Điện Biên Phủ - trận đánh lẫy lừng qua ngòi bút của giới phân tích phương Tây

Đăng ngày 06/05/2014
Lượt xem: 106084
100%

Đánh chiếm trung tâm phòng ngự Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ (7-5-1954)
Cuộc chiến của hậu cần
 
Nhà sử học người Pháp, Đại tá Jules Roy – tác giả cuốn "Trận đánh Điện Biên Phủ” từng mô tả Điện Biên Phủ như một "sự sắp đặt mà trong đó phương Tây phải hứng chịu một trong những thảm họa lớn nhất trong lịch sử”. Trong tác phẩm của mình, ông cũng đưa ra nhận định rằng người Pháp thất bại do không có ý định rõ ràng, phớt lờ các giả thuyết chiến tranh, quá phụ thuộc vào không lực trong khi lại đánh giá thấp đối thủ của họ.
 
Khi Thủ tướng Pháp thời bấy giờ - Rene Mayer lựa chọn Tướng Henri Navarre trở thành Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương, ông đã chỉ đạo Navarre kiến tạo một viễn cảnh quân sự ở Đông Dương mà có thể mang lại sự ủng hộ về mặt chính trị cho cuộc chiến tại đây. Navarre đã nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình ở Đông Dương và kết luận rằng, mối đe dọa lớn nhất đối với nhiệm vụ của ông chính là ở miền Bắc Việt Nam. 
 
Để thực hiện chiến lược này, Navarre đã vạch ra một bản kế hoạch mang tên mình, được Mỹ - một đồng minh chiến lược và cũng là nhà tài chợ chính cho cuộc chiến ủng hộ, Navarre đã nhắc đến Điện Biên Phủ như một điểm chốt để ngăn chặn quân đội Việt Nam di chuyển sang Lào, cùng lúc cũng là cái bẫy dụ đối phương đến tiêu diệt lực lượng chủ lực. Thế nhưng, chỉ không đầy 8 tuần sau kể từ ngày bộ đội Việt Nam bắt đầu nổ súng (13-3-1954) thì Điện Biên Phủ đã trở thành địa ngục của đạo quân đồn trú, rồi lan thành nỗi kinh hoàng của nước Pháp và trở thành một địa danh được nhắc đến hàng ngày trên các bản tin thời sự quốc tế…
 
Patrick Jennings - tác giả cuốn "Những trận đánh trong chiến tranh Việt Nam” xuất bản năm 1985, đã gọi cuộc chiến ở Điện Biên Phủ "không phải là cuộc chiến của con người và vũ khí mà chính là vấn đề hậu cần”. Mặc dù mục tiêu chính của quân đội Pháp là bảo vệ vững chắc thành trì của họ, nhưng rõ ràng là không lực của họ không phải là nguồn cung cấp vững chắc. 
Trong khi đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ đã chuẩn bị một trong những công tác hậu cần kỳ lạ nhất trong lịch sử. Một đạo quân gồm hàng trăm nghìn người đến Điện Biên Phủ vận chuyển lương thực đạn dược trên các chiếc xe đạp, hoặc trên vai mỗi ngày đi 20 dặm, mỗi đêm 50 dặm. Súng lớn được kéo lên từng tấc một qua những dốc đá thẳng đứng vào công sự ngầm nhìn xuống thung lũng. Từng đoàn xe tải lăn bánh dưới lá ngụy trang kéo dài hàng dặm, hoặc đi ban đêm. Trong khi, các máy bay trinh sát của Pháp lại không thấy gì cả.
 
Thiên tài quân sự của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong những kế hoạch chuyển quân, vận chuyển các vũ khí nặng, lợi dụng các cao điểm xung quanh thung lũng Điện Biên Phủ…đã dẫn đến một trong những chiến thắng lẫy lừng nhất trong lịch sử quân sử thế giới.
 
 
Cuốn "Trận đánh Điện Biên Phủ” của tác giả Jules Roy
 
Ghi danh trong lịch sử quân sự thế giới
 
Kể từ ngày 7-5-1954, Điện Biên Phủ trở thành một cột mốc lịch sử mang ý nghĩa thời đại. Trận đánh có một ý nghĩa mang tầm vóc quốc tế và ý nghĩa lịch sử: lần đầu tiên quân đội của một nước thuộc địa châu Á đánh thắng bằng quân sự một quân đội của một cường quốc châu Âu. Trận Điện Biên Phủ đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương, các khu vực thuộc địa ở Châu Phi của Pháp và buộc nước này rút khỏi Đông Dương. Đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả quyền độc lập cho tất cả các nước là thuộc địa của Pháp.
 
Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng cho riêng người Việt Nam mà ảnh hưởng của chiến thắng này vang dội trên khắp thế giới. Đã có rất nhiều nhà phân tích, nhà văn, các tay viết gạo cội viết về trận đánh này. Nhà sử học Pháp Jean Chesnaux đã từng đánh giá Điện Biên Phủ chẳng khác gì chiến thắng của nước Nhật trước nước Nga ở eo biển Tushima năm 1905, đã thức tỉnh cả châu Á đang là thuộc địa của châu Âu hồi đầu thế kỷ XX. 
 
Trong cuốn "Điện Biên Phủ - Cuộc bao vây làm thay đổi thế giới”, nhà văn Ric-hard Worth nhận định: "Điện Biên Phủ là nơi mà hồi chuông báo tử đã vang lên cho chủ nghĩa thực dân của Pháp ở Á Châu, và là nơi mà màn mở đầu đã được viết lên cho sự nhục nhã của lực lượng quân sự mạnh nhất trên thế giới (Mỹ)”. Trong khi, Mark Baker - phóng viên tờ Sydney Morning Herald cho rằng: "Ngày 7-5-1954, lực lượng Việt Nam đánh bại những thực dân Pháp ở Điện Biên Phủ. Đó là một trận đánh làm thay đổi bộ mặt chính trị của thế giới và đặt khung cảnh cho cuộc chiến Việt Nam (chống Mỹ)”.
 
Điện Biên Phủ đã trở thành một biểu tượng của Đông phương đánh bại Tây phương. Chiến bại của Pháp cho thấy sự thảm bại của cả Pháp và Mỹ, bởi Mỹ cho đến năm 1954, đã cung cấp 80% chiến phí cho đội quân viễn chinh của Pháp ở Đông Dương.
 
Trong tờ Les Collections de L’Histoire: Indochine Vietnam, xuất bản năm 2004, tác giả Jean Lacouture có bài viết nhan đề "Cuộc thảm bại Điện Biên Phủ” nói rằng, Điện Biên Phủ không chỉ là một thảm bại của người châu Á giáng lên người châu Âu, của Cộng sản trên những hệ thống chính trị được gọi là "phương Tây”. Người Việt Nam đã khẳng định giá trị quân sự của họ cũng như khả năng kỹ thuật để có thể sử dụng những vũ khí tối tân nhất.
 
Chiến thắng của một dân tộc
 
Nhận định về sự kiện lịch sử này, Giáo sư Mortimer T. Chohen trong cuốn "F-rom Prologue to Epilogue in Vietnam” xuất bản năm 1979, đã đề cao tinh thần dân tộc và truyền thống đánh giặc ngoại xâm của người Việt Nam: "Điện Biên Phủ là sự diễn đạt tinh thần quốc gia và sự hãnh diện của người Việt về một biến cố mạnh nhất trong dòng lịch sử của họ. Có một đứa trẻ nào ở trong làng mà không biết đến những chiến thắng đối với Trung Hoa và Mông Cổ - hai lực lượng quân sự mạnh nhất ở Á Châu? Những biến cố này và cuộc tranh đấu ngàn năm chống ngoại xâm đã được lồng vào trong văn học, ca nhạc và châm ngôn của họ. Đối với người Việt, Điện Biên Phủ là một trận chiến khác, trong đó họ đã đánh bại quân xâm lược. Và hầu hết mọi người, bất kể là thuộc tôn giáo, tầng lớp xã hội nào, hoặc phục vụ cho quân đội Pháp đều hãnh diện vì nó”.
 
Nhà sử học Pháp Jules Roy từng kể lại về việc giới cầm quyền Pháp đã làm một việc không dễ dàng: Mấy chục năm sau sự kiện Điện Biên Phủ, Tổng thống Mitterand đã đến tận Điện Biên Phủ và đã nhận sự sai lầm của chính phủ Pháp trước kia. Ngay cả De Castries, bại tuớng chỉ huy Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ sau này khi trở về Pháp điều trần cũng rút ra bài học: "Người ta có thể đánh thắng một đạo quân chứ không thể đánh thắng một dân tộc”.
Theo Đại đoàn kết