Chủ doanh nghiệp đã đáp ứng nguyện vọng của NLĐ

Đăng ngày 24/02/2014
Lượt xem: 1289
100%
Ngừng việc do thu nhập sụt giảm
Nguyên nhân dẫn đến ngừng việc tập thể của NLĐ là do Cty thay đổi cách tính giờ làm thêm năm 2014 so với năm 2013. Một nữ CN (xin giấu tên) cho biết, do Cty thông báo việc điều chỉnh mức tính tiền làm thêm vào cận Tết Nguyên đán (25.1) nên chúng tôi không biết, khi lĩnh lương (15.2) mời biết thu nhập giảm so với cuối năm 2013. Năm 2013, một giờ làm thêm của NLĐ (tùy theo từng vị trí công việc, mức lương cơ bản) được tính từ 10.000-15.000 đồng, nhưng theo cách tính mới thì chỉ còn 5.000-7.000 đồng/giờ.

Nhiều CN đã có ý kiến với BCH CĐCS Cty, nhưng trong thời điểm này, Tổng giám đốc (TGĐ) Cty đi vắng nên khi CĐ đề xuất hướng điều chỉnh với Phó TGĐ thì không thực hiện được. Sau khi kiến nghị của NLĐ không được giải quyết, ngày 19.2, khoảng 700 CN Cty Foremart đã ngừng việc. Không những thế, Phó TGĐ Cty còn cho nghỉ việc 2 quản đốc, 2 phó quản đốc của xưởng 1 và 2.

 Ngay sau khi sự việc xảy ra,  LĐLĐ tỉnh, LĐLĐ huyện, Công an huyện Ân Thi đã thành lập đoàn công tác đến Cty nắm bắt tình hình và yêu cầu CĐCS thuyết phục NLĐ không gây mất trật tự, đảm bảo an toàn thiết bị...Tuy nhiên, Phó TGĐ Cty đã không tiếp đoàn liên ngành với lý do không có quyền giải quyết sự việc, phải đợi TGĐ về sẽ quyết định. Tiếp đoàn chỉ là phiên dịch của TGĐ và trưởng phòng nhân sự của Cty.

Ngày 22.2, khi đoàn tiếp tục đến Cty làm việc, nhưng TGĐ Cty là ông Shin Yang Ho (sau khi đi công tác về) đã không tiếp và chỉ đạo cho phiên dịch thông báo rằng, do chưa nắm được tình hình sự việc của Cty nên hẹn đoàn công tác vào một dịp khác. Lúc này, ngoài cổng Cty, lượng CN ngừng việc tập thể đã lên đến 1.070 người. Đồng thời, đến 10h30 ngày 22.2, TGĐ Cty đã cho số NLĐ còn lại (không tham gia ngừng việc) dừng sản xuất.
Lãnh đạo Cty cần có thiện chí

Ngày 23.2, trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Đàn – Chủ tịch LĐLĐ huyện Ân Thi - cho biết, để đề phòng NLĐ bức xúc, gây mất trật tự, LĐLĐ huyện luôn cắt cử cán bộ có mặt tại hiện trường để có biện pháp ổn định tâm lý NLĐ. Và theo ghi nhận của CBCĐ huyện, khoảng 15-16 giờ ngày 22.2, TGĐ Cty đã tổ chức cuộc họp nội bộ với các quản đốc, phó quản đốc, BCH CĐCS... để tìm biện pháp tháo gỡ.

Sau khi nghe CB CĐCS trình bày kiến nghị của NLĐ, ông Shin Yang Ho đã chấp nhận điều chỉnh cách tính tiền làm theo yêu cầu của NLĐ, tiếp nhận trở lại 4 quản đốc, phó quản đốc bị cho nghỉ việc trước đó, không cắt giảm một số loại phí của một số cán bộ quản lý, đồng thời yêu cầu tất cả NLĐ trở lại làm việc vào sáng 24.2.

Theo ông Đàn, vụ ngừng việc tập thể của NLĐ Cty Foremart VN có thể không diễn ra và kéo dài nếu như ngay từ lúc đầu, lãnh đạo Cty trực tiếp đối thoại với NLĐ và CĐCS để ghi nhận các kiến nghị. Để có mối quan hệ LĐ hài hòa trong DN, giới chủ cần có thiện chí hơn với NLĐ và các cơ quan chức năng.

Bởi, từ khi đi vào hoạt động đến nay, tại Cty đã diễn ra 3 vụ ngừng việc tập thể. Tuy nhiên, với sự vào cuộc của tổ chức CĐ và các cơ quan chức năng của tỉnh, thiện chí của ban lãnh đạo Cty (cũ) các sự vụ đều được giải quyết nhanh, không xảy ra ngừng việc kéo dài như vừa qua.

Về phía NLĐ, khi có thắc mắc nên phản ánh với CĐCS để tổ chức CĐ kiến nghị với chủ DN, nếu vụ việc khó giải quyết cũng cần phải kiềm chế, tránh bức xúc thái quá để không vi phạm nội quy của DN và gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. CĐ cấp trên và các cơ quan chức năng của tỉnh sẽ vào cuộc để cùng tháo gỡ khó khăn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ theo đúng quy định của pháp luật VN.

Tin liên quan: