PHÓ CHỦ TỊCH TỔNG LĐLĐVN NGUYỄN THỊ THU HỒNG:Việc gì cũng đều phải xuất phát từ lợi ích người lao động

Đăng ngày 19/09/2013
Lượt xem: 3216
100%

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Nguyễn Thị Thu Hồng thăm các cháu Trường Mầm non Mặt trời nhỏ (Cty Pou Yuen, TPHCM). Ảnh: Bùi Phương Chi
Trả lời phỏng vấn của PV Báo Lao Động về chương trình hành động để đưa những lĩnh vực phụ trách phát triển và giành được những kết quả tốt hơn trong nhiệm kỳ 2013-2018, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hồng cho biết:

- Trước yêu cầu của giai đoạn mới, ĐH XI CĐVN đã thông qua mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và 4 chương trình nhằm thực hiện tốt nghị quyết ĐH. Với những công việc được phân công trực tiếp phụ trách, tôi sẽ cùng tập thể Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN chỉ đạo và chủ động, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động nữ công các cấp, nâng cao chất lượng đội ngũ CB nữ công, thực hiện tốt vai trò đại diện cho LĐ nữ. Mỗi chủ trương, mỗi hoạt động, tóm lại là việc gì cũng phải xuất phát từ lợi ích của NLĐ, trong đó có LĐ nữ. 

Trong nhiệm kỳ 2013-2018, sẽ tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa các chương trình hành động của Tổng LĐLĐVN về: Thực hiện NQ 11/ NQT.Ư của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ, NQ20 của BCH T.Ư Đảng về tiếp tục xây dựng GCCNVN thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới với các chỉ tiêu, nhiệm vụ phù hợp với hoạt động của tổ chức CĐ; NQ 6b về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước; đẩy mạnh phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ. 

Chủ động tham gia có hiệu quả trong việc tiếp tục xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến LĐ nữ. Đẩy mạnh các hoạt động xã hội trong CNVCLĐ để hỗ trợ, giúp đỡ CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn; nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em CĐVN ở cấp Tổng LĐLĐVN để trực tiếp hỗ trợ cho LĐ nữ và trẻ em. Phối hợp với các cơ quan hữu quan nâng cao chất lượng đời sống, việc làm của NLĐ... 

Còn với CĐ Giáo dục VN và CĐ Ngân hàng VN, nơi các ngành luôn có những vấn đề “nóng”  liên quan đến quyền lợi NLĐ, hay LĐLĐ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi (là những nơi mà CNVCLĐ còn gặp nhiều khó khăn về việc làm, thu nhập, đời sống...) mà đồng chí được phân công theo dõi?

- CĐ Ngân hàng VN và CĐ Giáo dục VN là những CĐ hoạt động mang tính ngành nghề sâu sắc và được xã hội đặc biệt quan tâm. Vì vậy, cần phát huy hơn nữa vai trò CĐ các cấp trong ngành trong việc tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành, nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC nữ trong ngành, chế độ chính sách của CBCNV trong ngành. Cần đặc biệt quan tâm đến các quyền lợi của LĐ nữ như chính sách đối với giáo viên mầm non, giáo viên vùng cao, vùng sâu, vùng xa... 

LĐLĐ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi là các tỉnh ven biển cần đặc biệt quan tâm tới công tác phát triển đoàn viên và thành lập nghiệp đoàn nghề cá để chăm lo tốt hơn quyền lợi của ngư dân, góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển... Đồng thời quan tâm chỉ đạo, nâng cao hiệu quả của hoạt động CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở. Điều quan trọng là cho dù ở cấp nào, ngành nào thì đều phải xây dựng được đội ngũ CBCĐ có bản lĩnh, có năng lực, tâm huyết và luôn vì NLĐ. 

Trên thực tế, vẫn còn nhiều nữ CB, CNVCLĐ phải chịu thiệt thòi hơn nam giới có cùng vị trí, vậy theo đồng chí, trong thời gian tới cần phải làm gì để khắc phục tình trạng này? 

- Cần tăng cường lồng ghép giới trong hoạt động của các cấp CĐ, quan tâm công tác CB nữ từ việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bổ nhiệm. Tham gia tích cực, có hiệu quả vai trò thành viên Ủy ban Quốc gia Vì sự tiến bộ phụ nữ ở cấp T.Ư và Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các ngành, địa phương nhằm thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVCLĐ.

Các cấp CĐ tăng cường phối hợp với lãnh đạo chuyên môn, đơn vị DN tạo điều kiện tốt hơn cho LĐ nữ trong học tập, LĐ, công tác và xây dựng gia đình hạnh phúc. Và, điều không kém phần quan trọng là chị em rất cần sự sẻ chia, thấu hiểu của nam giới với vai trò người chồng, người cha trong gia đình, người lãnh đạo, người đồng nghiệp ở cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện cho chị em phấn đấu và trưởng thành nhằm đạt mục tiêu bình đẳng giới một cách thực chất.

Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!