Giới thiệu Công đoàn Hưng Yên

Đăng ngày 07/04/2017
Lượt xem: 162409
100%

Đầu thế kỷ XX, Hưng Yên tuy chưa phải là trung tâm công nghiệp, nhưng là nơi cung cấp nhiều lao động cho các công trường xây dựng đường sá, cầu cống và cho các đồn điền, công nhân giao thông vận tải, viên chức làm việc trong các công sở đó chính là những lực lượng cấu thành đầu tiên đội ngũ công nhân, viên chức tỉnh Hưng Yên.
Đội ngũ công nhân, viên chức Hưng Yên xuất thân từ nông dân, có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ với nông dân và nông thôn. Đó là đặc điểm quan trọng trong suốt quá trình hình thành và phát triển của đội ngũ công nhân viên chức Hưng Yên, tạo thuận lợi để xây dựng, củng cố khối đoàn kết giai cấp công với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức trong tiến trình cách mạng ở địa phương.
Hưng Yên sớm được sự lãnh đạo của Đảng, từ những năm 1929 năm 1930, những cán bộ của Đông Dương Cộng sản Đảng đã về gây dựng phong trào cách mạng ở Hưng Yên. Phong trào công nhân Hưng Yên phát triển dẫn đến hình thành Công đoàn tỉnh Hưng Yên vào tháng 5 năm 1948. Từ đó tổ chức công đoàn Hưng Yên tiếp tục phát triển và đóng vai trò tổ chức động viên phong trào công nhân viên chức trong tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sau năm 1954 công đoàn Hưng Yên tiếp tục phát triển, là chỗ dựa vững chắc của chính quyền, tổ chức, động viên công nhân lao động thực hiện nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Năm 1968 công đoàn Hưng Yên hợp nhất với công đoàn Hải Dương thành công đoàn Hải Hưng. Năm 1997, tỉnh Hưng Yên tái lập, Liên đoàn lao động Hưng Yên tiếp tục làm nhiệm vụ tổ chức phong trào và đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân viên chức lao động trên địa bàn Hưng Yên.
Trong quá trình đổi mới, thực hiện nghị quyết Đảng bộ tỉnh Hưng Yên, các cấp công đoàn trong tỉnh đã vượt qua nhiều khó khăn, tổ chức các phong trào quần chúng trong công nhân, viên chức, lao động đúng hướng và thiết thực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đề ra, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn vững mạnh, góp phần quán trọng vào việc ổn định chính trị, phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, nâng cao vị thế của tổ chức công đoàn.
Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, tổ chức công đoàn Hưng Yên luôn bám sát chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cũng như nhiệm vụ chính trị của tỉnh, vận dụng vào điều kiện cụ thể, định ra được phương hướng, giải pháp thích hợp cho phong trào công nhân viên chức và hoạt động công đoàn. Với truyền thống đoàn kết, gắn bó, dũng cảm trong đấu tranh cách mạng, sáng tạo chủ động trong lao động xây dựng và bảo vệ quê hương, cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức và các cấp công đoàn Hưng Yên đã có nhiều đóng góp to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như của cả nước. Từ thực tiễn phong trào công nhân và công đoàn Hưng Yên có thể rút ra một số kinh nghiệm sau đây:
Một là, trong các hoạt động của mình công đoàn cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, sự quan tâm phối hợp, giúp đỡ của Uỷ ban nhân dân tỉnh, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong tỉnh. Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh và các cấp công đoàn trong tỉnh cần năng động, sáng tạo. Cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân, viên chức, lao động trong toàn tỉnh nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao phó bằng các hình thức, biện pháp phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn với chính quyền, cơ quan quản lý và các đoàn thể chính trị xã hội, tạo nên sức mạnh tổng hợp, nhân tố đảm bảo thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của công đoàn.
Hai là, hoạt động công đoàn phải xuất phát từ lợi ích thiết thực của công nhân, viên chức, lao động và của doanh nghiệp, làm tốt chức năng chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, thực sự công khai, dân chủ, tập hợp trí tuệ và sức mạnh của đông đảo công nhân, viên chức, lao động, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp là nhân tố quan trọng trong việc phối hợp tổ chức các hoạt động công đoàn và đẩy mạnh các hoạt động xã hội, đồng thời cũng là đối tượng kiểm tra, giám sát của công đoàn trong việc thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công nhân, viên chức, lao động.
Các cấp công đoàn luôn quan tâm đến nhân tố con người và chú trọng đến các hoạt động xã hội. Thông qua các cuộc vận động, các chương trình và phong trào thi đua do công đoàn tổ chức để phát huy tính tiên phong gương mẫu, tinh thần chủ động sáng tạo của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động trong sản xuất và công tác, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phát triển và xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng lớn mạnh. Song song với phát huy tiềm năng sáng tạo của công nhân, viên chức, lao động, các cấp công đoàn chú trọng đến việc đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động, có nhiều giải pháp thích hợp chăm lo việc làm và đời sống của người lao động.
Ba là, hoạt động công đoàn trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong một tỉnh nông nghiệp, công đoàn phải luôn nắm vững quan điểm, lập trường của giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt sâu sắc chủ trương, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và cơ sở để tổ chức, chỉ đạo phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ; phải coi trọng việc vận động công nhân, viên chức, lao động thi đua phục vục công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ của các cấp công đoàn trong tỉnh. Có như vậy mới tạo ra sự đồng tình, ủng hộ, tin cậy của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và xây dựng được khối liên minh công- nông –trí vững chắc làm nòng cốt của khối đoàn kết nhân dân trong tỉnh.
Bốn là, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có phẩm chất và năng lực có đủ khả năng tập hợp trí tuệ và sức lực của đông đảo đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động và phát huy được vai trò của công đoàn cơ sở. Cần xác định cán bộ là khâu then chốt và phải làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tuyển chọn đội ngũ cán bộ công đoàn có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, có tâm huyết phấn đấu cho sự nghiệp của tổ chức công đoàn, có uy tín với quần chúng, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài, thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ công đoàn, động viên cán bộ công đoàn yên tâm, phấn khởi hoàn thành nhiệm vụ.
Nắm vững các chức năng cơ bản của tổ chức công đoàn, cán bộ công đoàn không những chỉ chăm lo việc làm, đời sống công bằng xã hội cho công nhân viên chức mà còn tích cực chủ động tham gia công tác quản lý, phối hợp với chính quyền trong việc hoạch định kế hoạch của ngành, của đơn vị, giúp cho công nhân, lao động giao kết hợp đồng lao động, ký thoả ước lao động tập thể và làm tốt công tác kiểm tra giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp đối với công nhân, lao động.
Chặng đường trước mắt của phong trào công nhân, hoạt động công đoàn tỉnh Hưng Yên có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn thử thách, đòi hỏi đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và công đoàn trong tỉnh nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước và đấu tranh anh dũng, tinh thần đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, phấn đấu vươn lên không ngừng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tỉnh ủy và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giao cho, góp phần xây dựng giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh. Với sức mạnh của đội ngũ công nhân viên chức, lao động, đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực và bản lĩnh, có nhiệt tình và sức khoẻ, có sự hiểu biết về quản lý kinh tế, xã hội, có phong cách công tác quần chúng và được quần chúng tín nhiệm, phát huy truyền thống tốt đẹp và những kinh nghiệm quý báu, cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động Hưng Yên vững bước đi lên trên con đường đổi mới, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày càng giàu mạnh.
- Điều lệ Công đoàn Việt Nam
- Vai trò, vị trí của Công đoàn Việt Nam
- Các kỳ đại hội của công đoàn tỉnh Hưng Yên
- Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh
- Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh