Hưng Yên: Hiệu quả mô hình tổ tự quản công nhân lao động

Đăng ngày 26/09/2014
Lượt xem: 25009
100%
Hiện nay, toàn tỉnh Hưng Yên có trên 145.000 công nhân viên chức lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Trong số đó có nhiều CNLĐ làm việc trong các khu công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp là người ngoại tỉnh, xuất thân từ nông thôn đến nhập cư, điều này đặt ra cho các cấp, các ngành nhiều vấn đề đáng quan tâm như: giải quyết nhu cầu về nhà ở, bảo đảm tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống các tệ nạn xã hội... Để góp phần giải quyết những vấn đề đó, năm 2011, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo LĐLĐ các huyện, thành phố cử cán bộ đến các thôn, xóm, khu tập thể để nắm số lượng và tình hình tư tưởng của công nhân thuê trọ. Đối với những khu tập thể của doanh nghiệp có từ 20 CNLĐ trở lên sẽ tổ chức thành lập tổ tự quản, lập Ban điều hành, xây dựng nội quy, quy chế của tổ tự quản CNLĐ và cùng thực hiện. Mô hình tổ tự quản CNLĐ được thành lập và hoạt động dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia, đóng góp kinh phí của các công nhân khu nhà trọ, khu tập thể doanh nghiệp. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã thành lập được 4 tổ tự quản CNLĐ: tổ tự quản CNLĐ tại Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Trung Sơn, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm); tổ tự quản CNLĐ tại Công ty TNHH Việt Cường, thị trấn Bần (Mỹ Hào); tổ tự quản CNLĐ Bệnh viện Đa khoa quốc tế Phúc Lâm (Văn Giang); tổ tự quản CNLĐ khu nhà trọ xóm Đình, thôn Yên Phú, xã Giai Phạm (Yên Mỹ) với tổng số khoảng 650 CNLĐ.


Tổ tự quản CNLĐ Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Trung Sơn
tổ chức Tết Trung thu cho con em CNLĐ


Thông qua tổ tự quản CNLĐ, các cấp công đoàn và chính quyền địa phương đã phối hợp với lực lượng công an, các ngành chức năng tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của công đoàn cấp trên như: tuyên truyền về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm và các tệ nạn xã hội khác; đặc biệt chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ có liên quan trực tiếp đến CNLĐ như: Luật Công đoàn, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế… góp phần nâng cao kiến thức cho CNLĐ. Các tổ tự quản CNLĐ cũng phối hợp với lực lượng công an địa phương tổ chức phát động phong trào đấu tranh và tố giác tội phạm, tiến hành kiểm tra việc đăng ký tạm trú, tạm vắng của CNLĐ với chính quyền địa phương. Qua đó giúp cho chính quyền địa phương quản lý địa bàn, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội ở khu dân cư tốt hơn.

Bên cạnh hoạt động tuyên truyền, các tổ tự quản CNLĐ cũng tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân. Các thành viên trong tổ tự quản xây dựng tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau khi có khó khăn trong cuộc sống, tích cực tham gia các hoạt động ở địa phương, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Việc hình thành các tổ tự quản CNLĐ giúp cho tổ chức công đoàn, người sử dụng lao động và chính quyền địa phương kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của CNLĐ để tìm biện pháp giải quyết kịp thời, hạn chế các vụ đình công, những phản ứng tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại khu tập thể CNLĐ Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Trung Sơn, thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm), năm 2011, LĐLĐ huyện Văn Lâm đã phối hợp với ban lãnh đạo công ty và chính quyền địa phương thành lập tổ tự quản CNLĐ của công ty. Đến nay, tổ tự quản CNLĐ này có tổng số trên 60 phòng trọ khép kín với gần 500 công nhân cư trú. Tổ tự quản gồm 3 dãy nhà ở, được trang bị trang thiết bị đầy đủ, có khu vui chơi, giải trí, sân bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, phòng tập thể hình. Ban điều hành tổ tự quản lập ra các đội kiểm soát an ninh, đội quản lý điện, nước, vệ sinh môi trường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn trong khu vực. Anh Trần Văn Nhàn, một thành viên của tổ tự quản CNLĐ, Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Trung Sơn nói: “Trước đây, chúng tôi phải thuê phòng trọ của các tư nhân ở gần công ty, tuy nhiên tình hình an ninh trật tự chưa được bảo đảm, các phòng trọ thường xuyên bị kẻ gian trộm cắp tài sản, do không được quản lý nên nhiều công nhân bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, mại dâm… Từ khi thành lập tổ tự quản CNLĐ, tình hình an ninh trật tự trong khu tập thể được bảo đảm, không còn xảy ra các vụ vi phạm pháp luật, trộm cắp, tệ nạn xã hội… nên chúng tôi rất yên tâm cư trú và làm việc”.
Anh Nguyễn Đăng Hùng, tổ trưởng tổ tự quản CNLĐ Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Trung Sơn cho biết: “Mặc dù tổ tự quản CNLĐ của công ty không được các cấp công đoàn hỗ trợ về kinh phí nhưng CNLĐ trong tổ tự quản đã tự nguyện đóng góp tiền để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà nhân dịp ngày lễ, tết, tổ chức các cuộc thi văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao…”.
Nhận xét về hoạt động của tổ tự quản CNLĐ xóm Đình, thôn Yên Phú, xã Giai Phạm (Yên Mỹ), ông Đỗ Như Thọ, Trưởng Ban Mặt trận tổ quốc thôn Yên Phú cho biết: “Từ khi tổ tự quản CNLĐ được thành lập, việc phối hợp giữa chính quyền địa phương với các cấp công đoàn và các cơ quan chức năng được chặt chẽ hơn, góp phần bảo đảm tình hình an ninh trật tự thôn, xóm. Thông qua các buổi sinh hoạt tập thể, các thành viên trong tổ tự quản đã nâng cao ý thức chấp hành các nội quy, quy định của địa phương, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường thôn, xóm”.
Chị Nguyễn Thu Nguyệt, Phó Ban Tuyên giáo, LĐLĐ tỉnh cho biết: “Với những hiệu quả hoạt động của các mô hình tổ tự quản CNLĐ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua cho thấy mô hình này phần nào đáp ứng được nhu cầu bức thiết của xã hội đối với lực lượng CNLĐ nhập cư. Thời gian tới, LĐLĐ tỉnh cùng với công đoàn các huyện, thành phố sẽ tiếp tục khảo sát, nắm bắt tư tưởng và số lượng CNLĐ tại các thôn, xóm trọ, khu tập thể doanh nghiệp để tuyên truyền, vận động tổ chức thành lập các mô hình tổ tự quản CNLĐ đối với những nơi có đông CNLĐ sinh sống tập trung nhằm góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và giữ vững an ninh trật tự tại địa phương”.