Bộ Công an xây dựng chuyên đề phòng ngừa tín dụng đen trong công nhân

Đăng ngày 31/05/2023
Lượt xem: 439
100%

Ngày 19/5, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Hội nghị tập huấn đánh giá kết quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn tín dụng đen trong công nhân lao động. Hội nghị do đồng chí Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam chủ trì.

Báo cáo kết quả thực hiện chương trình gói vay 20.000 tỷ đồng từ tháng 10/2022 đến nay, đồng chí Trần Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam) cho biết, tín dụng đen xảy ra ở nhiều địa phương và gây nhiều hệ luỵ. Đoàn viên, người lao động còn khó tiếp cận tín dụng chính thống vì thủ tục phức tạp.

Đến nay, đã có 43 LĐLĐ tỉnh, thành phố triển khai ký kết biên bản ghi nhớ hoặc ban hành văn bản triển khai chương trình gói vay 20.000 tỷ đồng. Tính đến nay đã giải ngân 5.345 tỷ đồng, tại 2.597 đơn vị, cho 319.207 người. Bình quân mỗi đoàn viên, người lao động sử dụng sản phẩm, dịch vụ với trị giá 16.750.000 đồng.

Bộ Công an đã xây dựng chuyên đề phòng ngừa tín dụng  đen trong công nhân lao động
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Minh Hồng

Gói vay 20.000 tỷ đồng dành cho công nhân lao động đã giải ngân được 5.345 tỉ đồng. Trong đó, HD Saison giải ngân xong 3.866 tỉ đồng, FE Credit giải ngân xong 1.459 tỉ đồng. Gói vay này đã có hiệu quả tốt, góp phần phòng, chống tín dụng đen trong công nhân lao động.

Hiện nay còn 20/63 tỉnh, thành phố chưa triển khai; 28/63 địa phương ký kết biên bản ghi nhớ, 11/28 địa phương đã ký biên bản ghi nhớ nhưng chưa có văn bản chỉ đạo thực hiện. Nhiều doanh nghiệp có số đoàn viên, người lao động tham gia ít. Lãi suất cho vay tuy có ưu đãi so với thị trường nhưng vẫn còn cao hơn so với khả năng của nhiều đoàn viên, người lao động.

Theo ông Nguyễn Đình Đức - Phó Tổng giám đốc HD Saison, đơn vị mong muốn tháo gỡ các vướng mắc, nút thắt để ký kết biên bản hợp tác với LĐLĐ các tỉnh, thành phố. Đồng thời có xây dựng quy trình phối hợp chung giữa hai công ty tài chính và công đoàn các cấp để việc triển khai thuận lợi.

Ứng dụng vay online không chính thống bủa vây công nhân với nhiều thủ đoạn tinh vi

Tại Hội nghị, Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó Trưởng Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) thông tin về tình hình tội phạm liên quan đến tín dụng đen. Năm 2022, Bộ Công an đã tiếp nhận phát hiện 905 vụ và 1.503 đối tượng. Trong đó khởi tố 516 vụ, 1.079 bị can; xử phạt hành chính 157 vụ, 213 đối tượng chủ yếu là hành vi cho vay nặng lãi.

Thời gian gần đây, nhiều đối tượng đã chuyển hướng cho vay qua ứng dụng mạng xã hội để len lỏi, tiếp cận, chào mời số lượng lớn người có nhu cầu vay tiền (chủ yếu là học sinh, sinh viên, công nhân, người có thu nhập thấp; số tiền vay ít, thời gian vay ngắn và không cần đầy đủ thủ tục vay). Với thủ đoạn quảng cáo là không cần thế chấp tài sản, chỉ cần giấy tờ tùy thân, giải ngân ngay trong ngày qua tài khoản ngân hàng, một số hợp đồng với số tiền vay nhỏ, thời gian vay ngắn đã được kí kết, vi phạm pháp luật hiện hành.

Thủ đoạn của các đối tượng là cho vay tiền qua app với lãi suất từ 15 đến 20%, quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội để tìm kiếm khách hàng. Các đối tượng còn lập nhiều công ty khác nhau để tìm kiếm khách hàng vay, thẩm định, đòi nợ. Một số đối tượng đã thay đổi các phương thức, lợi dụng danh nghĩa công ty luật, công ty thu hồi nợ để thực hiện hành vi cưỡng đoạt tài sản của người đi vay. Một số app vay tiền mà tín dụng đen núp bóng như app Monneyveo: Cho vay 5.000.0000 đồng trong vòng 10 ngày, phí tư vấn và lãi là 1.525 triệu đồng (một mức lãi suất rất cao).

Trung tá Đỗ Minh Phương cho hay, Cục Cảnh sát Hình sự đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo công an các đơn vị địa phương tập trung vào một số công ty núp bóng công ty tài chính, công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay qua app, các website để ngăn chặn, đấu tranh xử lí. Tháng 5/2022, Cục Cảnh sát Hình sự đã chỉ đạo Công an TP Hà Nội tiến hành bắt giữ được hơn 300 đối tượng; khám xét nhiều địa điểm trên địa bàn Hà Nội, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên liên quan đến hoạt động tín dụng đen của công ty kinh doanh dịch vụ cầm đồ do một đối tượng người Trung Quốc làm Giám đốc (đối tượng này thuê nhiều đối tượng là người Việt Nam làm Phó Giám đốc).

"Đối với công nhân ở khu công nghiệp tại các tỉnh, Cục Cảnh sát Hình sự đã xác định là một chuyên đề phòng ngừa chuyên sâu, để mọi người góp phần đẩy lùi tình trạng tín dụng đen tại địa phương" - Trung tá Đỗ Minh Phương chia sẻ.

Ngày 21/3, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản số 6210/TLĐ-QHLĐ về việc tăng cường triển khai gói vay ưu đãi 20.000 tỷ đồng.

Theo đó, các cấp công đoàn tiếp tục triển khai hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen, theo chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Đối với các địa phương, đơn vị chưa ký kết biên bản ghi nhớ: Chủ động thống nhất với HD Saison, FE Credit để ký kết; có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với các cấp công đoàn (hoàn thành trong tháng 6/2023).

Đối với các địa phương, đơn vị đã ký kết thoả thuận hợp tác hoặc biên bản ghi nhớ: Đẩy mạnh việc triển khai thực hiện; có văn bản chỉ đạo cụ thể đối với các cấp công đoàn. Tăng cường thông tin về thoả thuận hợp tác của Tổng LĐLĐ Việt Nam, biên bản ghi nhớ của các địa phương. Chú trọng truyền thông qua mạng xã hội, sinh hoạt công đoàn, tại các khu nhà trọ, khu nhà ăn tại các doanh nghiệp, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế…

 

 

 

 

 

Theo Laodongcongdoan.vn

Tin liên quan: