Hiệu quả từ các mô hình vận động doanh nghiệp tham gia cùng cộng đồng trong bảo vệ môi trường ở huyện Mỹ Hào
Trước thực trạng đó, xã đã xin ý kiến chỉ đạo của huyện và ý kiến tư vấn của phòng tài nguyên và môi trường huyện trong việc lên phương án xử lý tình trạng đổ, đốt rác gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn xã. Theo đó, xã đã mời một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn đề nghị hợp tác cùng địa phương trong việc quản lý và xử lý rác thải. Anh Đỗ Chí Thanh, cán bộ địa chính môi trường xã Dị Sử cho biết: “Ban đầu khi chúng tôi đặt vấn đề với các doanh nghiệp nhằm phối hợp thực hiện thu gom, xử lý rác thải tồn đọng tại khu vực trước cửa, trên đường vào một số doanh nghiệp nhưng hầu như không có doanh nghiệp nào ủng hộ. Tuy nhiên sau khi thấy các nỗ lực của chính quyền địa phương trong việc giải toả các đống rác thải tồn đọng không hiệu quả. Các đống rác thải cứ “vơi lại đầy”, trong khi ngân sách nhà nước không thể đủ để duy trì thu gom, xử lý. Và đặc biệt là ảnh hưởng của các đống rác thải này tới sản xuất, môi trường và hình ảnh của doanh nghiệp với các đối tác đầu tư, các doanh nghiệp đã “ngồi lại” với địa phương cùng tìm biện pháp khắc phục”.
Đã có 8 doanh nghiệp tham gia gồm: Công ty TNHH Việt Hưng Hưng Yên, Công ty cổ phần công nghiệp Hoàng Anh, Công ty TNHH đàu tư phát triển Ngân Sơn, Công ty sản xuất và thương mại Hà Lan, Công ty TNHH Thành Huy, Công ty TNHH VIEBA, Công ty cổ phần may và dịch vụ Hưng Long, Công ty cổ phần may và thương mại Mỹ Hưng. Trên cơ sở những buổi làm việc trực tiếp và các phương án đã thống nhất giữa địa phương và doanh nghiệp, từ năm 2010 đến nay, công tác giải toả các điểm tồn đọng rác thải trên địa bàn xã Dị Sử đã được triển khai. Doanh nghiệp bỏ kinh phí cùng với kinh phí hỗ trợ của huyện thực hiện việc thu gom và xử lý rác thải tồn đọng, trong khi xã chịu trách nhiệm trong việc huy động nhân lực thực hiện thu gom rác thải cũng như bỏ kinh phí và lao động để thuê đổ cát san lấp các khu vực từng là điểm tồn đọng rác để tạo mỹ quan. Sau khi giải toả xong các điểm tồn đọng rác thải cũng như làm sạch rác thải khu vực xung quanh doanh nghiệp, xã, huyện giao lại khu vực đất lưu không trước cửa doanh nghiệp để doanh nghiệp quản lý bằng việc xây dựng các barie hoặc trồng cây xanh. Các doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu gom, xử lý toàn bộ rác thải có trên địa phận được giao quản lý. Nếu có đối tượng đổ rác trộm tại khu vực này thì giữ lại người và tang vật để giao cho chính quyền xã xử lý theo qui định của pháp luật. Sau hơn 2 năm triển khai mô hình vận động doanh nghiệp phối hợp tham gia công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã đã thấy hiệu quả thiết thực. Tình trạng đổ rác bừa bãi không đúng nơi qui định cũng như để tồn đọng rác gây ô nhiễm môi trường, nhất là tại khu vực đường Quốc lộ 5 qua địa bàn xã đã hầu như không còn.
