Công đoàn ngành Xây dựng tỉnh Hưng Yên: Dấu ấn một nhiệm kỳ đổi mới

Đăng ngày 15/09/2023
Lượt xem: 1548
100%

5 năm qua, các cấp công đoàn ngành Xây dựng tỉnh Hưng Yên luôn nỗ lực, hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, góp phần vào sự tăng trưởng của toàn ngành, đảm bảo giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh Hưng Yên.

Nhiều thành tựu đáng khích lệ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong ngành Xây dựng tỉnh Hưng Yên đã được ghi nhận trên tất cả các lĩnh vực như: Quản lý xây dựng theo quy hoạch, quản lý vật liệu xây dựng; nhà ở và hạ tầng kỹ thuật đô thị, khu công nghiệp, phát triển đô thị, kinh doanh bất động sản, đặc biệt thúc đẩy, hoàn thành các dự án, các công trình trọng điểm của tỉnh.

Đồng chí Cao Quang Hưng – Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Xây dựng và đồng chí Nguyễn Việt Quân - Chủ tịch Công đoàn ngành thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách

Công đoàn ngành Xây dựng cùng các công đoàn cơ sở chủ động nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp thống nhất với chính quyền, chuyên môn đồng cấp, sắp xếp lao động; tham gia xây dựng định mức lao động, xây dựng và triển khai thực hiện thang lương, bảng lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ; chủ động tham gia với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tìm biện pháp, giải pháp tháo gỡ khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay, có trên 75% doanh nghiệp đã ban hành thang bảng lương mới; số doanh nghiệp còn lại đang trong quá trình hoàn thiện.

Đồng chí Hoàng Xuân Hào – Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ tỉnh và đ/c Cao Xuân Dương – Trưởng Ban CS-PL và QHLĐ LĐLĐ tỉnh tặng quà cho người lao động

Tình hình tư tưởng công nhân viên chức lao động toàn ngành Xây dựng luôn kiên định; đời sống, việc làm, thu nhập tương đối ổn định; các chế độ chính sách được đảm bảo, người lao động yên tâm công tác; không có tranh chấp lao động lớn; không xảy ra sự cố cháy nổ, giảm thiểu bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động chết người.

Nhằm nâng cao vị thế của tổ chức Công đoàn, hàng năm, Ban Chấp hành Công đoàn ngành với Sở Xây dựng xây dựng Quy chế mối quan hệ công tác, chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp trong ngành nghiêm túc tổ chức hội nghị cán bộ công chức, hội nghị người lao động.

Kết quả, trung bình hàng năm có 72% đơn vị, doanh nghiệp xây dựng được Quy chế dân chủ ở cơ sở, quy chế đối thoại, bầu được các thành viên đại diện tập thể người lao động tham gia đối thoại theo quy định hiện hành. 100% đơn vị, hành chính sự nghiệp và trên 67% doanh nghiệp ngoài Nhà nước tổ chức thành công Hội nghị Người lao động đúng thời gian quy định. 100% cơ quan hành chính,đơn vị sự nghiệp; 100% doanh nghiệp cổ phần vốn Nhà nước chi phối bầu Ban Thanh tra nhân dân. Trên 70% doanh nghiệp ngoài Nhà nước tổ chức đối thoại định kỳ, đối thoại đột xuất giữa thủ trưởng cơ quan doanh nghiệp và người lao động. Những hoạt động này đã góp phần phát huy dân chủ, nâng cao ý thức của người lao động trong tham gia quản lý, chia sẻ, đồng hành với cơ quan, doanh nghiệp.

Để góp phần thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo, Công đoàn ngành Xây dựng đã chỉ đạo các công đoàn cơ sở cùng với lãnh đạo doanh nghiệp tập trung thực hiện Chương trình “Nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể” và thực hiện có hiệu quả Thỏa ước lao động tập thể” của Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tính riêng năm 2022, đã có 42/61 doanh nghiệp có Công đoàn cơ sở trực thuộc ký Thỏa ước lao động tập thể và gửi về Công đoàn ngành Xây dựng, trong đó có 36 bản thỏa ước lao động tập thể đạt loại B trở lên. Nội dung thoả ước đã tập trung hơn vào những cam kết thiết thực có lợi hơn cho người lao động, như tiền lương, tiền thưởng, đảm bảo việc làm, nâng cao kỹ năng tay nghề, văn hóa ứng xử, thực hiện chính sách bình đẳng giới, nâng cao “chất lượng bữa ăn ca của người lao động”…

Đồng chí Nguyễn Việt Quân –  Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng dự Hội nghị người lao động tại Công ty TNHH tư vấn và xây dựng Thái Hưng

Nhiệm kỳ vừa qua cũng đánh dấu những khó khăn chưa từng có bởi dịch Covid-19, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành rơi vào khủng hoảng. Một số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động hoặc sản xuất cầm chừng, hàng trăm công nhân lao động trong ngành Xây dựng phải nghỉ luân phiên, thu nhập giảm sút. Đứng trước những khó khăn đó, Công đoàn ngành Xây dựng và các công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp luôn xác định rõ mục tiêu, thực hiện nhiệm vụ “kép” vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo ổn định sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, xác định rõ mục tiêu: Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động. Từ mục tiêu này, các cấp Công đoàn trong ngành đã luôn đồng hành cùng lãnh đạo đơn vị tìm kiếm các giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tăng doanh thu, giảm chi phí để vượt qua giai đoạn khó khăn do Covid-19 gây ra.

Hưởng ứng phong trào học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao, Công đoàn ngành Xây dựng đã vận dụng linh hoạt các phong trào thi đua phù hợp với đặc thù từng đơn vị, doanh nghiệp. Thống kê giai đoạn 2018 - 2023, toàn ngành Xây dựng có gần 1.000 công nhân giỏi cấp cơ sở. Hàng năm, có 23 -25 cá nhân được khen thưởng “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” cấp Công đoàn ngành Xây dựng.

Những thành tích đó đã khẳng định đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức lao động ngành Xây dựng tỉnh Hưng Yên luôn là hạt nhân tiên phong đi đầu, kế thừa và làm rạng rỡ thêm truyền thống vẻ vang của giai cấp Công nhân và tổ chức Công đoàn. Đây cũng là minh chứng khẳng định vị trí, vai trò và trách nhiệm to lớn của đội ngũ cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động và tổ chức Công đoàn ngành Xây dựng tỉnh Hưng Yên trong thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của ngành, của tỉnh Hưng Yên; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội./.

Nguyễn Việt Quân – Chủ tịch Công đoàn ngành Xây dựng tỉnh Hưng Yên