Giữ nguyên Điều 10 về Công đoàn Việt Nam trong Hiến pháp

Đăng ngày 24/10/2013
Lượt xem: 1224
100%

Đề cao vị trí, vai trò to lớn của GCCN và tổ chức CĐ

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý cho biết, về bản chất Nhà nước thì qua thảo luận, nhiều ý kiến tán thành quy định tại Điều 2 của dự thảo.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị thay cụm từ “nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức” bằng cụm từ “nền tảng là khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy, Nhà nước ta là Nhà nước XHCN nên Hiến pháp cần thể hiện rõ bản chất giai cấp của Nhà nước.

Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH, kế thừa các quy định của Hiến pháp năm 1992, tiếp tục quy định: "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức".

Quy định như vậy là phù hợp với cương lĩnh và các văn kiện chính trị khác của Đảng khi xác định bản chất giai cấp của Nhà nước ta.

Về CĐ Việt Nam (Điều 10), dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 có 2 phương án. Qua thảo luận, có 2 loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành phương án 1 là không quy định một điều riêng về CĐ Việt Nam mà chuyển nội dung về CĐ tại Điều 10 vào quy định cùng các tổ chức chính trị - xã hội khác tại Điều 91.

Loại ý kiến thứ hai tán thành phương án 2 tiếp tục quy định về CĐ tại Điều 10 của dự thảo để đề cao vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam và vị trí, vai trò đặc biệt của CĐ ở nước ta.

“Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban DTSĐHP đề nghị Quốc hội cho tiếp tục giữ Điều 10 trong dự thảo như các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 để khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức CĐ trong lịch sử cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Đồng thời, dự thảo Hiến pháp cũng đã bổ sung quy định về các tổ chức chính trị - xã hội khác tại khoản 2 Điều 9” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý nhấn mạnh.

Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng- đội tiền phong của GCCN

Về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng CSVN (Điều 4), qua tổng hợp ý kiến nhân dân và đại biểu QH về dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho thấy, tuyệt đại đa số ý kiến nhân dân và các đại biểu QH tán thành việc khẳng định trong Hiến pháp vai trò lãnh đạo của Đảng và những nội dung thể hiện tại Điều 4 của dự thảo.

Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị nên viết gọn lại theo hướng chỉ ghi vai trò lãnh đạo của Đảng, còn bản chất của Đảng, trách nhiệm của Đảng thì không quy định trong Hiến pháp mà quy định trong Điều lệ Đảng; một số ý kiến đề nghị cần khẳng định rõ Đảng CSVN là lực lượng duy nhất lãnh đạo Nhà nước và xã hội; đề nghị quy định Đảng phải chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo của mình.

Ủy ban DTSĐHP nhận thấy rằng, quy định về Đảng trong dự thảo Hiến pháp lần này đã thể hiện đầy đủ những vấn đề cơ bản về Đảng CSVN được xác định trong Cương lĩnh năm 1991 (bổ sung, phát triển năm 2011).

Đó là: Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội; bản chất giai cấp của Đảng là đội tiên phong của giai cấp công nhân VN, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân LĐ và của dân tộc; trách nhiệm của Đảng là phải gắn bó mật thiết với nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, phục vụ nhân dân và chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình; Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn tổ chức và hoạt động của Đảng CSVN, là sự tiếp tục kế thừa các bản Hiến pháp trước đây của nước ta (Hiến pháp 1980, Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2001); phù hợp với truyền thống lịch sử của cách mạng VN, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của nhân dân cả nước. Vì vậy, Ủy ban DTSĐHP đề nghị QH cho giữ quy định về nội dung này như trong Điều 4 của dự thảo.

Công khai, minh bạch để tránh lạm dụng thu hồi đất tràn lan

Về  thu hồi đất (khoản 3 Điều 54), theo Chủ nhiệm  Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý, qua tổng hợp ý kiến đại biểu QH và ý kiến của nhân dân, có các loại ý kiến như sau: Loại ý kiến thứ nhất tán thành với quy định về thu hồi đất tại khoản 3 Điều 54 của Dự thảo trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ thu hồi đất đối với 3 trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng mà không quy định trường hợp để thực hiện “các dự án phát triển kinh tế - xã hội”.

Bởi vì, bản thân các dự án phát triển kinh tế - xã hội trong nhiều trường hợp cũng đã được thể hiện khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Quy định như vậy cũng tránh được việc lạm dụng trong thu hồi đất.

Loại ý kiến thứ ba đề nghị không quy định về thu hồi đất trong Hiến pháp mà để Luật đất đai quy định thì bảo đảm tính linh hoạt hơn trong quản lý đất đai.

Ủy ban DTSĐHP thấy rằng, quyền sử dụng đất là quyền quan trọng của người dân nên Hiến pháp cần phải quy định chặt chẽ những trường hợp thu hồi. Đây sẽ là cơ sở quan trọng cho Luật đất đai quy định nhằm tránh việc lạm dụng để thu hồi đất tràn lan, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển KTXH. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển KTXH gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.

Ông Phan Trung Lý nhấn mạnh: “Ủy ban DTSĐHP đề nghị QH cho phép chỉnh lý khoản 3 Điều 54 như sau: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh; vì lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật”.

Về trưng dụng đất (khoản 4 Điều 54), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về việc Nhà nước trưng dụng đất để đáp ứng yêu cầu trưng dụng đất có thời hạn trong một số trường hợp đặc biệt như chiến tranh, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh, trường hợp phải đối phó với nguy cơ hoặc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Để thống nhất với quy định tại Điều 32 của dự thảo Hiến pháp, đồng thời làm cơ sở cho việc cụ thể hóa các quy định về trưng dụng đất trong Luật đất đai và các luật có liên quan, Ủy ban DTSĐHP đề nghị QH cho tiếp thu ý kiến nêu trên và bổ sung quy định: “Việc Nhà nước trưng dụng đất trong trường hợp đặc biệt do luật định” vào khoản 4 Điều 54 của dự thảo.