Hàng loạt quy định mới áp dụng từ ngày 1/7

Đăng ngày 01/07/2014
Lượt xem: 1269
100%

Bảng giá đất “chạy” theo giá thị trường

Luật Đất đai sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7, cùng với 5 Nghị định hướng dẫn thi hành (Nghị định số 43, 44, 45, 46, 47 năm 2014).
Cụ thể hóa nguyên tắc định giá đất phải theo mục đích sử dụng đất hợp pháp tại thời điểm định giá, theo thời hạn sử dụng đất, Nghị định 44 hướng dẫn chi tiết phương pháp định giá đất; xây dựng, điều chỉnh khung giá đất, bảng giá đất; định giá đất cụ thể và hoạt động tư vấn xác định giá đất.
Theo đó, khi giá đất phổ biến trên thị trường tăng từ 20% trở lên so với giá đất tối đa hoặc giảm từ 20% trở lên so với giá đất tối thiểu trong bảng giá đất trong khoảng thời gian từ 180 ngày trở lên thì UBND cấp tỉnh sẽ phải điều chỉnh bảng giá đất.
Để đảm bảo quyền lợi cho người bị thu hồi đất, giá đất bồi thường không áp dụng theo bảng giá đất như quy định hiện hành mà áp dụng giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Nghị định 47 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất cũng quy định, khi Nhà nước thu hồi đất mà người sử dụng không có các giấy tờ về quyền sử dụng đất nhưng đủ điều kiện để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì vẫn được bồi thường về đất.

Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh phải tiếp dân hàng tháng

Luật tiếp công dân quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị trong công tác tiếp công dân. Theo đó, người đứng đầu các cơ quan có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức công tác tiếp công dân của cơ quan mình; đồng thời trực tiếp tiếp công dân ít nhất một ngày trong một tháng tại địa điểm tiếp công dân của cơ quan mình.

Nghị quyết số 759 năm 2014 của Quốc họi cũng quy định chi tiết về hoạt động tiếp công dân của các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Theo đó, từ ngày 1/7, trường hợp công dân yêu cầu gặp đại biểu Quốc hội để trình bày khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thì đại biểu Quốc hội có trách nhiệm sắp xếp thời gian tiếp công dân.

Được phép kinh doanh dịch vụ Phòng cháy chữa cháy

Theo quy định tại Luật phòng cháy, chữa cháy sửa đổi 2013, kinh doanh dịch vụ phòng cháy, chữa cháy là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới.

Cụ thể người kinh doanh dịch vụ PCCC được cung cấp dịch vụ như tư vấn thiết kế, thẩm định, giám sát; tư vấn kiểm tra, kiểm định kỹ thuật; thi công, lắp đặt hệ thống PCCC; tư vấn chuyển giao công nghệ PCCC; sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị PCCC; Huấn luyện, hướng dẫn về nghiệp vụ PCCC; Kinh doanh phương tiện, thiết bị, vật tư PCCC.

Điều kiện để được kinh doanh dịch vụ PCCC bao gồm các điều kiện đối với chủ doanh nghiệp kinh doanh và các điều kiện về cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động.

Phạt người đội mũ bảo hiểm “dỏm”

Từ 1/7, thực hiện kế hoạch của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, lực lượng chức năng trên cả nước sẽ đồng loạt ra quân xử phạt các vi phạm về sản xuất, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.

Theo đó, cảnh sát giao thông sẽ dừng xe xử phạt đối với cả người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm không đúng chất lượng, sai quy cách.

Cụ thể, người đi mô tô, xe gắn máy đội mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm nhưng không đủ các thành phần (vỏ mũ, lớp hấp thụ xung động, quai đeo; không có tem CR, không có nhãn hàng hóa...) sẽ bị cho là không đội mũ bảo hiểm và sẽ bị xử phạt với mức tương tự như không đội mũ bảo hiểm (từ 100.000 đến 200.000 đồng).


Đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng sẽ bị phạt (Ảnh minh họa)

Cán bộ công chức được gộp phép 3 năm nghỉ một lần

Thông tư số 57/2014/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành (có hiệu lực thi hành từ 1/7/2014) quy định về chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập bổ sung nhiều nội dung có lợi cho người lao động so với Thông tư 141 ban hành năm 2011.

Cán bộ, công chức có thể thỏa thuận với thủ trưởng cơ quan, đơn vị để nghỉ gộp tối đa 3 năm một lần nhưng chỉ được thanh toán một lần tiền nghỉ phép năm.

Quy định chế độ thanh toán tiền nghỉ phép hàng năm đối với cán bộ, công chức, lao động hợp đồng làm việc trong các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tại Thông tư 141 vẫn có hiệu lực thi hành. Các trường hợp được thanh toán tiền lương những ngày chưa nghỉ thực hiện theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động.

Có thể học thạc sĩ chỉ trong 1 năm

Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT về quy chế đào tạo thạc sĩ mới của Bộ Giáo dục – Đào tạo cũng có giá trị thực hiện từ ngày 1/7. Thông tư bổ sung quy định về quản lý hoạt động đào tạo thạc sĩ, gồm: địa điểm đào tạo, tổ chức đào tạo; thi, kiểm tra, đánh giá; hướng dẫn luận văn và điều kiện bảo vệ luận văn; hội đồng đánh giá, thẩm định luận văn.

Theo quy định mới, thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1 - 2 năm. Trong đó, thời gian tối thiểu 1 năm học được áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành mà ở trình độ đại học có thời gian đào tạo từ 5 năm học trở lên và khối lượng kiến thức tích lũy được từ 150 tín chỉ trở lên. Thời gian đào tạo thạc sĩ từ 1,5 - 2 năm áp dụng đối với những ngành, chuyên ngành còn lại.

 

Tin liên quan: