Đây, nơi an nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng

Đăng ngày 11/10/2013
Lượt xem: 1273
100%

    
Khu an táng của Đại tướng nằm cách tháp chuông này 50m.

  Con đường dẫn từ bãi tập kết vào khu hầm mộ dài khoảng 100 mét, nằm phía trái tháp chuông đang được hoàn tất khâu cuối cùng. Bãi tập kết để hành lễ rộng khoảng 6.000m2 đã được san phẳng. Khu an táng Đại tướng nằm cách tháp chuông chừng 50 mét, cao hơn nền tháp chuông chừng 10 mét.

Chiều ngày 11.10, Thứ trưởng Bộ GTVT Trương Tấn Viên - Chỉ huy trưởng công trình cùng Giám đốc Sở GTVT, Phó Giám đốc Công an tỉnh, Phó Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh đã có mặt tại khu an táng của Đại tướng để kiểm tra tiến độ thi công.

Con đường bắt đầu từ nhà làm việc của Khu chế xuất Hòn La đến đồi Thọ Sơn - nơi an táng Đại tướng - dài hơn 3km, đã được công nhân Công ty Trường Thịnh, Sở GTVT tích cực đổ đá dăm làm nền đường.

Kể từ ngày quyết định chọn địa điểm Vũng Chùa - đảo Yến là nơi an táng Đại tướng, hàng trăm công nhân, lực lượng quân đội được huy động làm việc 24/24 giờ. Ai cũng muốn sớm hoàn tất để sớm đón Đại tướng về với quê nhà.

Sáng ngày 11.12, trời Quảng Bình mưa như trút nước, nhưng những công nhân vẫn miệt mài làm việc.

VNPT đã dựng xong hai xe phát sóng để Đài Truyền hình VN và Đài Tiếng nói VN truyền và phát trực tiếp lễ an táng Đại tướng tại quê nhà.

Công an tỉnh Quảng Bình và hai huyện Bố Trạch, Quảng Trạch đã lên phương án trên tuyến đường đưa thi hài Đại tướng từ sân bay Đồng Hới về Vũng Chùa. 

Theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, nhân dân hai bên quốc lộ 1 và hai huyện Bố Trạch, Quảng Trạch đã làm vệ sinh hai bên đường.

Nhiều người dân đã đến nơi an táng của Đại tướng để mong được nhìn tận mắt nơi Đại tướng an nghỉ, song vì lý do an ninh nên nhiều người không thể thực hiện được nguyện ước của mình.

Đoàn cựu chiến binh  của Đoàn Ba Gia (Sư 2, Quân khu 5) đi từ Hà Nội vào. Từ quê hương của Đại tướng, đoàn CCB Đoàn Ba Gia đứng năn nỉ một hồi mới được các chiến sĩ biên phòng cho phép đi vào một đoạn đường dẫn đến nơi an nghỉ của Đại tướng.

CCB Nguyễn Văn Tuấn cho hay, đoàn của ông về Hà Nội và tối ngày 12.10 lại lên đường trở về tỉnh Quảng Bình, để đến sáng ngày 13.10 kịp đón Đại tướng tại nơi yên nghỉ - Vũng Chùa.

Ông Lê Thuần Văn - Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Bình - cho hay, đến nay nhiều đồng bào từ miền Nam cũng đã có mặt ở Quảng Bình, nhân dân các tỉnh lân cận như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị cũng sẽ về Quảng Bình trong ngày 13.10 để được đưa tiễn Đại tướng lần cuối.

Dù trời Quảng Bình vẫn ầng ậng nước, ai cũng mong đến ngày 13.10 “trời sẽ yên, biển sẽ lặng” để đón Đại tướng về với quê nhà. Mảnh đất dẫu chịu nhiều bom rơi đạn nổ trong hai cuộc chiến tranh, nhưng người dân đất Quảng vẫn “ nhường gạo nuôi quân”.