Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Đăng ngày 03/03/2014
Lượt xem: 121342
100%
Hai Bà Trưng (chị Trưng Trắc- em Trưng Nhị) là con gái Lạc tướng Mê Linh, thuộc dòng dõi Hùng Vương- thành phần quý tộc Lạc Việt. Trưng Trắc là người rất “hùng dũng”, “có can đảm dũng lược”. Chồng bà là Thi Sách- con trai lạc tướng đất Chu Diên. Hai dòng họ đang cùng mưu toan việc lớn- đem lại nghiệp xưa họ Hùng- thì Thi Sách, chồng Trưng Trắc, bị viên Thái thú nhà Hán là Tô Định giết hại. Nợ nước thù nhà, trước sự bóc lột tàn ác của chính quyền đô hộ, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị đứng lên phất cờ khởi nghĩa vào mùa xuân năm canh tý (năm 40 đầu Công nguyên).
Dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng, cuộc khởi nghĩa trong cả nước đã thống nhất thành phong trào rộng lớn của quần chúng ở khắp nơi. Chính quyền đô hộ tan rã, sụp đổ nhanh chóng trước sự tiến công mạnh mẽ của quần chúng. Chỉ trong một thời gian ngắn, dưới lá cờ chính nghĩa của Hai Bà, 65 huyện thành (gồm toàn bộ lãnh thổ nước ta khi đó) đã được thu phục. Nền độc lập dân tộc được phục hồi, Trưng Trắc được suy tôn làm vua- Trưng Nữ Vương- đóng đô ở Mê Linh. Nhưng chẳng được bao lâu, quân của Trưng Vương đã thua trận sau cuộc chiến đấu anh dũng gần một năm trời với quân của Mã Viện, do vua nhà Hán cử sang. Hai Bà Trưng về Hát Môn rồi reo mình xuống sông Hát tự vẫn.
Sau ba năm xưng Vương ngắn ngủi của Trưng Trắc, đất nước và nhân dân ta lại bị phong kiến phương Bắc đô hộ trở lại, nhưng tiếng vang của cuộc khởi nghĩa đời đời bất diệt. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng không những biểu thị tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam, mà còn khẳng định khả năng hết sức lớn lao của phụ nữ Việt Nam trong lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước. Ngày nay, cứ mỗi mùa xuân đến, các thế hệ phụ nữ chúng ta kỷ niệm chiến công và sự hy sinh lẫm liệt của hai Bà Trưng cùng các nữ tướng cách đây 1974 năm./.

Tin liên quan: