Hội nghị bàn giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà văn hóa lao động Công đoàn

Đăng ngày 27/02/2023
Lượt xem: 576
100%

 

Các đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu LĐLĐ tỉnh Hưng Yên

Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay, hệ thống Công đoàn có 51 thiết chế văn hóa, thể thao, trong đó có 30 cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh; 4 trung tâm văn hóa lao động, nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp; 17 nhà văn hóa lao động quận, huyện, khu công nghệ cao trực thuộc LĐLĐ thành phố Hồ Chí Minh. Thông qua 51 thiết chế văn hóa thể thao, về cơ bản đã thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Công đoàn (hội nghị, mít tinh kỷ niệm, các hoạt động tuyên truyền nhân Tháng Công nhân, Tết sum vầy, Ngày hội công nhân, phiên chợ nghĩa tình…); tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao; tổ chức câu lạc bộ sở thích và lớp năng khiếu, kiến thức kỹ năng; bồi dưỡng hạt nhân, hỗ trợ, hướng dẫn nghiệp vụ văn hóa thể thao cho cơ sở. Một số nhà văn hóa lao động đã tham gia phục vụ các sự kiện chính trị của Đảng, Nhà nước và tổ chức Công đoàn; tổ chức các giải văn nghệ, thể thao quần chúng cấp quốc gia, phối hợp tổ chức các giải thể thao khu vực, có hội viên các câu lạc bộ văn hóa, thể thao dự thi và có giải khu vực, quốc tế. Tuy vậy, báo cáo cũng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế như: Số lượng nhà văn hóa lao động còn ít so với nhu cầu của công nhân, viên chức, lao động; đa số nhà văn hóa lao động có cơ sở vật chất đã xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu đồng bộ. Một số nhà văn hóa lao động hoạt động chưa hiệu quả, chưa chủ động đổi mới phương thức hoạt động, còn chủ yếu cho thuê địa điểm, có đơn vị cho thuê chưa đúng mục đích; chất lượng các phương án tự chủ tài chính gửi về Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa đáp ứng yêu cầu; đề án vị trí việc làm chưa xác định đúng theo chức năng, nhiệm vụ; Nhiều Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh, thành phố chưa thực sự quan tâm chỉ đạo, tạo điều kiện, nhất là giao nhiệm vụ, giao kinh phí để nhà văn hóa lao động tổ chức các hoạt động theo yêu cầu của tổ chức Công đoàn.
Tại hội nghị, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn Đường sắt Việt Nam đã trình bày ý kiến, đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của nhà văn hóa lao động; lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Ban Tài chính, Ban Tổ chức đã báo cáo tiến độ sắp xếp, tổ chức lại nhà văn hóa lao động, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng phương án tự chủ tài chính và đề án vị trí việc làm của nhà văn hóa lao động; hướng dẫn, giải đáp vướng mắc khi xây dựng phương án tự chủ tài chính của nhà văn hóa lao động; hướng dẫn, giải đáp vướng mắc khi xây dựng đề án vị trí việc làm của nhà văn hóa lao động…

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nêu lên 5 vấn đề lớn của nhà văn hóa lao động hiện nay, đó là: Tổ chức bộ máy, mô hình còn nhiều bất cập; nguồn nhân lực cả về chuyên môn và quản lý còn nhiều hạn chế; hoạt động còn lúng túng, chưa hiệu quả, dựa nhiều vào liên kết; công tác chỉ đạo và hướng dẫn của cấp trên còn mờ nhạt; cơ chế chính sách, điều kiện hoạt động trong bối cảnh mới nhiều vấn đề đặt ra. Theo đó, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đề nghị: Những đơn vị đủ điều kiện, cần chủ động xây dựng phương án triển khai, tự chủ tài chính, hoàn thiện đề án vị trí việc làm. Trong tháng 3/2023, Ban Tổ chức và Ban Tài chính Tổng LĐLĐ Việt Nam bố trí thời gian để hướng dẫn từng đơn vị lập đề án. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng giao nhiệm vụ cho Ban Tuyên giáo phối hợp Ban Tài chính nghiên cứu quy định của pháp luật về đặt hàng, giao nhiệm vụ để xác định danh mục đặt hàng giúp nhà văn hóa lao động của tổ chức Công đoàn tồn tại, phát triển.

Th/h: Minh Quang