Khác với xã Dị Sử, mô hình vận động doanh nghiệp tham gia công tác bảo vệ môi trường ở xã Nhân Hoà lại thể hiện ở việc tạo điều kiện để doanh nghiệp và nhân dân đối thoại nhằm thực thi tốt hơn các chính sách về bảo vệ môi trường. Công ty cổ phần may và thương mại Mỹ Hưng, Công ty cổ phần thực phẩm Thiên Hương, Công ty TNHH thương mại Trần Hồng Quân và Trường THPT Hồng Đức nằm dọc Quốc lộ 5 trên địa phận xã Dị Sử với phía sau tường rào của doanh nghiệp là đất trồng lúa của nông dân thôn Lỗ Xá, xã Nhân Hoà. Theo thiết kế ban đầu thì toàn bộ nước thải, nước mưa chảy tràn của các doanh nghiệp này được đưa về hướng nam dọc theo địa phận đất của xã Dị Sử và ra hệ thống tiêu thoát nước chung của xã Dị Sử. Tuy nhiên qua quá trình sử dụng các kè, tường bị lún sụt, rò rỉ khiến nước thải của các đơn vị này xuôi theo hướng đất trồng lúa của nông dân mà chảy (khu vực đất cấy lúa của nông dân là khu vực đất trũng). Và như vậy là các ruộng lúa này thường xuyên phải tiếp nhận nước thải. Chính điều này đã gây ảnh hưởng tới sản xuất lúa của nông dân. Năm 2011, trước các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, chính quyền và cán bộ chuyên môn của xã đã xuống thôn bàn bạc lấy ý kiến của nhân dân. Sau khi thống nhất phương án, xã, huyện đã đứng ra làm trọng tài trong việc xử lý vấn đề xả thải nước của các đơn vị trên. Theo đó, thôn đồng ý để các đơn vị mượn khoảng 1 sào đất công ích vốn là đất mương máng để làm đường thoát nước cho các đơn vị. Các đơn vị bỏ kinh phí để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước dọc phía sau các đơn vị và nối với Trung thuỷ nông Nhân Hoà. Anh Đào Duy Tuy, trưởng thôn Lỗ Xá cho biết: “Xã, thôn đã tạo điều kiện cho các đơn vị mượn đất để xây dựng hệ thống thoát nước thải nhằm bảo đảm lợi ích của cả doanh nghiệp và người dân. Người dân được hưởng lợi từ việc tiêu thoát nước dễ dàng, tránh ngập úng cho lúa trong mùa mưa do có đường thoát nước to rộng cũng như không còn phải tiếp nhận nước thải của doanh nghiệp còn doanh nghiệp thì không phải chịu cảnh thỉnh thoảng lại có một tốp người tới trước cổng doanh nghiệp ý kiến, kiến nghị về vấn đề xả thải gây ảnh hưởng tới sản xuất và hình ảnh của doanh nghiệp, đơn vị và đỡ phải năm nào cũng lo đền hoa màu cho dân. Trong các năm 2009, 2010, các đơn vị này đã mấy lần phải đền hoa màu cho dân vì gây thiệt hại ảnh hưởng tới năng suất, chất lượng lúa”. Tổng kinh phí mà các đơn vị bở ra để đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước là gần 50 triệu đồng. Bên cạnh việc đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước chính quyền xã, huyện cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện việc xử lý nước thải của doanh nghiệp bảo đảm tiêu chuẩn trước khi thải ra hệ thống thoát nước theo qui định của pháp luật.
Tổng kinh phí mà các doanh nghiệp, đơn vị bỏ ra để phối hợp thực hiện công tác bảo vệ môi trường của 2 mô hình trên không phải là nhiều nhưng hiệu quả về môi trường đã được thấy rõ. Những khu vực vốn được xem là nóng về việc đổ đốt rác gây ô nhiễm môi trường tại Dị Sử hay việc nhân dân thường xuyên kéo lên xã, lên huyện phản ánh về vấn đề xả thải của doanh nghiệp ở Dị Sử gây ảnh hưởng tới sản xuất lúa của nông dân xã Nhân Hoà nay đã không còn nữa. Điều này không chỉ có tác động tích cực tới môi trường sinh thái, đời sống nhân dân mà còn thúc đẩy hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp.
Trong khi ở nơi này nơi kia trên địa bàn tỉnh vẫn còn xảy ra những xung đột giữa doanh nghiệp và người dân về vấn đề bảo vệ môi trường thì các mô hình vận động doanh nghiệp tham gia cùng cộng đồng trong bảo vệ môi trường ở Mỹ Hào rất cần đuợc phổ biến, nhân rộng. Chính quyền các địa phương cần có các chính sách để phát huy và huy động các nguồn đầu tư ngoài ngân sách cho các vấn đề bảo vệ môi trường ở địa phương để thực hiện tốt và có hiệu quả chủ trương xã hội hoá trong công tác bảo vệ môi trường. Có như vậy công tác bảo vệ môi trường mới được thực hiện thường xuyên, hiệu quả.