Doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn-Quyền lợi của người lao động được bảo đảm hơn

Đăng ngày 20/12/2013
Lượt xem: 137744
100%
     Nhận thấy nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thỏa ước lao động tập thể là một trong những nhiệm vụ quan trọng nên hàng năm, LĐLĐ tỉnh Hưng Yên đều có Công văn chỉ đạo các Công đoàn cấp trên cơ sở tăng cường hỗ trợ CĐCS trong quá trình xây dựng , thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể và giám sát quá trình thực hiện thỏa ước; thành lập tổ chuyên gia về thỏa ước lao động tập thể; tổ chức tập huấn về kỹ năng thương lượng thỏa ước lao động tập thể cho cán bộ công đoàn cấp trên cơ sở và cơ sở; Tổ chức kiểm tra, rà soát lại các bản thỏa ước lao động tập thể của các Công đoàn cơ sở trên địa bàn quản lý; Đào tạo đội ngũ chuyên gia, giảng viên về thỏa ước lao động tập thể; Giao chỉ tiêu ký kết thỏa ước lao động tập thể cho LĐLĐ các huyện, thành phố, công đoàn ngành và đưa vào làm tiêu chí để xét thi đua khen thưởng hàng năm. Cụ thể trong năm 2013 đã có 98,5% cơ quan đơn vị hành chính sự nghiệp tổ chức Hội nghị cán bộ công chức; 100% doanh nghiệp nhà nước tổ chức Đại hội Công nhân viên chức; 60,9% Công ty Cổ phần, Công ty TNHH tổ chức Hội nghị người lao động; 73% doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn đã xây dựng và ký thỏa ước lao động tập thể. 18/18 LĐLĐ huyện, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn các Khu Công nghiệp đã tổ chức tập huấn Bộ Luật Lao động, Luật Công đoàn cho 1.576 cán bộ chủ chốt công đoàn cơ sở. Đã có 536 công đoàn cơ sở đã tổ chức tuyên truyền Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn tới 63.721 Đoàn viên, CNVCLĐ. Tổ chức in và phát hành 55.000 tờ rơi, tờ gấp, 10.000 cuốn tài liệu tới CNVCLĐ về chính sách pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kỹ năng xây dựng, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể, trong đó có lồng ghép nội dung thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Thông qua các thỏa ước lao động tập thể chủ sử dụng lao động và người lao động hiểu nhau hơn, tạo mối quan hệ giữa chủ doanh nghiệp và người lao động. Tránh được các cuộc đình công, lãn công xảy ra. Người lao động yên tâm làm việc, gắn bó với công ty.

Hội nghị Người lao động tại công ty TNHH điện tử Canon Việt Nam
    Ngài TSUNETO YASUJI Tổng giám đốc Công ty TNHH điện tử Canon Việt Nam khu Công nghiệp Phố Nối A Hưng Yên cho biết: “Công  ty chúng tôi chuyên sản xuất , lắp ráp các linh kiện mô tơ,máy in, máy ảnh... với gần  một nghìn hai trăm công nhân , chủ yếu là lao động nữ chiếm gần 95%, mọi chế độ chính sách như đóng BHXH, BHYT ...đều đảm bảo. Công ty chúng tôi, sau khi thành lập và đi vào sản xuất ổn định đã thành lập tổ chức Công đoàn. Tôi thấy tổ chức Công đoàn đã mang lại quyền lợi cho cả hai phía Người sử dụng lao động và Công nhân lao động. Đặc biệt là thỏa ước lao động tập thể. Thông qua hội nghị Người lao động được trao đổi, đề xuất những ý kiến, kiến nghị và được giải đáp mọi thắc mắc. Chủ sử dụng lao động như chúng tôi hiểu được tâm tư nguyện vọng của người lao động. Giải đáp những vướng mắc khó khăn của công nhân. Tạo sự thân thiết gắn bó với Chủ sử dụng lao động và Người lao động. Nên Công ty chúng tôi không có hiện tượng đình công, lãn công”.
          Việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở trong các doanh nghiệp Nhà nước được thực hiện tốt, nhiều doanh nghiệp đã triển khai các quy định về xây dựng quy chế dân chủ cơ sở được thông qua từ tổ sản xuất, phân xưởng, đội sản xuất, phòng ban đến doanh nghiệp. Đặc biệt là quy chế phối hợp giữa công đoàn với giám đốc doanh nghiệp và các quy chế khác như tiền lương, tiền thưởng, phân phối sử dụng quỹ phúc lợi tuyển dụng, đào tạo nâng cao tay nghề cho CNLĐ, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể...Người lao động được tham gia góp ý kiến về các vấn đề như phương hướng nhiệm vụ kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh, sắp xếp lại doanh nghiệp, các biện pháp bảo hộ lao động, vệ sinh môi trường, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, đào tạo và đào tạo lại cho Người lao động, bầu ban thanh tra nhân dân. Năm 2013 đã có 15/15 doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn tỉnh tổ chức Đại hội công nhân viên chức đạt 100%. Thông qua Đại hội đã có 323 ý kiến, kiến nghị được đưa ra và đều được giải đáp trực tiếp tại Đại hội. Hầu hết các doanh nghiệp đã tạo điều kiện để công nhân viên chức lao động thực hiện quyền giám sát của mình thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân.

Công nhân công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Hưng Yên đang cắt tỉa cây
 Chị Nguyễn Thị Hợp công nhân Công ty TNHH một thành viên Công  trình đô thị Thành phố Hưng Yên cho biết: “Ở Công ty tôi, Hội nghị Người lao động thường được tổ chức vào dịp đầu hoặc cuối năm. Ở hội nghị đó chúng tôi được thỏa mái trình bày tâm tư nguyện vọng, đề xuất tham gia ý kiến với các Ban, ngành, đoàn thể cũng như lãnh đạo Công ty để tạo nên môi trường làm việc thân thiện. Nên chúng tôi yên tâm công tác”.      
   Tuy nhiên việc thực hiện quy chế dân chủ và thỏa ước lao động tập thể ở các doanh nghiệp ở Hưng Yên vẫn còn hạn chế nhất định. Việc thực hiện quy chế dân chủ tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước chưa được đảm bảo. Đa số các doanh nghiệp tổ chức lồng ghép vào trong hoạt động tổng kết của doanh nghiệp nên trình tự thủ tục chưa được đảm bảo, chất lượng chưa cao. Các doanh nghiệp tổ chức riêng Hội nghị Người lao động theo đúng trình tự, quy định của pháp luật chủ yếu là các doanh nghiệp được cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước. Số lượng thỏa ước lao động tập thể có chất lượng không nhiều ( chỉ chiếm khoảng 50%). Nội dung thỏa ước được sao chép từ các điều, khoản của Bộ luật Lao động, nội dung có lợi cho người lao động trong thỏa ước không nhiều.
  Để khắc phục những hạn chế trên, LĐLĐ Hưng Yên đã đề ra giải pháp: Tiếp tục nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả thoả ước lao động tập thể. Tham gia với các cơ quan chức năng giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc trong công nhân như: việc làm, tiền lương, thu nhập; điều kiện làm việc; chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, nhà ở, nhà  lưu trú, nhà trẻ, mẫu giáo, các thiết chế sinh hoạt văn hoá.../.

Tin liên quan: