Công tác thông tin, báo cáo trong hệ thống tổ chức công đoàn tỉnh Hưng Yên
Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đội ngũ CNVCLĐ Hưng Yên đã có sự phát triển nhanh về số lượng và chất lượng, toàn tỉnh hiện có gần 10 vạn CNVCLĐ trong đó có 72.971 đoàn viên công đoàn sinh hoạt trong 1.148 công đoàn cơ sở được phân bố đa dạng giữa các ngành nghề, các thành phần kinh tế. Số lượng CNVCLĐ và đoàn viên công đoàn ngày càng tăng nhanh, do đó công tác tổ chức và chỉ đạo hoạt động của các cấp công đoàn gặp nhiều khó khăn ảnh hưởng đến kết quả hoạt động chung. Từ đặc điểm tình hình trên một trong những công tác giúp Ban Chấp hành, Thường trực LĐLĐ tỉnh có những chỉ đạo kịp thời hiệu quả hoạt động công đoàn, phong trào CNVCLĐ đó là công tác thông tin, báo cáo.
Thực hiện Nghị quyết của BCH Liên đoàn Lao động tỉnh, việc thực hiện chế độ báo cáo định kỳ (tháng, 6 tháng, năm), báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất có nhiều tiến bộ, thông tin hai chiều được tăng cường, số lượng và chất lượng báo cáo tăng lên hàng năm. Nội dung thông tin báo cáo của các cấp công đoàn ngày càng có chất lượng, kịp thời phản ánh tương đối đầy đủ tình hình CNVCLĐ, hoạt động công đoàn ở địa phương, ngành, cơ sở, đã tập hợp được nhiều ý kiến kiến nghị của công nhân, viên chức, lao động, hoạt động công đoàn. Các thông tin, báo cáo đột xuất đã kịp thời phản ánh những nội dung, vấn đề phát sinh ở cơ sở cần có sự chỉ đạo kịp thời của Công đoàn cấp trên, nhất là một số huyện hay xẩy ra tranh chấp lao động, tai nạn lao động. Qua những thông tin, báo cáo gửi về LĐLĐ tỉnh nắm được kết quả thực hiện Nghị quyết của công đoàn, việc chấp hành và thực hiện các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; Là cơ sở để đánh giá tình hình CNVCLĐ và hoạt động công đoàn từ đó xây dựng các nội dung Nghị quyết lãnh đạo kịp thời, phù hợp với tình hình thực tế đồng thời tham gia, phản ánh, kiến nghị với Tỉnh ủy, UBND, Tổng Liên đoàn những vấn đề cần quan tâm chăm lo vật chất, tinh thần, đảm bảo chế độ lao động cho CNVCLĐ. Trên thực tế số lượng các loại báo cáo định kỳ của các LĐLĐ huyện, thành phố, Công đoàn ngành theo quy định là 12 báo cáo, trong đó 10 báo cáo tháng, 01 báo cáo 6 tháng, 01 báo cáo năm. Qua thống kê của Văn phòng, số lượng báo cáo trong những năm qua đạt khoảng 98%, trong đó báo cáo tháng đạt 95%, báo cáo 6 tháng và báo cáo 01 năm đạt 97,5%, đối với báo cáo thống kê gửi kèm theo báo cáo 6 tháng và báo cáo 01 năm đạt 85%, các loại báo cáo chuyên đề và báo cáo đột xuất cũng chưa đầy đủ.
Báo cáo của một số công đoàn cấp trên cơ sở gửi chậm hoặc có đơn vị không gửi, báo cáo còn mang tính hành chính, nội dung chung chung, thiếu số liệu chứng minh và số liệu chưa chính xác; chưa đi sâu phân tích, chưa phản ánh đầy đủ, thực chất tình hình cơ sở. Việc trao đổi thông tin phối hợp giữa các huyện, ngành, đơn vị ít, hạn chế hiệu quả phối hợp chỉ đạo hoạt động công đoàn. Phần lớn công đoàn cơ sở khu vực kinh tế ngoài Nhà nước, có vốn đầu tư nước ngoài không có báo cáo… Từ đó gây khó khăn cho công tác tổng hợp và không đánh giá đúng được tính hình công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn.
Cùng với việc tổ chức thực hiện các hoạt động phong trào CNVCLĐ, các cấp công đoàn trong tỉnh cần phải quan tâm hơn nữa công tác thông tin, báo cáo; Tiếp tục quán triệt thực hiện Chỉ thị số 02/CT-ĐCT ngày 02 tháng 8 năm 2010 của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thông tin, báo cáo trong hệ thống tổ chức Công đoàn”; Trước hết Ban Chấp hành Công đoàn các cấp phải nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác thông tin, báo cáo, trách nhiệm trong việc thực hiện quy định của LĐLĐ tỉnh, của Tổng Liên đoàn, nghiêm túc thực hiện chế báo cáo định kỳ với công đoàn cấp trên, từng bước đưa công tác này vào nề nếp và đạt chất lượng ngày càng cao. Đối với công đoàn cấp trên cơ sở cần phân công cụ thể cán bộ thực hiện nhiệm vụ công tác thông tin, báo cáo. Đối với cấp cơ sở, Chủ tịch CĐCS phải chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện công tác thông tin, báo cáo theo quy định và hướng dẫn của công đoàn cấp trên. Thực hiện thống nhất các quy định về mẫu biểu, nội dung thống kê số liệu phù hợp và hướng dẫn thực hiện; chú trọng đảm bảo thông tin, báo cáo khách quan, trung thực, kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động từ cơ sở. Tăng cường chỉ đạo cùng với việc đầu tư thiết bị, đầu tư cán bộ chuyên môn làm công tác thông tin để giúp lãnh đạo; thực hiện đúng chế độ thông tin, báo cáo với cấp trên, truyền đạt sự chỉ đạo xuống cấp dưới. Mở rộng việc sử dụng Internet để trao đổi thông tin, báo cáo giữa các cấp công đoàn. Gắn công tác thông tin, báo cáo với các chế độ khen thưởng và kỷ lụât của các cấp công đoàn. Thực hiện tốt công tác thông tin, báo cáo của các cấp công đoàn trong tỉnh sẽ góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh, Công đoàn các cấp đối với phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tổ chức công đoàn tỉnh Hưng Yên trong tình hình mới, cùng với tỉnh nhà hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng đổi mới đất nước.