Đưa ước mơ có nhà gần hơn với hàng triệu công nhân, người lao động
Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động (CNLĐ) là phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động. Đề xuất này cũng sẽ giúp đưa ước mơ có nhà gần hơn với hàng triệu CNLĐ.
Phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 4, nhiệm kỳ khóa XV thảo luận, góp ý kiến vào ngày 29.8 tới đây trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10.2023). Một trong những vấn đề được quan tâm là đề xuất để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐVN) tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH) cho công nhân.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - Nguyễn Thúy Anh cho rằng, đề xuất Tổng LĐLĐVN tham gia phát triển NƠXH cho công nhân là phù hợp bởi Tổng LĐLĐVN là một tổ chức đã được quy định tại Điều 10 Hiến pháp có chức năng bảo vệ, chăm lo đời sống của người lao động, bảo vệ người lao động,...
“Nếu quy định chức năng này cho Tổng LĐLĐVN và có sự hỗ trợ, tạo điều kiện về mặt chính sách pháp luật thì tôi nghĩ cũng là cần thiết để khẳng định vai trò, vị thế của Tổng LĐLĐVN, nhất là trong quá trình hội nhập” - bà Thúy Anh nêu quan điểm.
Đồng tình với quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp - Đặng Hoàng Oanh cho biết, nếu như chấp nhận chủ trương này thì phải có động tác để chỉnh lý, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan.
Cụ thể, nếu để Tổng LĐLĐVN tham gia đầu tư dự án NƠXH cho công nhân để cho thuê thì sẽ phải điều chỉnh các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để Tổng LĐLĐVN được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân và cho thuê nhà ở này.
Nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động vẫn đang rất thiếu
Vì sự phát triển nguồn nhân lực
Trao đổi với Lao Động, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (đoàn Bình Dương) cho hay, việc Tổng LĐLĐVN tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho công nhân lao động là hoàn toàn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và Luật Công đoàn. Đây là việc rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
“CNLĐ hiện nay rất đông nhưng điều kiện về nhà ở là chưa đảm bảo. Điều này tác động và ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn lao động, không phải chỉ bây giờ mà cả của thế hệ tương lai. Bởi hiện nay, đa số con em của những CNLĐ đang phải ở những nơi thiếu thốn, trong những căn nhà trọ chật hẹp... Do vậy, Tổng LĐLĐVN được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH là hoàn toàn phù hợp” - đại biểu Trân nói và nhấn mạnh, không có ai nắm rõ điều kiện sống, nhu cầu của CNLĐ bằng tổ chức Công đoàn.
Cùng trao đổi, đại biểu Quản Minh Cường - Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai khóa XV - cho rằng, đề xuất để Tổng LĐLĐVN tham gia đầu tư xây dựng NƠXH là rất cần thiết. Tổng LĐLĐVN, tổ chức Công đoàn các cấp với bề dày lịch sử, nắm rõ được số lượng người lao động, tính chất người lao động, nắm được thuận lợi, khó khăn của người lao động...
Trong các vấn đề đang tồn tại, khó khăn phải giải quyết với CNLĐ, đặc biệt tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vấn đề nhà ở là vấn đề rất khó khăn, bởi thu nhập bình quân của CNLĐ còn thấp, chưa đủ để mua nhà ở. Vì vậy tổ chức này tham gia vào đầu tư xây dựng NƠXH sẽ có những thuận lợi, tích cực.
Cũng theo đại biểu Quản Minh Cường, việc Tổng LĐLĐVN được tham gia đầu tư xây dựng NƠXH cũng sẽ rất thuận lợi cho việc phát triển các thiết chế công đoàn, phát triển các khu vui chơi, giải trí, khu sinh hoạt cộng đồng của CNLĐ tại khu vực đó.
“Thực tiễn đã chứng minh, giao cho công đoàn làm thì nhanh, hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Việc xây dựng NƠXH phải huy động mọi cấp, mọi ngành, mọi lực lượng cho nên Tổng LĐLĐVN tham gia là một lực lượng rất cần thiết. Chúng ta không thể trông chờ vào chỉ một lực lượng nào, không thể chỉ mỗi nhà nước hay chỉ mỗi doanh nghiệp. Số lượng NƠXH cần xây dựng rất lớn nên cần huy động nhiều lực lượng, trong đó có tổ chức Công đoàn” - ĐBQH Quản Minh Cường nhấn mạnh.
Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 3.4.2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”.Đề
án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở để tạo điều kiện cho mọi người có chỗ ở theo cơ chế thị trường, đáp ứng mọi nhu cầu của người dân, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người có thu nhập thấp và người nghèo gặp khó khăn về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội và phát triển đô thị, nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại.Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.
(theo Báo Lao động)
-v-