Kỳ họp thứ 3 Hội nghị Đoàn Chủ tịch TLĐ (khóa XI): Thảo luận các nội dung trình họp BCH và chương trình làm việc năm 2014

Đăng ngày 18/12/2013
Lượt xem: 1407
100%
   
 Chủ tịch TLĐ Đặng Ngọc Tùng chủ trì Hội nghị
   Tại kỳ họp này, Đoàn Chủ tịch thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung: Báo cáo kết quả hoạt động Công đoàn năm 2013, nhiệm vụ năm 2014; Chương trình làm việc năm 2014 của Đoàn Chủ tịch TLĐ khoá XI; Báo cáo kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn LĐVN năm 2013, trọng tâm phối hợp công tác năm 2014; Một số kiến nghị của CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn với Thủ tướng Chính phủ; Tờ trình về việc xây dựng Quy chế tuyển dụng công chức cơ quan CĐ; Tờ trình về dự thảo Hướng dẫn thi hành Điều lệ CĐVN khoá XI; Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Ban Chấp hành TLĐ khoá XI về “Nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của CNLĐ khu công nghiệp, khu chế xuất”; Tờ trình dự thảo kế hoạch tổ chức các hoạt động kỉ niệm 85 năm ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam; Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động trong thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập quốc tế”.
     Thảo luận về Chương trình làm việc năm 2014, các uỷ viên thống nhất năm 2014 ĐCT sẽ họp 6 kỳ nhằm thảo luận và cho ý kiến vào 40 nội dung công việc, trong đó có một số nội dung quan trọng như: Hướng dẫn việc thành lập, tổ chức hoạt động của các quỹ trợ vốn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1177/CV-KTTH ngày 06/8/2013 và chuyển đổi các quỹ trợ vốn hiện có sang hoạt động theo tổ chức tài chính vĩ mô; Đề án phát triển và nâng cao năng lực đội ngũ an toàn vệ sinh viên cơ sở; Quy định về CĐ giải quyết và tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo; Nghị quyết về nâng cao hiệu quả hoạt động của CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở đáp ứng yêu cầu mới; Sửa đổi, bổ sung Quyết định về tổ chức và hoạt động tư vấn pháp luật của CĐ và hoạt động của trung tâm tư vấn pháp luật CĐ; Nghị quyết về Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho CNLĐ trong tình hình mới; kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của tổ chức CĐ giai đoạn 2013-2018; Quy định về công tác thống kê trong hệ thống CĐ; Sửa đổi, bổ sung quy chế khen thưởng của TLĐ; Kế hoạch tổ chức Đại hội thi đua các cấp tiến tới Đại hội thi đua TLĐ… Cùng với đó, các uỷ viên ĐCT cũng đă góp ý về nội dung thảo luận tại từng kỳ họp nhằm đảm bảo chất lượng và tính thời sự, cấp bách của các vấn đề.
Trình bày Tờ trình về Xây dựng quy chế tuyển dụng công chức cơ quan Công đoàn, Phó Chủ tịch TLĐ Trần Văn Lý nêu: Thực hiện theo tinh thần chỉ đạo của Ban Tổ chức TW về việc “Tuyển dụng cán bộ, công chức cơ quan đảng, đoàn thể” Tổng Liên đoàn LĐVN nghiên cứu, dự thảo Quy chế này nhằm từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ công chức ngay từ khâu tuyển dụng và để phù hợp với Luật cán bộ công chức và Luật Viên chức. Bố cục của Quy chế gồm 5 chương và 28 điều, bao gồm: Những quy định chung; Tuyển dụng và thi tuyển công chức; Tổ chức thi tuyển, xét tuyển; Tuyển dụng, tiếp nhận, tập sự; Điều khoản thi hành.Theo Tờ trình, quy chế tuyển dụng công chức cơ quan CĐ lần này có nhiều điểm mới, trong đó có những quy định ưu tiên tuyển dụng những người trưởng thành từ thực tiễn ở cơ sở. 
Các uỷ viên ĐCT đă giành nhiều thời gian thảo luận Tờ trình, trong đó tập trung: Tổ chức CĐ ở các địa phương đều mong muốn được trực tiếp tuyển dụng cán bộ, bởi họ là nơi sử dụng, quản lý cán bộ; do đó, Tổng LĐLĐVN cần đề nghị để có sự chấp thuận từ T.Ư tới các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước. Việc quy định ưu tiên xét tuyển không qua thi tuyển những người là CBCĐ chuyên trách ở cơ sở sẽ là điểm thuận lợi cho việc tuyển chọn được những CBCĐ có năng lực, có kinh nghiệm thực tế. Công tác thi tuyển “đầu vào” nên đi vào thực chất, bỏ đi những nội dung mang tính hình thức; những vị trí làm việc cụ thể cần áp dụng những bài thi cụ thể phù hợp để tuyển chọn được những cán bộ phù hợp nhất cho vị trí đó.
 Chủ tịch TLĐ Đặng Ngọc Tùng lưu ý từ điểm mới của quy chế, tổ chức CĐ cần vận dụng để tuyển chọn được những CBCĐ thực sự có bề dày thực tế, nhiệt  tình lăn lộn với phong trào. Tổ chức CĐ cần nắm chắc, xem xét và đề nghị tuyển chọn chính xác cán bộ thì mới thực sự phát huy được tính tích cực của điểm mới đó, đưa được những cán bộ CĐ thực sự cần, những người thực sự giỏi về thực tiễn cho việc triển khai nhiệm vụ ở cơ sở.