Liên đoàn lao động huyện Văn Lâm: Hiệu quả từ mô hình nhóm trong hoạt động nữ công

Đăng ngày 23/08/2013
Lượt xem: 10229
100%
Văn Lâm được xác định là một trong các vùng kinh tế động lực quan trọng của tỉnh Hưng Yên nên những năm qua  huyện thu hút được nhiều dự án vào đầu tư, mở rộng sản xuất chính vì vậy phong trào công nhân viên chức, lao động (CNVCLĐ) và hoạt động Công đoàn của huyện nói chung cũng như hoạt động nữ công nói riêng đều có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Với trên 90 Công đoàn cơ sở (CĐCS) được phân bổ theo các loại hình và trải rộng về mặt địa lý, lực lượng lao động nữ trên địa bàn có tới 12000 công nhân lao động (CNLĐ) chiếm xấp xỉ 50% tổng số CNLĐ của huyện luôn tích cực thi đua lao động, sản xuất và công tác đã góp phần thúc đẩy trong phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn đặc biệt là phong trào phụ nữ của huyện nhà. 
Với đặc thù là huyện được coi là vùng kinh tế động lực của tỉnh, hoạt động Công đoàn nói chung và công tác nữ công Công đoàn đòi hỏi phải có sự linh hoạt, sáng tạo trong giải quyết công việc thì mới đem lại hiệu quả. Sớm nhận biết được điều đó, những năm qua Ban nữ công LĐLĐ huyện đã tích cực, chủ động tham mưu giúp Ban Thường vụ LĐLĐ huyện triển khai nhiều hoạt động thiết thực tới nữ CNVCLĐ tại các CĐCS, nhưviệc tham mưu tuyên truyền các kiến thức về pháp luật lao động nói chung, những vấn đề liên quan đến nữ CNVCLĐ nói riêng, Ban nữ công đã tham mưu giúp Ban Thường vụ LĐLĐ huyện giải quyết thành công và mang lại quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hàng trăm nữ CNLĐ tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Vừa qua Ban nữ công LĐLĐ huyện đã có sáng kiến trong việc đề xuất phương pháp làm việc với  Ban Thường vụ LĐLĐ huyện, Ban Nữ công, Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh và nhân được sự ủng hộ, quan tâm của lãnh đạo Công đoàn các cấp, một trong những sáng kiến đó là phương pháp hoạt động nữ công theo mô hình nhóm. Đây là phương pháp hoạt động mang tính khoa học, có tác dụng truyền tải mọi kiến thức, thông tin tới tận người lao động. Theo đó hoạt động nữ công của LĐLĐ huyện bên cạnh việc thực hiện sự chỉ đạo của Công đoàn cấp trên và Thường trực Huyện uỷ, Ban nữ công đã chia hoạt động theo từng nhóm phù hợp với từng điều kiện và loại hình cơ sở cũng như phù hợp với CĐCS về mặt vị trí địa lý. Mô hình nhóm mà Ban nữ công LĐLĐ huyện thực hiện được cấu thành bởi 3 nhóm nhỏ bao gồm: Nhóm quản lý cấp cao; nhóm nghiên cứu, trọng điểm và nhóm làm việc tự quản.
 

