Đại hội thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX: Tôn vinh những công nhân lao động trực tiếp

Đăng ngày 06/07/2015
Lượt xem: 1746
100%


Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng phát biểu khai mạc Đại hội 

Phát triển cả bề rộng và chiều sâu 

Đến dự Đại hội có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng; Cù Thị hậu, Anh hùng Lao động, nguyên Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Chủ tịch Hội Người Cao tuổi Việt Nam; Trần Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương... Về phía Tổng LĐLĐVN có các đồng chí: Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN và các đồng chí Phó Chủ tịch. 486 điển hình tiên tiến được tôn vinh trong Đại hội lần này, đại diện cho hàng triệu CNVCLĐ toàn quốc. 

Đại hội lần này tôn vinh 486 điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua do tổ chức CĐ phát động. Trong đó có 103 tập thể, 383 cá nhân. Trong số 383 đại biểu có 108 điển hình là nữ; 10 điển hình là người dân tộc thiểu số, 162 điển hình là CNLĐ trực tiếp công tác, sản xuất; 65 điển hình là cán bộ CĐCS… Đại hội lần này là dịp để tổ chức CĐ tôn vinh CNVCLĐ trực tiếp – những cá nhân điển hình tiên tiến có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ cả nước trong 5 năm qua.

Trong phát biểu khai mạc Đại hội, đồng chí  Đặng Ngọc Tùng- Chủ tịch Tổng LĐLĐVN- khẳng định: Trong những năm qua, tổ chức CĐ VN luôn coi trọng và thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ. Các cấp CĐ đã tổ chức quán triệt nghiêm túc các chỉ thị, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua ái quốc, làm cho đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ nhận thức đúng đắn hơn về vị trí, vai trò của công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới. 

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh: "Các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ có bước trưởng thành, phát triển cả bề rộng và chiều sâu, làm cho thi đua thực sự là đòn bẩy, là động lực tinh thần to lớn, cổ vũ động viên đông đảo CNVCLĐ phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, kiên quyết khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao". 

Đồng chí Đặng Ngọc Tùng bày tỏ hy vọng, các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc được biểu dương lần này sẽ tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được và nêu cao vai trò đầu tàu gương mẫu của mình để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong toàn thể đội ngũ CNVCLĐ, góp phần tích cực xây dựng và bảo vệ tổ quốc. 

160.000 sáng kiến làm lợi gần 12.000 tỷ đồng

Thay mặt Đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐVN, đồng chí Trần Thanh Hải- Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN- đã trình bày báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước nước trong công nhân viên chức và lao động giai đoạn 2010 - 2015 và phương hướng, nhiệm vụ tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2015 - 2020.
5 năm qua, đất nước ta phải trải qua thời kỳ rất khó khăn, nhưng phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động cả nước đã có những chuyển biến tích cực và đạt nhiều hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và người lao động.

Thông qua phong trào “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” công nhân viên chức lao động cả nước đã phát huy trên 160.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, đề tài nghiên cứu khoa học được áp dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, làm lợi gần 12.000 tỷ đồng.
Các đơn vị tiêu biểu là: LĐLĐ thành phố Hà Nội có hơn 51.000 sáng kiến, sáng tạo, trong đó có gần 700 sáng kiến cấp thành phố với giá trị làm lợi 521 tỷ đồng; LĐLĐ tỉnh Quảng Ninh có hơn 30.000 sáng kiến, giải pháp hữu ích và đề tài nghiên cứu khoa học, tiết kiệm và làm lợi 656 tỷ đồng; LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh có 26.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật và 8.236 đề tài nghiên cứu khoa học với giá trị làm lợi 386 tỷ đồng...

Các cấp Công đoàn trong cả nước đã đăng ký gắn biển và tổ chức thực hiện hàng ngàn công trình, sản phẩm mới với giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng để chào mừng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn của đất nước. Trong đó nhiều công trình, sản phẩm mới đạt hiệu quả kinh tế - xã hội cao được Tổng Liên đoàn gắn biển công trình thi đua. Tiêu biểu như: Liên đoàn lao động thành phố Hồ Chí Minh đăng ký và thực hiện trên 12.000 công trình, sản phẩm giá trị đầu tư trên 4.000 tỷ đồng; Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương có 2.770 công trình sản phẩm, giá trị đầu tư 1.360 tỷ đồng...

