Bảo đảm quyền bảo hiểm của người lao động
Đại biểu QH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu ý kiến tại hội trường.
Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật
Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về phê chuẩn Công ước của LHQ về quyền của người khuyết tật; nghe Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Chính phủ trình bày Báo cáo một số vấn đề về nội dung này; nghe Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước. Theo Tờ trình, tính đến tháng 3 năm 2014, trên thế giới có 158 quốc gia ký Công ước và 141 quốc gia phê chuẩn Công ước. Trong khối các nước ASEAN, đã có tám nước phê chuẩn Công ước, hai nước đã ký Công ước nhưng chưa phê chuẩn là Việt Nam và Bru-nây. Việc phê chuẩn Công ước là một cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích dành cho người khuyết tật. Ðây là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình đối với thế giới trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và nhân quyền nói chung, có ý nghĩa quan trọng khi Việt Nam trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền của LHQ nhiệm kỳ 2014 - 2016.
Tiếp đó, QH nghe Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; nghe Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo tóm tắt một số vấn đề về nội dung này; nghe Ủy ban Ðối ngoại của QH trình bày Báo cáo thẩm tra về việc phê chuẩn Công ước. Theo đó, việc phê chuẩn Công ước phù hợp chủ trương, chính sách của Ðảng và pháp luật của Nhà nước ta nhằm bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người cơ bản ở Việt Nam.
Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc
QH đã nghe đại diện Ủy ban Thường vụ (TV) QH trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Theo đó, tại kỳ họp thứ bảy, đã có 167 lượt ý kiến đại biểu QH thảo luận tại tổ và 16 ý kiến phát biểu tại hội trường về dự án Luật BHXH (sửa đổi). Sau kỳ họp QH, các đoàn đại biểu, đại biểu QH chuyên trách tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo luật. Trên cơ sở đó, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo Ban soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu, tiếp thu và tiếp tục lấy ý kiến để chỉnh lý dự thảo luật.
Ðại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) và một số đại biểu tán thành việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, như dự thảo luật BHXH (sửa đổi) quy định, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ một tháng đến dưới ba tháng phải tham gia BHXH bắt buộc, khắc phục được những hạn chế của luật hiện hành. Luật hiện hành quy định, người lao động từ ba tháng trở đi mới tham gia đóng BHXH cho nên nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng vấn đề này ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để trốn tránh việc đóng BHXH, gây thất thoát nguồn thu BHXH, ảnh hưởng quyền được bảo hiểm của người lao động...
Dự thảo luật quy định, người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Về vấn đề này, một số đại biểu nhất trí như dự thảo luật. Tuy nhiên có đại biểu cho rằng, dự thảo luật nên quy định những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, phường, thị trấn được tham gia đóng BHXH bắt buộc. Vì số đối tượng này ở cơ sở nhiều công việc, không được hưởng lương, mà chỉ được hưởng trợ cấp hằng tháng thấp hơn mức lương hiện hành ở cơ sở... Ðại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) và một số đại biểu khác bày tỏ băn khoăn, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, khi luật có hiệu lực thi hành, hằng năm Nhà nước phải chi một khoản ngân sách không nhỏ, trong khi báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý của Ủy ban TVQH chưa làm rõ vấn đề này.
Nhiều đại biểu chưa tán thành việc điều chỉnh mức lương hưu hằng tháng như dự thảo Chính phủ trình khi tính tuổi nghỉ hưu của người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động. Ðể tạo điều kiện cho người lao động có thời gian thích ứng các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng - hưởng, nhiều đại biểu tán thành phương án điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng theo lộ trình: Từ năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tương ứng với 15 năm đóng BHXH của lao động nữ và 20 năm đóng BHXH của lao động nam (theo lộ trình từ năm 2018 đến 2022). Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.