Xây dựng kịch bản ứng phó để quản lý người lao động Việt Nam ở vùng dịch
Đảm bảo quyền lợi người lao động ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)
Ngày 24.2, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có công văn gửi các đơn vị về việc triển khai các nhiệm vụ trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, đặc biệt tại các quốc gia có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).
Theo đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chủ trì, phối hợp với Trung tâm lao động ngoài nước và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động tại các thị trường ngoài nước.
Đặc biệt là các thị trường có số lượng lớn lao động Việt Nam làm việc như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) trong trường hợp dịch bệnh bùng phát tại các nước và vùng lãnh thổ này.
Cục cần rà soát, thống kê cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại các thị trường, chi tiết tới từng địa phương, khu vực của nước và vùng lãnh thổ đó.
Nêu các phương án hỗ trợ người lao động tại nước ngoài, hỗ trợ người lao động về nước, cách ly, chữa bệnh khi người lao động về nước. Các phương án theo quy mô lao động, như dưới 1000 người, từ 1000 - 5.000 người, từ 5.000 - 20.000 người…
Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo và việc kết nối các giải pháp ngoại giao, trao đổi thông tin với cơ quan quản lý nước tiếp nhận lao động.
Đồng thời, tính tới các phương án trong trường hợp các thị trường khác ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.
Lên phương án cách ly lao động nước ngoài đến từ vùng dịch
Bên cạnh đó, Cục Việc làm chủ động xây dựng kịch bản ứng phó chi tiết nhằm quản lý lao động nước ngoài đến từ vùng dịch hay di chuyển qua các vùng dịch, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Bộ cũng yêu cầu Cục rà soát tổng thể, nắm tình hình toàn bộ lao động nước ngoài đã và đang làm việc tại Việt Nam (đặc biệt là lao động tại các nước dịch bệnh đang bùng phát mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản).
Cục cần thống kê cụ thể số lượng lao động, chuyên gia đang làm việc tại từng địa phương, đặc biệt là số lao động, chuyên gia sắp quay trở lại Việt Nam làm việc trong thời gian tới.
Theo chỉ đạo của Bộ trưởng, Cục Việc làm cần có phương án cách ly, chữa bệnh khi người lao động, chuyên gia vào Việt Nam làm việc theo quy mô lao động: Dưới 100 người, từ 100 - 1.000 người, trên 2000 người…
Trong từng phương án, cần nêu cụ thể các giải pháp để thực hiện như nguồn kinh phí, nhân lực thực hiện, phương tiện, điều kiện đảm bảo…
Bên cạnh đó, với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, Bộ chỉ đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cần xây dựng phương án để tổ chức đào tạo tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để thực hiện thống nhất trong toàn quốc (thời gian cho học sinh, sinh viên nghỉ học, nhập học, kết thúc).
Tổng cục cần xây dựng các phương án xử lý trong trường hợp học sinh, sinh viên nhiễm bệnh khi đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo quy mô học sinh, sinh viên, như: Dưới 10 người, từ 10 - 100 người, trên 1.000 người...
Kịch bản ứng phó chi tiết của đơn vị yêu cầu gửi về Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trước 17 giờ chiều 24.2.
ANH THƯ ( Báo Lao động)