Trong phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm Nhà nước, Tổng Liên đoàn LĐVN đã chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện dự án phát động phong trào thi đua liên kết trên công trình trọng điểm xây dựng “Nhà máy Thủy điện Sơn La” giai đoạn 2005-2012 và “Nhà máy Thủy điện Lai Châu” giai đoạn 2012-2017, đây là 2 công trình trọng điểm Nhà nước có ý nghĩa quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Bám sát mục tiêu “Tiến độ, chất lượng, tiết kiệm và an toàn” do Tổng Liên đoàn phát động, các đơn vị thi công trên công trình đã có sự phối hợp nhịp nhàng, liên kết chặt chẽ từ khâu thiết kế - thi công đến việc đảm bảo chất lượng, tiến độ, thời gian. Mặc cho thời tiết khắc nghiệt, mặc cho đường xá xa xôi, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân lao động đã không quản ngày đêm miệt mài lao động sản xuất trên công trường. Từ phong trào thi đua liên kết nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật được phát huy làm lợi hàng chục tỷ đồng, rút ngắn thời gian thi công.
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” nhiều LĐLĐ tỉnh, thành phố đã phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho các xã khó khăn như: Xây dựng 26 nhà trẻ, điểm vui chơi cho con em nông dân với số tiền hơn 3,5 tỷ đồng; xây dựng 1.134 phòng học, nhà ở cho giáo viên nội trú ở vùng sâu, vùng xa với số tiền 724 tỷ đồng, nâng cấp hoặc làm mới 132 trạm y tế xã giá trị 257 tỷ đồng; đưa 354 điểm bưu điện văn hóa, nhà văn hóa vào hoạt động; cải tạo, nâng cấp nạo vét 3.910 km kênh mương.
Phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ được triển khai sâu rộng, thu hút hàng triệu nữ công nhân viên chức lao động ở các thành phần kinh tế tham gia. Từ năm 2010 đến nay đã có hàng triệu lượt nữ CNVCLĐ được công nhận danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp; hàng nghìn tập thể, cá nhân được các LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở tặng bằng khen, giấy khen...

Công tác chăm lo đời sống cho CNVCLĐ và các hoạt động xã hội của Công đoàn đạt được nhiều kết quả nổi bật. Chương trình “ Mái ấm công đoàn” đã vận động được hàng triệu lượt cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, các doanh nghiệp và nhà hảo tâm ủng hộ Quỹ “Mái ấm công đoàn” với tổng số tiền gần 650 tỷ đồng. Đã hỗ trợ được 16.577 gia đình đoàn viên, CNVCLĐ nghèo xây dựng mới, cải tạo hoặc sửa chữa nhà ở. Ngoài ra quỹ “Mái ấm công đoàn” còn hỗ trợ 1834 người nghèo, gia đình chính sách tại các địa phương với số tiền trên 26 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động chăm lo Tết cho CNVCLĐ đã được duy trì nhiều năm nay và trở thành nét đẹp của tổ chức công đoàn.Từ năm 2010 đến nay, công đoàn các cấp đã thăm hỏi, tặng quà cho trên 7,2 triệu lượt CNVCLĐ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 4.000 tỷ đồng, hỗ trợ hàng triệu vé tàu xe cho CNLĐ tại các khu công nghiệp nhiều năm không được về quê đón tết, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho công nhân không có điều kiện về quê ăn tết và CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Chương trình “Tấm lưới nghĩa tình” và “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của CNVCLĐ. Chương trình đã vận động gần 122 tỷ đồng và đã chi hơn 36 tỷ đồng hỗ trợ trang thiết bị thông tin liên lạc đi biển giúp ngư dân hoạt động tầm xa hoặc hỗ trợ gia đình cảnh sát biển, kiểm ngư có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt Chương trình đang xây dựng công viên tưởng niệm các chiến sĩ Gạc ma tại tỉnh Khánh Hòa góp phần hun đúc truyền thống yêu nước của nhân dân ta trong việc giữ gìn biển đảo Quê hương...

Từ các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn phát động, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, tiêu biểu được Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn khen thưởng.
Trong 5 năm qua, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã xét, đề nghị Nhà nước tặng thưởng 372 Huân chương các hạng; Thủ tướng Chính phủ tặng 617 Bằng khen, 45 cờ thi đua và 11 danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc cho các tập thể, cá nhân thuộc tổ chức Công đoàn.

Tổng Liên đoàn đã xét và quyết định tặng thưởng 5.106 cờ thi đua; 530 danh hiệu Chiến sỹ thi đua Tổng Liên đoàn; 29.183 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua; xét tặng thưởng Bằng lao động sáng tạo cho 3.926 lượt cá nhân có nhiều sáng kiến, đề tài nghiên cứu, giải pháp hữu ích được ứng dụng mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội, trong đó có hơn 500 lượt tác giả là công nhân lao động và công nhân kỹ thuật có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, 518 lượt tác giả là nữ công nhân viên chức lao động; xét tặng Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ 2 cho 139 cá nhân là cán bộ kỹ thuật, CNLĐ trực tiếp sản xuất...

Hướng về cơ sở và người lao động 

Trong lời phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội thay mặt Đảng, Nhà nước đã nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tích đã đạt được trong phong trào thi đua yêu nước của công nhân, viên chức, lao động và tổ chức Công đoàn trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt là 486 đại biểu điển hình tiên tiến. Đồng chí khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến tổ chức và hoạt động Công đoàn, đặt sự tin cậy và kỳ vọng vào tổ chức Công đoàn là thành viên trong hệ thống tổ chức chính trị- xã hội, có vai trò quan trọng trong tổ chức tập hợp, phát huy truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân Việt Nam cũng như của người lao động cả nước.

