề nghị Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội, các đoàn thể quần chúng phối hợp với ngành Y tế, các ngành liên quan và chính quyền cùng cấp thực hiện có hiệu quả các hoạt động phòng, chống dịch sởi, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân.
 
Yêu cầu Giám đốc Sở Y tế, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai thực hiện; báo cáo tình hình kết quả thực hiện về UBND tỉnh theo quy định.