Lễ ra mắt CLB nữ công CĐCS Công ty VAP
 
*Nhóm quản lý cấp cao: Có từ 03 - 05 thành viên gồm: Lãnh đạo nữ trong Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ huyện, lãnh đạo Hội LHPN huyện, lãnh đạo LĐLĐ huyện, trong đó đồng chí lãnh đạo LĐLĐ huyện làm trưởng nhóm. Nhóm có nhiệm vụ bao quát chung về công tác vận động nữ, đặt ra các vấn đề liên quan đến nữ, triển khai, thảo luận và lựa chọn hình thức làm phù hợp và đạt hiệu quả nhất. Xuất phát từ nhiệm vụ mà các thành viên trong nhóm phải có kiến thức nhất định, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của nhóm để truyền tải tới CNLĐ, khi đó chúng ta không còn lo về mặt tồn tại thiếu tài liệu hay thiếu nguồn thông tin v.v... cho chị em nữ CNVCLĐ.
 *Nhóm nghiên cứu, trọng Nhóm nghiên cứu: Gồm các thành viên: Trưởng Ban nữ công LĐLĐ huyện, trưởng Ban nữ công Công đoàn Giáo dục, Trưởng Ban nữ công khối cơ quan hành chính sự nghiệp, trưởng Ban nữ công CĐCS của 03 doanh nghiệp lớn có đông lao động nữ và có thể phân chia theo địa giới hành chính. Nhiệm vụ của nhóm là nhận công việc hoặc mục tiêu từ nhóm quản lý cấp cao, sau đó bàn bạc, thảo luận và nghiên cứu phương pháp thực hiện đối với từng loại hình CĐCS cụ thể.
+ Nhóm trọng điểm: Bao gồm từ 5-7 thành viên chia thành từng khu vực: Nhóm gồm các đồng chí trưởng Ban nữ công hoặc cán bộ nữ tiêu biểu thuộc khối hành chính sự nghiệp, khối doanh nghiệp FDI, khối doanh nghiệp vốn trong nước và khối các trường học, trong mỗi nhóm này có cơ cấu 01 thành viên đồng thời thuộc nhóm nghiên cứu. Nhiệm vụ của nhóm trọng điểm là trực tiếp và bắt đầu một công việc cụ thể và các thành viên phối hợp với nhau cùng bàn bạc để tìm cách triển khai nội dung công việc tới các đơn vị, họ sẽ đưa ra được một phương án chung nhất để Ban nữ công LĐLĐ huyện căn cứ triển khai thực hiện công việc hiệu quả và đạt được chất lượng cao.
*Nhóm làm việc tự quản: Bao gồm các thành viên làm việc gần nhau ( Trong một tổ, phân xưởng hay một trường học, một cơ quan...) họ có điều kiện ở gần nhau về mặt địa lý và thuận tiện về thời gian nên dễ dàng phối hợp với nhau, nắm bắt và xử lý tốt các thông tin. Nhóm tự quản bao gồm từ 5 - 7 thành viên được trao quyền giải quyết một nhiệm vụ diễn ra liên tục như: Trực tiếp triển khai, tuyên truyền tới nữ CNVCLĐ các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, của tổ chức Công đoàn, những công việc trọng tâm trong công tác vận động nữ, thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em trong tổ, xưởng... nắm bắt tình hình vi phạm chế độ chính sách của chủ sử dụng lao động để kịp thời phản ánh lên cấp trên.
Với Mô hình hoạt động như trên. Ban nữ công LĐLĐ huyện đang từng bước hướng dẫn và kiện toàn mô hình hoạt động ở cơ sở để thu được kết quả tốt. Trước mắt Ban nữ công LĐLĐ huyện xây dựng chương trình công tác trong năm 2012, trong đó có việc thí điểm thành lập các CLB nữ công trong các doanh nghiệp. Tuỳ vào điều kiện, đặc điểm tình hình của từng doanh nghiệp để hướng dẫn CĐCS thành lập câu lạc bộ nữ công lồng ghép hay theo chủ đề phù hợp. Năm 2012 nhân dịp 8/3 LĐLĐ huyện đã hướng dẫn và chỉ đạo ra mắt câu lạc bộ nữ công ở các Công đoàn doanh nghiệp có đông lao động nữ, trong đó thí điểm ra mắt 02 câu lạc bộ tại công ty May GLOBAL SOURCENET với 30 thành viên và công ty TNHH sản xuất phụ tùng ô tô xe máy Việt Nam ( VAP) với 50 thành viên. Bước đầu việc thành lập câu lạc bộ nữ công trong doanh nghiệp đã thu được kết quả tốt đẹp, thu hút sự quan tâm tham gia của đông đảo nữ CNLĐ, sự ủng hộ tạo điều kiện của Ban giám đốc công ty. Đặc biệt thông qua những mô hình hoạt động thiết thực và hiệu quả như trên đã ngày càng khẳng định vị trí, vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ nói chung và các hoạt động liên quan nữ CNVCLĐ nói riêng.