Nữ CNVCLĐ và các cấp công đoàn tỉnh Hưng Yên tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua giỏi việc nước, đảm việc nhà
Thông qua phong trào đã góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng về công tác phụ nữ trong tình hình mới, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của nữ CNVCLĐ trong sự nghiệp CNH- HĐH đất nước. Phát huy được vai trò, tiềm năng to lớn của nữ CNVCLĐ trong công cuộc đổi mới, xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, góp phần phát triển kinh tế- xã hội và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.
Thực hiện sự chỉ đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo Công đoàn các cấp trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động nữ CNVCLĐ, đặc biệt là phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” và coi công tác vận động nữ CNVCLĐ là nội dung không thể tách rời của hoạt động Công đoàn và ngược lại các nội dung hoạt động của Công đoàn không thể không chú ý đến đối tượng nữ CNVCLĐ. Đây là trách nhiệm của tổ chức Công đoàn, nhằm phát huy vai trò, năng lực của chị em và đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nữ CNVCLĐ. Phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” đã được Công đoàn các cấp hưởng ứng triển khai thực hiện, cụ thể hoá nội dung, tiêu chuẩn thi đua phù hợp với ngành, nghề, đơn vị và cơ sở; đồng thời lồng ghép với các phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” do TW Hội LHPN Việt Nam phát động; định kỳ sơ kết, tổng kết, phát triển và nhân rộng phong trào trong CNVCLĐ.
Với trên 6 ngàn nữ CNVCLĐ, chiếm trên 50 % tổng số CNVCLĐ toàn tỉnh đang lao động, sản xuất và công tác trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội; khoa học, kỹ thuật; trực tiếp lao động, sản xuất tạo ra nhiều của cải, vật chất góp phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh và đất nước. Hàng năm 85% nữ CNVCLĐ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, 45- 50% nữ CNVCLĐ trong các DN ngoài nhà nước được công nhận danh hiệu “Hai giỏi”; trên 75% gia đình nữ CNVCLĐ được công nhận gia đình văn hoá. Tổng kết 5 năm (2005- 2010) phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ, đã có 3 034 tập thể, 197 593 lượt cá nhân đạt lao động tiên tiến và đạt danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” các cấp. Trong đó có 3 952 chị đạt cấp TW, 19 879 chị đạt cấp tỉnh; hàng ngàn sáng kiến kinh nghiệm, đề tài khoa học đã làm lợi cho nhà nước hàng trăm triệu đồng; 6762 chị đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua các cấp, trong đó: 24 chị đạt chiến sỹ thi đua cấp tỉnh, ngành và toàn quốc; 09 chị được tặng bằng khen Chính phủ; 06 chị được tặng huân chương lao động hạng II và III; 01 chị bảo vệ thành công luận án tiến sỹ; 05 chị được phong nhà giáo ưu tú; 02 chị được phong thầy thuốc ưu tú, 27 tập thể, 28 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam, UBND tỉnh, LĐLĐ tỉnh tặng cờ thi đua và bằng khen.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đã đạt được, phong trào cũng còn có những hạn chế: Phong trào phát triển chưa đều ở các lĩnh vực, chưa đến được đông đảo nữ CNVCLĐ ở các công đoàn cơ sở xã, phường, thị trấn, đặc biệt là các DN ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều nơi, việc triển khai còn mang tính hình thức, chưa có sức lôi cuốn; nội dung, tiêu chuẩn thi đua chưa được cụ thể hoá phù hợp với đặc thù ngành, nghề và điều kiện làm việc của cơ sở; việc đăng ký, sơ kết, tổng kết phong trào cũng còn những bất cập, có nơi chưa được BCH Công đoàn quan tâm chỉ đạo; các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc chưa được động viên kịp thời; vai trò của Ban Nữ công Công đoàn các cấp có nơi còn mờ nhạt, thiếu chủ động trong công tác tham mưu với BCH Công đoàn cùng cấp, nên hiệu quả phong trào chưa cao.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do một số cán bộ chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, mục đích của phong trào; có nơi BCH Công đoàn chưa coi trọng công tác vận động nữ CNVCLĐ và hoạt động nữ công, chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho phong trào; đội ngũ cán bộ nữ công đa phần là kiêm nhiệm, lại không ổn định, nhiệm vụ chuyên môn chi phối, thiếu thời gian giành cho hoạt động nữ công.
Việc thực hiện các văn bản pháp luật đối với lao động nữ và chính sách ưu đãi đối với DN sử dụng đông lao động nữ chưa được thực hiện nghiêm túc; thiếu các cơ chế chính sách đồng bộ; công tác giám sát kiểm tra của các cơ quan chức năng về thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ trong các DN chưa đầy đủ, thường xuyên và thiếu kịp thời.
Những khó khăn về giới, gia đình, tính tự ty cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự phấn đấu của chị em, cũng như kết quả phong trào.
Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong giai đoạn mới; thực hiện Chỉ thị 03/CT- TLĐ ngày 18/8/2010 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ; thực hiện Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 29/01/2011 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam về “công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước”, các cấp Công đoàn trong tỉnh tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu sau.
1- Tiếp tục quán triệt Nghị quyết 11/NQ-TW ngày 22/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước, Luật bình đẳng giới, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2010- 2020; Nghị quyết 6b/NQ-TLĐ ngày 29/01/2011 của BCH Tổng LĐLĐ Việt Nam về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước; triển khai thực hiện Chỉ thị 03/CT- TLĐ ngày 18/8/2010 của Tổng LĐLĐ Việt Nam về tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. Hướng dẫn của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh các CĐCS cụ thể hoá nội dung, tiêu chuẩn của thi đua phù hợp với từng đối tượng nữ CNVCLĐ và tình hình thực tiễn ở cơ sở. Lồng ghép phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” với phong trào thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Phấn đấu hàng năm có 85% nữ CNVCLĐ trong các cơ quan hành chính sự nghiệp; 45- 50% nữ CNVCLĐ trong các Doanh nghiệp ngoài Nhà nước được công nhận danh hiệu “Hai giỏi”. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả phong trào và kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu.
2- Chủ động tham gia với các cấp chính quyền bảo đảm việc làm, thu nhập và cải thiện điều kiện làm việc cho lao động nữ. Phối hợp với các Ban, Ngành và chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ; phát hiện và kiến nghị xử lý kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật đối với lao động nữ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động.
3- Động viên khuyến khích nữ CNVCLĐ tích cực học tập, nâng cao trình độ văn hoá, chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề. Tăng cường và đa dạng hoá công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật, giới, xây dựng gia đình CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH- HĐH đất nước, thực hiện chính sách Dân số- Kế hoạch hoá gia đình và phòng chống các tệ nạn xã hội.