ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY THÀNH LẬP CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM (28/7/1929 – 28/7/2014)

Đăng ngày 01/07/2014
Lượt xem: 3026
100%
Từ sự đòi hỏi của phong trào và nhu cầu của cuộc đấu tranh nhiều nơi đã tổ chức ra các hội nghề, nghiệp đoàn, công hội. Nhưng tiêu biểu nhất là Công hội Ba son (Sài gòn, Gai Định) thành lập năm 1920 do đồng chí Tôn Đức Thắng đứng đầu, tuy phạm vi chỉ ở cơ sở, sự tồn tại không lâu (Đến năm 1926 tự giải tán) nhưng Công hội Ba son đã có ảnh hưởng lớn trong phong trào công nhân Nam Bộ.
Người đoàn viên công đoàn Việt Nam đầu tiên là đồng chí Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Người gia nhập công đoàn Kim khí Quận 17 Pa ri(Pháp) năm 1919.
Năm 1923, khi viết tác phẩm nổi tiếng “Bản án chế độ thực dân Pháp”, Người chỉ ra rằng: “…Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền để thành lập tổ chức Công hội ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các Công hội hiện có dưới hình thức phôi thai”.
Năm 1927, trong tác phẩm “Đường Kách mệnh” bao gồm những bài giảng cho lớp tập huấn cán bộ ở Quảng Châu (Trung Quốc) khi nói về công hội Người đã chỉ rõ: “Tổ chức công hội trước là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là để nghiên cứu với nhau; ba là sửa sang cách sinh hoạt cho công nhân khá hơn bây giờ; bốn là giữ gìn quyền lợi cho công nhân; năm là giúp cho quốc dân, giúp cho Thế giới”.
Giai cấp công nhân Việt Nam sớm chịu ảnh hưởng của phong trào cách mạng thế giới trong đó đặc biệt là chịu ảnh hưởng của cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga và việc lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác- Lê nin thông qua hoạt động của tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội.
Ngày 17 tháng 6 năm 1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập. Trước sự phát triển của phong trào công nhân cả nước và nhu cầu tập hợp lực lượng, Đông Dương Cộng sản Đảng đã triệu tập Đại hội thống nhất các công hội đỏ, thành lập Tổng Công hội đỏ vào ngày 28/7/1929 tại số nhà 15 Phố Hàng Nón – Hà Nội, bầu Ban Chấp hành gồm 06 đại biểu do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ủy viên lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng đứng đầu. Đại hội đã thông qua chính cương Điều lệ và quyết định ra Báo Lao động và Tạp chí Công hội đỏ. Sự kiện thành lập Tổng Công hộ đỏ Bắc kỳ là sự kiện chính trị, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử phong trào công nhân và hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Từ đây giai cấp công nhân Việt Nam thực sự bước lên vũ đài chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc; Giai cấp công nhân và người lao động Việt Nam được tập hợp , đoàn kết trong một đoàn thể cách mạng, thống nhất, rộng lớn, hoạt động có tôn chỉ, mục đích, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động Việt Nam.
Trải qua 85 năm xây dựng và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng tổ chức Công đoàn Việt Nam đã trải qua nhiều lần đổi tên cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ cách mạng.
- Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ ( 1929 – 1935 )
- Nghiệp đoàn ái hữu ( 1936 – 1939 )
- Hội công nhân phản đế ( 1939 – 1941 )
- Hội công nhân cứu quốc ( 1941 – 1946 )
- Tổng LĐLĐ Việt Nam ( 1946 – 1961 )
- Tổng Công đoàn Việt Nam ( 1961 – 1988 )
- Tổng LĐLĐ Việt Nam ( 1988 đến nay )
Có thể khẳng định từ ngày thành lập đến nay mặc dù Công đoàn Việt Nam đã qua 6 lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ chính trị và yêu cầu tập hợp, đoàn kết công nhân lao động trong từng giai đoạn lịch sử. Nhưng bản chất cách mạng và mục tiêu cơ bản, lâu dài của Công đoàn Việt Nam là không thay đổi.
85 năm qua Công đoàn Việt Nam đã có những cống hiến vẻ vang vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc. Tổ chức Công đoàn luôn phát huy vai trò, chức năng của mình, không ngừng đổi mới tổ chức và phương pháp vận động. Tuyên truyền vận động CNVCLĐ, đoàn viên Công đoàn tham gia quản lý cơ quan, doanh nghiệp và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của CNVCLĐ. Phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng, của giai cấp công nhân, nêu cao ý chí tự lực tự cường, khắc phục và vượt qua mọi khó khăn, đi đầu thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước, phấn đấu vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
85 năm qua, tổ chức Công đoàn Việt Nam không ngừng lớn mạnh, xứng đáng là tổ chức chính trị- xã hội rộng lớn của CNVCLĐ, trung tâm tập hợp đoàn kết, giáo dục cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; là chỗ dựa vững chắc của Đảng và là sợi dây nối liền Đảng với quần chúng CNVCLĐ, là người cộng tác đắc lực của Nhà nước.
85 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào Công đoàn Việt Nam luôn trung thành với lợi ích giai cấp, lợi ích của người lao động và lợi ích dân tộc, không xa rời mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường vận động, tập hợp CNVCLĐ đi đầu trong mọi phong trào thi đua, viết lên những trang sử hào hùng của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Cùng với sự phát triển của phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn trong cả nước, Công đoàn tỉnh Hưng Yên với lịch sử hơn nửa thể kỷ xây dựng và trưởng thành dưới sự lãnh đạo của Đảng mà trực tiếp là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên công nhân, viên chức lao động và các cấp Công đoàn trong tỉnh không ngừng phát triển, trưởng thành và lớn mạnh. Luôn kế thừa và phát huy truyền thống văn hiến của quê hương. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Công đoàn phát động luôn bám sát chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam và nhiệm vụ chính trị của địa phương để đề ra các giải pháp thích hợp cho phong trào CNVCLĐ và hoạt động công đoàn. Đã phát huy được tính tiền phong gương mẫu, tinh thần chủ động, sáng tạo của cán bộ, đoàn viên CNVCLĐ đã góp phần xứng đáng vào xây dựng quê hương Hưng Yên ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Trải qua hơn nửa thế kỷ phấn đấu liên tục và trường thành, tổ chức Công đoàn tỉnh Hưng Yên đã có nhiều thành tích to lớn được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 1963, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Trong những năm hợp nhất hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương, tổ chức Công đoàn Hải Hưng đã được Nhà nước tặng thưởng 03 Huân chương vào những năm 1981; 1986; 1991.
Từ sau ngày tái lập tỉnh Công đoàn tỉnh Hưng Yên đã không ngừng phấn đấu và đạt được những thành tích khá toàn diện, luôn đổi mới nội dung và phương pháp vận động đoàn viên, CNVCLĐ thu hút được đông đảo quần chúng CNVCLĐ tham gia các phong trào thi đua.
Các cuộc vận động, các phong trào thi đua do Công đoàn tổ chức luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của Công đoàn cấp trên và nhiệm vụ chính trị của địa phương để đề ra các giải pháp thích hợp cho phong trào công nhân và hoạt động công đoàn, đã phát huy được tính tiền phong gương mẫu, tinh thần chủ động, sáng tạo của đội ngũ CNVCLĐ góp phần xứng đáng vào sự nghiệp CNH- HĐH đất nước và xây dựng quê hương Hưng Yên ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Để ghi nhận và động viên phong trào CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn của tỉnh Hưng Yên năm 1999, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn tỉnh Hưng Yên vinh dự và tự hào được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhất; Năm 2006 được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương độc lập Hạng Ba; Năm 2013 nhân dịp Đại hội lần thứ XVII, CNVCLĐ tỉnh Hưng Yên được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng nhì; Thủ tướng Chính phủ tặng cờ thi đua xuất sắc năm 2010 và nhiều cờ, bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các Bộ, Ngành Trung ương.