Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Tổ chức Hội nghị trực tuyến các Nhà Văn hóa Lao động trực thuộc LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương

Đăng ngày 11/05/2021
Lượt xem: 9380
100%

                                         Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến đầu cầu Hà Nội

Tham dự Hội nghị có các đồng chí Vũ Anh Đức - Ủy viên ĐCT, Trưởng ban Tổ chức; Nguyễn Minh Dũng - Ủy viên ĐCT,  Trưởng Ban Tài chính; Nguyễn Văn Toản - Phó Chánh Văn phòng; Vũ Thị Giáng Hương - quyền Trưởng ban Tuyên giáo Tổng Liên đoàn và 35 đồng chí là Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh, thành phố, công đoàn ngành trung ương phụ trách Nhà Văn hóa Lao động; các đồng chí Giám đốc, Phó Giám đốc các Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, thành phố, các Nhà Văn hóa công nhân, trung tâm Văn hóa công nhân các khu công nghiệp.

                                    Toàn cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Hưng Yên

Tại điểm cầu của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Hưng Yên, đồng chí Chu Ngọc Hoa Liễu - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh tham dự, cùng dự có đồng chí Giám đốc Nhà Văn hóa Lao động tỉnh, các đồng chí đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo - Nữ công, Văn phòng LĐLĐ tỉnh.

Hội nghị nhằm đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, tổ chức bộ máy, hoạt động, tài chính tài sản và trao đổi phương án sắp xếp, tổ chức lại NVHLĐ của tổ chức Công đoàn. Đồng chí Vũ Thị Giáng Hương - quyền Trưởng Ban Tuyên giáo Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay, hệ thống Công đoàn có 30 cung văn hóa lao động, nhà văn hóa lao động cấp tỉnh, 5 trung tâm nhà văn hóa công nhân khu công nghiệp, 17 nhà văn hóa lao động quận, huyện của LĐLĐ TP Hồ Chí Minh.

Các NVHLĐ đã thực hiện Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà Văn hóa Lao động là tổ chức phục vụ các sự kiện của tổ chức Công đoàn như hội nghị, mít tinh kỷ niệm, các hoạt động tuyên truyền nhân Tháng Công nhân, Tết Sum vầy, Ngày hội Công nhân, Phiên chợ nghĩa tình; tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao phục vụ đoàn viên, CNVCLĐ; bồi dưỡng hạt nhân cho cơ sở; tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao phục vụ CNLĐ tại khu công nghiệp; tổ chức các đội nhóm, các câu lạc bộ sở thích, các lớp bồi dưỡng năng khiếu phục vụ đoàn viên, CNVCLĐ. Đồng thời, thực hiện hoạt động có thu không trái với quy định của Nhà nước và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Nhà Văn hóa Lao động… để bổ sung kinh phí hoạt động, đầu tư cơ sở vật chất và dành một phần chăm lo đời sống cho cán bộ, công nhân viên…

Tuy nhiên, vẫn còn nột số NVHLĐ hoạt động chưa hiệu quả nên tỷ lệ CNVCLĐ tham gia sinh hoạt thường xuyên tại NVHLĐ thấp hơn so với các thành phần khác, CNVCLĐ tham gia câu lạc bộ sở thích đạt 22%, tham gia các lớp học năng khiếu, kiến thức, kỹ năng đạt 33%.

Trao đổi tại Hội nghị, đại diện các NVHLĐ bày tỏ mong muốn được tiếp tục phát triển để trở thành trung tâm hoạt động, tổ chức sự kiện văn hóa tinh thần, sinh hoạt chính trị, pháp luật cho CNVCLĐ bằng hình thức văn hóa, bồi dưỡng nâng cao kiến thức về văn hóa, là nơi để CNVCLĐ hưởng thụ và sáng tạo văn hóa. Tuy nhiên, để thực hiện được thì cần có sự hỗ trợ từ phía LĐLĐ tỉnh, thành phố và Tổng LĐLĐ Việt Nam.

Phát biểu kết luận, đồng chí Trần Thanh Hải - Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các NVHLĐ cần nhìn rõ nguyên nhân hoạt động chưa hiệu quả để khắc phục và xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm. Cùng với đó là đổi mới phương thức, đa dạng hoạt động, tìm ra hoạt động đặc trưng, mũi nhọn để thu hút CNVCLĐ, đáp ứng yêu cầu phục vụ tổ chức công đoàn và đảm bảo tự chủ về tài chính.

                                                                                                   Th/h: Minh Quang