Góp ý dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi): Tổ chức Công đoàn cần được quyền chủ động trong bố trí, điều động cán bộ chuyên trách

Đăng ngày 07/04/2023
Lượt xem: 409
100%

Ngày 6/4/2023, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến cán bộ Công đoàn về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi). Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết: Việc xây dựng Luật Công đoàn (sửa đổi) nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự đổi mới, phát triển của Công đoàn Việt Nam, khẳng định Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội, là tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong tiến trình đổi mới đất nước.

Theo đó, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị cán bộ Công đoàn căn cứ trên thực tiễn hoạt động, cần chủ động trao đổi, phát huy tinh thần dân chủ, thẳng thắn chỉ ra những bất cập hiện nay. Đặc biệt cần chú ý đến một số vấn đề, như: Xác lập vị trí, vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh mới; tổ chức bộ máy của Công đoàn; công tác tài chính Công đoàn; vấn đề tổ chức giám sát…

 

Tổ chức Công đoàn cần được quyền chủ động trong bố trí, điều động cán bộ chuyên trách

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại Hội thảo.

Báo cáo một số nội dung cơ bản trong hồ sơ đề nghị Luật Công đoàn (sửa đổi), ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết: Luật Công đoàn số 12/2012/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 20/6/2012 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2013.

Luật Công đoàn là cơ sở pháp lý quan trọng về tổ chức và hoạt động công đoàn thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội của đất nước trong những năm qua. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đã xuất hiện các yêu cầu đòi hỏi phải sửa đổi toàn diện Luật Công đoàn.

Tại Hội thảo, cán bộ Công đoàn các tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn Tổng Công ty đã tham gia thảo luận về: Hoàn thiện quy định về tổ chức bộ máy Công đoàn, cơ chế quản lý cán bộ Công đoàn và tăng cường vai trò của Công đoàn Việt Nam trong bối cảnh có nhiều tổ chức đại diện người lao động; hoàn thiện cơ chế tài chính Công đoàn trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh đó, cán bộ Công đoàn cũng thảo luận, góp ý hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn để phù hợp với Hiến pháp và hệ thống pháp luật, nhất là Bộ luật Lao động 2019.

Góp ý vào dự thảo Luật, cụ thể về chương Những bảo đảm hoạt động của Công đoàn, bà Nguyễn Thị Thúy Hà - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, Luật Công đoàn cần bảo đảm về công tác tổ chức cán bộ, bởi đây là vấn đề quan trọng, quyết định các hoạt động của tổ chức Công đoàn.

Nhất trí với dự thảo Luật, đó là cơ quan có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ Công đoàn và cán bộ, công chức, viên chức là Tổng LĐLĐ Việt Nam, bà Hà đề xuất: Tổng LĐLĐ Việt Nam nên quản lý cả về quỹ lương, cả về công tác tổ chức của cả hệ thống Công đoàn. Lý giải thêm về điều này, bà Hà cho rằng, việc này sẽ thuận lợi khi trường hợp Tổng LĐLĐ Việt Nam muốn đưa cán bộ nguồn luân chuyển đi cơ sở; cũng như Công đoàn cấp tỉnh cũng sẽ thuận lợi trong việc luân chuyển cán bộ Công đoàn từ tỉnh xuống huyện và ngược lại.

"Việc quản lý trực tiếp và xuyên suốt về công tác cán bộ cũng sẽ thuận lợi hơn cho tổ chức Công đoàn trong việc tổ chức thi tuyển công chức. Bởi khi Tổng LĐLĐ Việt Nam quản lý toàn diện việc này, sẽ biết được địa phương nào, ngành nào đang thiếu cán bộ, cần bổ sung cán bộ Công đoàn chuyên trách cho mảng hoạt động nào, từ đó sẽ tổ chức thi tuyển sát hơn với nhu cầu, thay vì tổ chức thi tuyển chung chung cho khối Đảng, đoàn thể như hiện nay ở các địa phương vẫn thực hiện", bà Hà phân tích.

Đồng thuận với góp ý trên, ông Nguyễn Tấn Sơn - Trưởng ban Chính sách pháp luật và quan hệ lao động LĐLĐ tỉnh Thái Nguyên cho rằng, việc bảo đảm cho các hoạt động của Công đoàn nằm ở công tác cán bộ, do đó cần có quy định tổ chức Công đoàn được quyền chủ động quyết định bố trí số lượng cán bộ chuyên trách phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của tổ chức trong tình hình mới.

Bàn về vấn đề này, ông Vũ Trường Sơn - Phó Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam đề nghị, cần quy định rõ hơn về cán bộ Công đoàn chuyên trách, từ đó có cơ chế đặc thù, linh hoạt để tăng tính chủ động cho tổ chức Công đoàn trong việc tuyển dụng, bố trí, sử dụng cán bộ Công đoàn chuyên trách trong điều kiện số lượng Công đoàn cơ sở, đoàn viên mỗi năm đều tăng nhanh, trong khi đó việc tuyển dụng cán bộ Công đoàn chuyên trách thông qua thi tuyển hằng năm rất hạn chế.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu; đồng thời đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để góp ý sâu, sát hơn nữa, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức, hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.

( Theo Báo Lao động Thủ đô https://laodongthudo.vn/to-chuc-cong-doan-can-duoc-quyen-chu-dong-trong-bo-tri-dieu-dong-can-bo-chuyen-trach-154312.html )