Công đoàn tham gia giải quyết tranh chấp lao động ngừng việc tập thể, đình công

Đăng ngày 23/08/2013
Lượt xem: 425586
100%
Theo thống kê chưa đầy đủ từ năm 2002 toàn tỉnh có khoảng trên 30 cuộc đình công của tập thể người lao động , đã được công đoàn cấp trên cơ sở tham gia giải quyết trực tiếp trong đó: 18 cuộc ở doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, 2 doanh nghiệp nhà nước khi chuyển sang cổ phần hoá, còn lại là khu vực ngoài nhà nước trong đó có 18 doanh nghiệp may, da giầy, 14 doanh nghiệp của Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc. Ngoài ra 20 cuộc phản ứng lao động tập thể đã được các công đoàn cơ sở thương lượng, hòa giải thành công. 
Các cuộc tranh chấp lao động tập thể dẫn tới đình công những năm gần đây thường xảy ra nhiều hơn, qui mô lớn hơn, có cuộc đến vài nghìn người, tham gia dài ngày, mang tính dây chuyền và thường xảy ra ở các doanh nghiệp may mặc xuất khẩu, da giày, điện, điện tử. Từ các cuộc tranh chấp lao động tập thể, đình công đang đặt ra trọng trách cho các cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương, tổ chức Công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động sao cho ổn định, hài hòa mối quan hệ giữa người lao động với người sử dụng lao động.         
Nguyên nhân dẫn đến phản ứng, ngừng việc lao động tập thể chủ yếu do người sử dụng lao động vi phạm các quy định pháp luật về lao động  ( chủ yếu về quyền của người lao động ), ngoài ra còn vi phạm về lợi ích của người lao động : Thời gian làm thêm giờ, tăng ca khá phổ biến trong ngày, tuần, tháng. Tính bình quân một doanh nghiệp may, da giày thường tăng từ 2 đến 3 giờ/ ngày ,1 tháng người lao động thường chỉ được nghỉ 1- 2 ngày chủ nhật. Trong khi đó tiền lương trung bình của người lao động ngành may, da giày chỉ đạt 1,4- 1,6 triệu đồng /người/ tháng. Hầu hết các cuộc đình công xảy ra trên địa bàn tỉnh chủ yếu ở những doanh nghiệp chưa ký hợp đồng lao động với đa số người lao động , điều kiện lao động không đảm bảo, lương thấp, chưa thành lập tổ chức Công đoàn, hoặc đã thành lập tổ chức Công đoàn nhưng hoạt động yếu, mờ nhạt; xây dựng thỏa ước lao động tập thể chỉ là hình thức, mang tính chất đối phó, hoạt động không có hiệu quả.
Việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động không đầy đủ như: Đóng Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; Vi phạm các quy định về hợp đồng lao động, an toàn vệ sinh lao động; Khám sức khỏe định kỳ hàng năm; tập huấn định kỳ cho người lao động, trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân, bữa ăn ca, giữa ca không đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm,… chế độ nâng lương, bậc hàng năm không thực hiện, có công nhân lao động trong ngành may, da giày đã làm việc từ 5-7 năm không được nâng lương, nâng bậc … Một số phản ứng lao động tập thể ngừng việc và đình công còn có nguyên nhân người lao động bị người sử dụng lao động xúc phạm danh dự, nhân phẩm, hoặc bị kích động … Bên cạnh đó có nguyên nhân chủ quan, một bộ phận người lao động trình độ chuyên môn, tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhận thức về pháp luật, chính sách còn hạn chế, chưa hình thành tác phong công nghiệp trong lao động, sản xuất. Quá trình giải quyết các vụ tranh chấp lao động tập thể trên địa bàn tỉnh thời gian qua, hầu hết được giải quyết tương đối ổn thỏa, nhanh chóng trên cơ sở hòa giải , thương lượng của các bên có sự tham gia giải quyết kịp thời của Công đoàn huyện, tỉnh và các cơ quan chức năng trong tỉnh.Thông thường khi xảy ra tranh chấp lao động tập thể, Liên đoàn Lao động tỉnh và LĐLĐ huyện , thành phố, Công đoàn ngành là nơi đầu tiên được người lao động tìm đến. Sau khi nhận được tin báo về tranh chấp lao động, Công đoàn cấp trên cơ sở thường cử đại diện đến doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến phản ánh của người lao động, người sử dụng lao động và tìm hiểu nguyên nhân khách quan, hiểu rõ thực chất những mâu thuẫn, nguyên nhân cơ bản sâu xa . Thu thập thông tin đồng thời giải thích cho người lao động, yêu cầu người lao động không manh động đập phá nhà xưởng, máy, thiết bị giữ an toàn tuyệt đối cho cán bộ quản lý, chủ sử dụng lao động. Với các động thái thiện chí, cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động đã nhanh chóng, tập hợp người lao động trực tiếp đối thoại với người lao động, đại diện của người lao động. Sau khi đã tập hợp các ý kiến cơ bản, cụ thể cán bộ công đoàn và người sử dụng lao động kiên trì đàm phán, thương lượng, định rõ thời gian thực hiện… có tình, có lý trên cơ sở pháp luật.Nhiều cuộc tranh chấp lao động, trước sự chứng kiến của tổ chức công đoàn, chính quyền địa phương vẫn “ làm ngơ” như không hiểu luật. Nhờ nắm bắt được các quy định của pháp luật, chế độ chính sách của Đảng, nhà nước, và phương pháp vận động tuyên truyền của cán bộ công đoàn chủ sử dụng lao động đã phải nhượng bộ, giải quyết dứt điểm từng nội dung, những yêu cầu chính đáng của người lao động, nhất là các yêu cầu về lợi ích của người lao động: Tiền lương , tiền thưởng, BHXH, Hợp đồng lao động, các điều kiện lao động … Sau đó cán bộ Công đoàn phải thường xuyên bám sát cơ sở, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người lao động cho đến khi chủ sử dụng lao động thực hiện các cam kết đã thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ hợp pháp chính đáng của người lao động và tập thể người lao động. Thông qua các cuộc phản ứng lao động tập thể, đình công trên địa bàn tỉnh cho thấy công tác thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật lao động của cơ quan quản lý Nhà nước về lao động ở địa phương chưa thường xuyên , biện pháp xử lý các vi phạm pháp luật chưa triệt để. Việc phối hợp giải quyết, thanh tra, kiểm tra “ hậu” tranh chấp lao động tập thể và đình công chưa có kế hoạch cụ thể, sâu sát để hướng dẫn người sử dụng lao động, NLĐ thực hiện tốt nghĩa vụ, trách nhiệm của mình, thể hiện tính chất nghiêm minh của pháp luật. Tổ chức công đoàn cần, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật cho người lao động, cán bộ , đoàn viên công đoàn; đặc biệt, cán bộ công đoàn cơ sở cần được bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, trách nhiệm và bản lĩnh, xử lý tình huống khi giải quyết tranh chấp lao động tập thể. Sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên hơn nữa giữa các cơ quan quản lý lao động địa phương và tổ chức công đoàn tuyên truyền đến các chủ sử dụng lao động, phát triển mối quan hệ hợp tác hỗ trợ lẫn nhau giữa tổ chức công đoàn với các cơ quan : Đài phát thanh truyền hình, Báo, Công an, Tư pháp…. các văn phòng tư vấn pháp luật ở địa phương, từng bước nâng cao hiệu quả tham gia giải quyết các tranh chấp lao động tập thể, đình công bảo đảm kịp thời, đúng pháp luật bảo đảm hài hòa lợi ích giữa người lao động và người sử dụng lao động./.