“Vì vậy, với truyền thống vẻ vang 86 năm xây dựng và phát triển, tôi tin tưởng rằng, sau Đại hội này, phong trào thi đua yêu nước trong công nhân, viên chức, lao động sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ với khí thế mới, tinh thần mới, quyết tâm mới, thực sự trở thành động lực to lớn cổ vũ, động viên công nhân, viên chức, lao động vươn lên lập nhiều thành tích chào mừng Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX và Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh lần thứ XII, luôn xứng đáng là giai cấp tiên phong đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”- đồng chí nhấn mạnh.

Phát huy kết quả đã đạt được trong 5 năm qua, tại Đại hội, đồng chí Trần Thanh Hải, Phó chủ tịch Tổng LĐLĐVN thay mặt Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động trong cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và các cấp công đoàn cả nước nỗ lực thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam đề ra, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trước mắt phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) tạo đà cho việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016- 2020. 

Đồng chí Trần Thanh Hải lưu ý: Các cấp công đoàn cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước trong CNVCLĐ, trong đó trọng tâm vào các phong trào đã tạo được sức lan tỏa như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”.  Phát triển và nâng cao chất lượng các phong trào hiện có như “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và phát triển nông thôn” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” do Thủ tướng Chính phủ phát động; “Thi đua học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển”, “Xanh- sạch- đẹp,  bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động”; cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hoá trong công nhân, viên chức, lao động...

Bên cạnh đó, các cấp CĐ cần thực hiện tốt Luật Thi đua, khen thưởng năm 2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng năm 2013, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của công đoàn về công tác thi đua khen thưởng cho phù hợp với tình hình mới. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ nội dung và phương thức tổ chức thi đua, khen thưởng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua liên kết trên các công trình trọng điểm quốc gia và các công trình trọng điểm của ngành và địa phương.

Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng của tổ chức công đoàn theo hướng thiết thực, hiệu quả, khắc phục bệnh thành tích và hình thức trong thi đua, với mục tiêu hướng về cơ sở và người lao động; chú trọng biểu dương, khen thưởng các cá nhân là công nhân, lao động tiêu biểu điển hình tiên tiến trong thực hiện các phong trào thi đua yêu nước; nhằm nâng cao chất lượng khen thưởng công nhân trực tiếp lao động, sản xuất. Tập trung bồi dưỡng, tăng cường các yếu tố tạo động lực của phong trào thi đua, trước hết là bồi dưỡng, phát huy lòng yêu nước; nêu cao ý thức trách nhiệm, nhiệt tình và sự tận tụy, say mê nghề nghiệp; thực hiện công khai, dân chủ, tạo môi trường để phát huy tài năng sáng tạo, cống hiến của đoàn viên, người lao động.

Các cấp CĐ cần chú trọng tổng kết, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong công nhân, viên chức, lao động. Phối hợp với các cơ quan hữu quan có hình thức động viên, khen thưởng phù hợp đối với người sử dụng lao động ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế có nhiều thành tích trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, quan tâm đến giải quyết việc làm, cải thiện đời sống của công nhân, lao động và hợp tác tốt với tổ chức Công đoàn.

Trong thời gian qua, Việt Nam đã tích cực chủ động thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Hiện nay Việt Nam đang đàm phán, ký kết một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó đáng chú ý và có tầm quan trọng đặc biệt là Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Việc tiếp cận và tham gia TPP sẽ mang lại nhiều thời cơ đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức với đất nước trong đó có hoạt động của tổ chức Công đoàn. Hiệp định này tác động trực tiếp đến vấn đề tổ chức, thành lập và hoạt động của Công đoàn Việt Nam, liên quan đến việc tuân thủ các nguyên tắc và cam kết được quy định trong các văn kiện của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO. Điều đó đòi hỏi tổ chức Công đoàn Việt Nam phải chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; tập trung chăm lo đời sống việc làm, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, để Công đoàn thực sự là người đại diện của người lao động, tích cực góp phần xây dựng quan hệ lao động lành mạnh trên tinh thần hợp tác, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà đầu tư, người lao động và nhà nước.

Đại hội thi đua yêu nước CNVCLĐ toàn quốc lần thứ IX có một số hoạt động như: Viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội chính thức; gặp mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thăm tòa nhà Quốc hội; các điển hình tiên tiến tiêu biểu báo cáo kinh nghiệm và giao lưu với 5 CĐ ngành trung ương và LĐLĐ TP.Hà Nội…

Tại Đại hội, 8 cá nhân có thành tích xuất sắc đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng 3; 30 cá nhân điển hình được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 

Cũng tại Đại hội, Tổng LĐLĐVN đã lựa chọn 50 điển hình tiên tiến là CNLĐ trực tiếp sản xuất và 11 đại biểu của Đoàn Tổng LĐLĐVN tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc lần thứ IX.