Đồng chí Tôn Kim Thúy – Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm – Gắn kết các cán bộ công đoàn thành một khối lớn mạnh
Đồng chí Tôn Kim Thúy (thứ 3 từ trái sang) đang trao đổi với các cán bộ công đoàn.
Là cán bộ Công đoàn (CĐ) chuyên trách, bà Tôn Kim Thúy - Ủy viên Ban thường vụ LĐLĐ tỉnh Hưng Yên, Chủ tịch LĐLĐ huyện Văn Lâm (Hưng Yên) - đã có kinh nghiệm hoạt động CĐ gần 20 năm. Trong công tác, đồng chí Thuý luôn tư duy, tìm tòi, đổi mới phương pháp hoạt động, phát huy sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ chức CĐ trong việc chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên, người lao động (NLĐ).
Hệ thống “xương cá”
Huyện Văn Lâm có trên 300 doanh nghiệp (DN), thu hút trên 30.000 CNLĐ. Những vấn đề về ô nhiễm môi trường, nhận thức của NLĐ còn nhiều hạn chế về mọi mặt. Ngoài ra, địa bàn huyện có hơn 200 CĐCS với nhiều loại hình khác nhau (CĐ khối HCSN, khối DN, khối trường học, khối xã thị trấn). Do các loại hình CĐCS khác về hình thức hoạt động, không tập trung nên việc quy hoạch hoạt động chưa được khoa học.
Trước thực trạng trên, năm 2014, bà Tôn Kim Thuý có sáng kiến “Hình thành mô hình hoạt động CĐ theo nhóm” và được áp dụng vào thực tiễn. Mục đích hoạt động nhóm nhằm nắm bắt được tận gốc tình hình CNLĐ, tuyên truyền trực tiếp đến CNLĐ; nâng cao hiệu quả hoạt động CĐ; đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Chia sẻ với phóng viên, bà Thuý cho biết, nhóm được hình thành theo hệ thống “xương cá”, để mọi hoạt động của CĐ có thể bao phủ đến khắp các CĐCS, đến tận NLĐ trực tiếp trong bối cảnh CĐCS rất xa về địa giới, khác nhau về loại hình, đông về số lượng, cán bộ CĐ chuyên trách ít. Và với mô hình hoạt động nhóm, LĐLĐ huyện Văn Lâm hình thành 11 nhóm CĐ: Trong đó, 6 nhóm theo khu vực và loại hình, 3 nhóm chuyên đề, 1 nhóm cấp trung và 1 nhóm cấp cao.
Trong mô hình hoạt động nhóm, nhóm cấp cao là các lãnh đạo của các cơ quan chức năng liên quan đến NLĐ như BHXH, Phòng LĐTBXH, Chi Cục thuế, UBND,... đã giúp cho việc tiếp cận và triển khai các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của nhà nước, chủ trương của Tổng LĐLĐVN được kịp thời và đầy đủ. Và theo mô hình xương cá, các loại hình CĐCS được tiếp nhận đầy đủ thông tin và lãnh đạo chuyên môn, CĐ các cấp cũng đã thường xuyên trao đổi giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau…
10 năm không có ngừng việc
Mô hình hoạt động theo nhóm từ sáng kiến của bà Tôn Kim Thuý được áp dụng từ năm 2014 đến nay đã hình thành được mạng lưới chủ tịch CĐCS bao phủ. Mọi người biết đến nhau dễ dàng hơn, giao lưu nhiều và thuận lợi hơn. Việc học hỏi chia sẻ lẫn nhau cả về kiến thức CĐ và chuyên môn đều trở nên thuận lợi. NLĐ được tiếp cận đầy đủ hơn các hoạt động của tổ chức CĐ, công tác tuyên truyền giáo dục CNLĐ hiệu quả.
Tổ chức CĐ từ cơ sở đến huyện nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng NLĐ để xử lý dứt điểm các vướng mắc nên 10 năm qua hầu như không có đình công, ngừng việc xảy ra trên địa bàn. Ý thức giác ngộ của NLĐ được nâng lên rõ nét, cán bộ CĐCS tâm huyết, nhiệt tình gắn bó. Tổ chức CĐ từ cơ sở đến huyện kết hành một khối lớn mạnh, mọi huy động sức người sức của đều trở nên đơn giản, hiệu quả hơn rất nhiều.
Là một cán bộ CĐ luôn tâm huyết, trách nhiệm, gắn bó xây dựng tổ chức công đoàn, gần gũi với đoàn viên, NLĐ,… trong thời gian qua, ngoài “Hình thành mô hình hoạt động CĐ theo nhóm”, bà Tôn Kim Thuý còn có các sáng kiến, giải pháp như “Tập trung các hoạt động phong trào nổi bật vào 1 ngày hội lớn góp phần nâng cao chất lượng hoạt động CĐCS trong tình hình mới”; “Đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CĐCS”; “Đổi mới phương pháp tuyên truyền, vận động CNVCLĐ”; “Nâng cao kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể cho cán bộ CĐCS”; “Đổi mới và triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua trong tình hình mới”,…
Giải thưởng Nguyễn Văn Linh đối với bà Thúy thực sự là niềm tự hào bởi giải thưởng mang tên đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ đổi mới đất nước, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN. Đặc biệt hơn, đồng chí Nguyễn Văn Linh là người con của quê hương Hưng Yên - nơi bà Thuý sinh ra, lớn lên, trưởng thành và công tác.
Với những đóp góp cho hoạt động CĐ và phong trào CNVCLĐ, bà Tôn Kim Thuý đã nhận được Bằng khen Tổng LĐLĐVN năm 2013 và 2017; Bằng khen của LĐLĐ tỉnh Hưng Yên năm 2016; Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên năm 2018; Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện năm 2017, 2018. Năm 2018, bà Thuý được tuyên dương là điển hình tiêu biểu trong việc thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2016 - 2018 tỉnh Hưng Yên./.
Thực hiện: Việt Lâm - Báo Lao động