Góp ý kiến vào dự thảo Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

Đăng ngày 20/09/2013
Lượt xem: 29720
100%
   
   Luật Bảo hiểm xã hội được thông qua ngày 29/6/2013 tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI, đánh dấu một bước quan trọng trong việc tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả thực thi chế độ, chính sách an sinh xã hội, đáp ứng nguyện vọng đông đảo người lao động. Sau 6 năm thực hiện, Luật BHXH đã đi vào cuộc sống, phát huy tích cực trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Tuy nhiên, hiện nay, số người tham gia BHXH bắt buộc mới chiếm khoảng 20% lực lượng lao động và chiếm khoảng 80% số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc trên cả nước. Chính sách BHXH tự nguyện mặc dù có đối tượng tham gia rộng nhưng số người tham gia cũng mới chỉ có khoảng 0,22% so với con số tiềm năng.
Bên cạnh đó, tình trạng nợ đóng, chậm đóng BHXH còn xảy ra khá phổ biến, đặc biệt ở các DN ngoài quốc doanh và các DN có vốn đầu tư nước ngoài làm ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ BHXH và quyền lợi của NLĐ. Một số quy định trong chế độ BHXH hiện hành không còn phù hợp với thực tế, bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Hoạt động đầu tư tăng trưởng quỹ BHXH hiệu quả chưa cao. Quy định về chi phí quản lý của tổ chức quản lý BHXH còn chưa phù hợp. Quy định về thủ tục, hồ sơ tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH còn phức tạp, rườm rà. Quản lý nhà nước về BHXH mặc dù đã được quy định trong Luật BHXH nhưng chưa được quy định cụ thể trách nhiệm của các Bộ.
      Đặc biệt, theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Bộ LĐTBXH và BHXH Việt nam thì với nền chính sách hiện hành, quỹ hưu trí đến năm 2023 thu trong năm sẽ không đủ chi trong năm, để đảm bảo khả năng chi trả phải lấy từ nguồn kết dư của Quỹ. Và đến năm 2029 quỹ hưu trí hoàn toàn cạn kiệt, mất khả năng chi trả.
Từ thực tế đó, vấn đề sửa đổi Luật BHXH là rất cấp thiết. Nhiều giải pháp khác nhau được đưa ra  như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, mở rộng đối tượng tham gia, tăng mức đóng BHXH, điều chỉnh công thức tính lương hưu… nhằm cân đối Quỹ.
Phát biểu tại Hội thảo, các đại biểu tập trung góp ý vào các nội dung: Hồ sơ, thủ tục, điều kiện hưởng, mức hưởng, đối tượng hưởng… của các chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, tử tuất; Mức đóng, mức hưởng, cách tính tỉ lệ lương hưu, tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ; sự chênh lệch trong mức hưởng BHXH giữa các đối tượng hưởng lương theo thang bảng lương của Nhà nước với người được trả lương bởi chủ sử dụng lao động…
TS Đặng Quang Điều nhấn mạnh: Với tư cách là đại diện của NLĐ tổ chức Công đoàn cần nghiên cứu, góp ý và bằng thực tiễn sâu sát với cơ sở phản biện khoa học để cơ quan soạn thảo tiếp thu, sửa đổi Luật sao cho phù hợp với thực tế, không làm mất đi các quyền lợi chính đáng của NLĐ tham gia BHXH.
       Về Luật An toàn vệ sinh lao động, đây là dự thảo Luật lần đầu tiên được xây dựng, có tác động rất lớn đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, điều kiện làm việc, tính mạng, sức khoẻ của người lao động. Dự thảo Luật này, gồm 9 chương, 82 điều, đang trong quá trình lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý và các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của Luật trước khi chỉnh lý trình Chính phủ và UBTV Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội vào năm 2014.
Luật An toàn vệ sinh lao động và Luật BHXH có mối quan hệ mật thiết nhất là trong việc xây dựng Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và nhiều quyền lợi, chế độ của NLĐ do đó việc nghiên cứu, góp ý xây dựng 2 Luật này là rất quan trọng đối với tổ chức Công đoàn.