Công đoàn ngành giáo dục và đào tạo với việc tổ chức thực hiện cuộc vận động "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo"

Đăng ngày 26/02/2014
Lượt xem: 39118
100%
Đối với ngành GD&ĐT, Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư nhận định “Những năm qua, chúng ta đã xây dựng được đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục ngày càng đông đảo, phần lớn có phẩm chất đạo đức và ý thức chính trị tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ ngày càng nâng cao. Đội ngũ đã đáp ứng quan trọng yêu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của đất nước”. Về một số tồn tại, hạn chế, Chỉ thị cũng nêu rõ: “Một bộ phận nhà giáo thiếu gương mẫu trong đạo đức, lối sống, nhân cách, chưa làm gương tốt cho học sinh, sinh viên. Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục”. Xuất phát từ nhận định trên và căn cứ vào đặc điểm của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, ngày 01/11/2006, Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục Việt Nam ra Nghị quyết số 422/NQ-CĐN, về phát động cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trong toàn ngành từ năm học 2007-2008. Ngày 13/8/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra Chỉ thị số 47/CT-BGDĐT “Về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp năm học 2008 2009”, xác định tổ chức thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành và trở thành một trong những tiêu chí thi đua của ngành giáo dục ở các đơn vị, nhà trường. Ngày 20/8/2008 Ban Thường vụ Công đoàn ngành GD&ĐT tỉnh Hưng Yên  ra Kế hoạch số 53/KH-CĐN triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đến tất cả các tổ chức Công đoàn giáo dục trong toàn tỉnh; Cuộc vận động đã nhanh chóng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và lao động trong ngành tích cực hưởng ứng và tổ chức thực hiện. Sau 3 năm triển khai thực hiện, cuộc vận động đã đạt được một số kết quả bước đầu rất quan trọng, làm tiền đề cho việc triển khai cuộc vận động ở những năm tiếp theo. Ngay từ những ngày đầu triển khai cuộc vận động, công tác tuyên truyền cho cuộc vận động được triển khai mạnh mẽ, nhiều trường học đã chuyển tiêu đề cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” thành khẩu hiệu hành động, được trang trí trang trọng ở phòng họp hoặc ở vị trí thường xuyên có đội ngũ nhà giáo và học sinh qua lại để nhắc nhở mỗi nhà giáo luôn luôn thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Việc triển khai thực hiện cuộc vận động được lồng ghép với các cuộc vận động lớn trong ngành, đặc biệt là cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, nhiệm vụ trọng tâm năm học, thực hiện phong trào thi đua Dạy tốt - Học tốt, cuộc vận động “Hai không”; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” v.v… 
Qua 3 năm thực hiện, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức và trách nhiệm trong các hoạt động dạy và học, trong coi thi, chấm thi, trong đấu tranh với các tiêu
cực học đường và thực hiện nghĩa vụ công dân. Tinh thần đoàn kết, yêu ngành, yêu nghề, giúp đỡ đồng nghiệp, thương yêu học sinh, sinh viên và người học. Ý thức khắc phục khó khăn đi học và tự học để chuẩn hoá trình độ chuyên môn, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ…Cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã góp phần xây dựng đội ngũ nhà giáo lớn mạnh. Đến năm học 2009  2010, tỷ lệ đảng viên trong đội ngũ nhà giáo toàn ngành đạt 39,9%, hàng năm có gần 400 đảng viên mới được kết nạp. Đội ngũ nhà giáo và lao động toàn ngành có 14.932 người, trong đó giáo viên trực tiếp giảng dạy có 12.426 người. Chất lượng đội ngũ nhà giáo được nâng lên cả về trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học. Đến nay giáo viên Mầm non đạt chuẩn  trở lên: 91,5% (trên
chuẩn: 28,8%); giáo viên Tiểu học đạt chuẩn trở lên: 100% (trên chuẩn; 62,3%); giáo viên THCS đạt chuẩn trở lên: 100% (trên chuẩn: 30,52%); giáo viên THPT đạt chuẩn trở lên: 100% (trên chuẩn: 9,33%).Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo
là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” vẫn còn những hạn chế và bất cập. chưa chú ý đầy đủ cả ba nội dung của cuộc vận động “đạo đức, tự học, sáng tạo”. Một số trường học và đơn vị giáo dục triển khai vẫn còn mang tính hình thức, chưa có các giải pháp làm cho cuộc vận động thấm sâu vào trong mỗi nhà giáo. Những kết quả bước đầu đã đạt được và một số hạn chế là cơ sở thực tiễn đòi hỏi chúng ta tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động. Để tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục về ý thức tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; sáng tạo trong các hoạt động giáo dục và quản lý giáo dục; đẩy lùi các tiêu cực trong ngành, nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần đổi mới mạnh mẽ sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Công đoàn giáo dục các cấp cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền đồng cấp, đặc biệt là công đoàn cơ sở trường học tổ chức thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau đây: 
Một là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, toạ đàm, hội thảo về những
phẩm chất đạo đức nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học, nhận thức đúng vai trò, vị trí của cuộc vận động. Công tác này cần tiến hành thường xuyên, BCH công đoàn phối hợp với Ban giám hiệu nhà trường tổ chức tốt các buổi sinh hoạt, toạ đàm, hội thảo trong đội ngũ nhà giáo. Mỗi trường học đều có khẩu hiệu “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” trang trí ở vị trí trang trọng của đơn vị, làm cho cán bộ, giáo viên và lao động trong trường thường xuyên nhận thức đúng vai trò, vị trí cuộc vận động và quyết tâm thực hiện hiệu quả cuộc vận động. 
Hai là: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động một cách khoa học, phù hợp với thực tiễn của nhà trường và đơn vị; hàng năm, căn cứ vào chương trình, nhiệm vụ của năm học, điều kiện cụ thể của địa phương, nhà trường và đơn vị, Ban chỉ đạo cuộc vận động ở mỗi trường học, đơn vị giúp thủ trưởng đơn vị và Hiệu trưởng nhà trường xây dựng một kế hoạch chi tiết, cụ thể, có nội dung trọng tâm, trọng điểm, phân công nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức và cá nhân trong trường, đơn vị để tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch
cuộc vận động. 
Ba là: Tổ chức cuộc vận động gắn liền với đẩy mạnh phong trào thi đua
yêu nước, dạy tốt - học tốt và lồng ghép với các cuộc vận động khác đang triển khai trong nhà trường và đơn vị: Công đoàn phối hợp với chính quyền cụ thể hoá phong trào 
 
thi đua Dạy tốt - Học tốt, phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” và các cuộc vận động khác, cùng với nội dung đạo đức, tự học và sáng tạo thành những tiêu chí cụ thể, thiết thực phù hợp với đơn vị mình để chỉ đạo thực hiện. 
Bốn là: Tăng cường công tác kiểm tra việc tổ chức thực hiện cuộc vận động: Thông qua kiểm tra kịp thời phát hiện những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt, uốn nắn những hạn chế, yếu kém, thiếu sót. Đồng thời có cơ chế động viên sự tự kiểm tra, giám sát của đội ngũ nhà giáo, lao động và học sinh, để cuộc vận động thực sự phát triển sâu rộng. Cần coi trọng công tác tự kiểm tra là chính. Các công đoàn cơ sở cần bám sát hướng dẫn số 11/HD-CĐN ngày 08/02/2010 của Ban Thường vụ Công đoàn ngành GD&ĐT tỉnh về việc đánh giá kết quả thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; hàng năm, tổ chức công đoàn phối hợp với Ban giám hiệu  nhà trường tiến hành sơ, tổng kết cuộc vận động, kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, nhân rộng các điển hình tiên tiến và  đề ra các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém
Năm là: Lãnh đạo đơn vị, nhà trường và đội ngũ cán bộ công đoàn gương mẫu thực hiện cuộc vận động: Hiệu trưởng và lãnh đạo nhà trường, cán bộ lãnh đạo đơn vị, cán bộ công đoàn (từ tổ phó công đoàn trở lên) phải thực sự gương mẫu trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp, thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm và sáng tạo trong công tác  quản lý nhà trường và hoạt động chuyên môn./.