Tổng LĐLĐVN triển khai nhiệm vụ Công tác quan hệ lao động năm 2015: Giảm tranh chấp, hạn chế đình công

Đăng ngày 16/01/2015
Lượt xem: 1282
100%

Công nhân Cty DinSen (TPHCM) ngừng việc vì không chấp nhận phương án thưởng tết. Ảnh: Lê Tuyết
Ngừng việc chuyển biến tích cực
Theo đánh giá của Tổng LĐLĐVN, tình hình tranh chấp LĐ tập thể dẫn đến ngừng việc tập thể năm 2014 chuyển biến tích cực, giảm cả về quy mô, số lượng. Cụ thể, trong năm qua, trên địa bàn cả nước xảy ra 287 cuộc tranh chấp LĐ dẫn đến ngừng việc tập thể, giảm 64 cuộc so với năm 2013, trong đó tập trung chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố phía nam mà nguyên nhân chủ yếu là do chủ DN vi phạm quy định pháp luật LĐ. Có tình trạng một số ít CNLĐ bị kích động tham gia ngừng việc tập thể. 

Theo ông Lê Trọng Sang - Uỷ viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng LĐLĐVN) - việc CĐ các cấp nắm bắt tốt, kịp thời tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, tham gia với NSDLĐ cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo việc làm, cải thiện thu nhập của NLĐ góp phần đáng kể vào việc phòng ngừa, hạn chế tranh chấp LĐ tập thể. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, tổ chức đối thoại có tác động tích cực, giải quyết kịp thời bức xúc trong CNLĐ. Việc thực hiện tốt thương lượng tập thể, ký kết TƯLĐTT của các cấp CĐ tiếp tục là công cụ hữu hiệu giảm thiểu tranh chấp LĐ xảy ra.

Ông Sang cho biết, trong năm 2015, các cấp CĐ sẽ tập trung triển khai thực hiện nghị quyết của Tổng LĐLĐVN về đổi mới nâng cao chất lượng, thương lượng, ký kết, tổ chức thực hiện TƯLĐTT, và thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở thông qua đối thoại, vì đây là những công cụ, giải pháp ngăn ngừa tốt nhất tranh chấp LĐ dẫn đến đình công. “Bên cạnh đó, các cấp CĐ cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho NLĐ về pháp luật. Khi NLĐ có thông tin thì sẽ am hiểu pháp luật, hiểu được mình có quyền gì, hạn chế đình công trái pháp luật” - ông Sang nhấn mạnh. Theo nhìn nhận của ông Sang, mức độ đình công năm 2015 có khả năng là không tăng cao, không có mức độ cấp tập, nhưng phức tạp thì có thể hơn. “Hiện đầu tư của các tập đoàn, các loại hình DN không chỉ ở địa bàn một tỉnh, mà còn có hệ thống Cty con rải ra ở nhiều tỉnh; vì vậy, đình công không dừng lại ở các khu vực tập trung nữa mà còn dắt dây xảy ra ở các khu vực mà trước đây không có” - ông Sang nói.
Nợ lương trầm trọng
Một vấn đề "nóng" cũng được nêu ra tại hội nghị là tình trạng nợ lương của NLĐ vẫn diễn ra tại một số địa phương, ngành nghề. Theo thống kê chưa đầy đủ của 22 CĐ tỉnh, ngành, số tiền DN nợ lương người LĐ là trên 528 tỉ đồng. Số tiền nợ lương trầm trọng nhất là ở ngành xây dựng. Ông Đỗ Văn Quảng - Phó Chủ tịch CĐ ngành Xây dựng - cho biết, từ năm 2011 đến nay, tình trạng nợ lương xảy ra nhiều. Tính đến 31.12.2014, tổng số DN nợ lương người LĐ là 85 đơn vị, chiếm 17,2% tổng số DN, với số tiền gần 395,3 tỉ đồng. Và đến ngày 14.1, vẫn còn 71 đơn vị nợ hơn 354 tỉ đồng tiền lương.
Theo CĐ ngành Xây dựng, nguyên nhân chính dẫn đến nợ lương NLĐ là do khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thiếu vốn, không đủ dòng tiền, không đảm bảo kế hoạch tài chính để trả lương cho NLĐ đúng kỳ hạn. Cũng theo ông Quảng, trước tình trạng nợ lương này, có hiện tượng LĐ chất lượng cao chuyển việc sang các DN tư nhân, DN nước ngoài. Còn đối với CNLĐ Cty không có việc vẫn phải đi làm ở ngoài để trang trải cuộc sống, họ vẫn trả ít nhiều lương ngừng việc, vẫn được đóng BHXH và khi có việc thì quay lại.

Đẩy mạnh đối thoại để tháo gỡ vướng mắc  Kết luận hội nghị, Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh, trong năm 2015, tổ chức CĐ phải đặc biệt quan tâm, giám sát việc thực hiện điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng theo Nghị định 103/NĐ-CP của Chính phủ. Trước mắt, các cấp CĐ phải quan tâm, chăm lo tết cho NLĐ, không để bất kỳ CNLĐ nghèo nào không được vui tết. Chủ tịch Đặng Ngọc Tùng cũng lưu ý các cấp CĐ cần đẩy mạnh đối thoại để làm sao qua đối thoại tháo gỡ những vướng mắc giữa người sử dụng LĐ và NLĐ. Đồng thời, hoạt động các cấp CĐ cần hướng mạnh về cơ sở, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng từ cơ sở để làm sao hoạt động của tổ chức CĐ là bảo vệ quyền lợi của NLĐ.