Công đoàn làm tốt công tác tư vấn pháp luật cho người lao động

Đăng ngày 22/09/2020
Lượt xem: 5998
100%

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: “Đại dịch COVID-19 là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống, trong đó có vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động. Nhiều triệu người lao động Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, 10 tháng qua, các cấp Công đoàn đã làm tốt chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho người lao động, trong đó có hoạt động tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý cho người lao động. Hàng triệu người lao động được công đoàn tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn về pháp luật liên quan đến vấn đề hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, các chế độ, chính sách mà người lao động được hưởng…

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Ngọ Duy Hiểu phát biểu khai mạc Hội thảo.

Dịch COVID-19 làm xuất hiện nhiều vấn đề pháp lý chưa có tiền lệ. Do đó, tại Hội thảo, ông Ngọ Duy Hiểu đề nghị các đại biểu cùng nhau phân tích, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình, cách làm hay, từ đó nghiên cứu, tổng hợp, nhân rộng để tiếp tục làm tốt công tác tư vấn pháp luật cho người lao động trong thời gian tới, đề xuất những bài học, kinh nghiệm cho công đoàn trong giải quyết các vấn đề khủng hoảng có thể xảy ra trong tương lai.

Tham luận tại Hội thảo, đại diện LĐLĐ TPHCM, ông Nguyễn Phi Hổ - Phó ban Chính sách pháp luật cho biết, đại dịch COVID-19 xảy ra đã tác động rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh không có đơn hàng và không xuất được hàng, các doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất hoặc giải thể, cắt giảm lao động vì không thể duy trì hoạt động và kể cả ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động dẫn đến tạm hoãn hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động... Đây cũng chính là nguyên nhân xảy ra ngừng việc tập thể diễn ra trong thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố.

Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 8 vụ tranh chấp lao động tập thể, đình công, với tổng số người tham gia là 2.526 người. Nguyên nhân chủ yếu doanh nghiệp hiện gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID-19 không có đơn hàng, không xuất được hàng phải thu hẹp sản xuất dẫn đến nợ lương và không chi tiền thưởng tết cho công nhân lao động…

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Ngoài ra, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất cắt giảm lao động vì không thể duy trì hoạt động (Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam; Công ty Cổ phần Giày da Huê Phong).

Ông Hổ cho biết thêm, hiện nay đã có 2.786 người lao động chấm dứt hợp đồng với Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam đã nhận được hỗ trợ từ Công ty. Có những người lao động nhận cao nhất - được hơn 300 triệu đồng, người nhận thấp nhất là 3 triệu đồng (do mới vào làm việc), bình quân 60-70 triệu đồng/người. Sau khi nhận tiền hỗ trợ, nhiều người lao động băn khoăn đến việc trừ 10% thuế thu nhập cá nhân đối với phần tiền Công ty hỗ trợ, do đó LĐLĐ TPHCM đã có kiến nghị tới các cơ quan chức năng là không thu thuế thu nhập với khoản tiền người lao động được Công ty hỗ trợ. Ngoài ra, LĐLĐ TPHCM đã tíchcực tìm, giới thiệu việc làm mới cho người lao động, tuy nhiên hầu hết người lao động sau khi nhận tiền hỗ trợ đã không làm và đã về quê…

Ông Trần Văn Triều - Giám đốc Trung tâm tư vấn pháp luật LĐLĐ TPHCM chia sẻ, nội dung tư vấn pháp luật trong 8 tháng đầu năm tập trung nhiều vào những vấn đề liên quan ảnh hưởng dịch COVID-19 như: Tiền lương ngừng việc (Điều 98 Bộ luật Lao động); quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động (điều 38 Bộ luật Lao động); chuyển người lao động làm việc khác so với hợp đồng lao động (điều 31 Bộ luật Lao động); tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (Điều 32 Bộ luật Lao động); cho nghỉ việc vì lý do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kính tế (Điều 44 Bộ luật Lao động)…

Ngoài ra, Trung tâm Tư vấn pháp luật cũng thực hiện có hiệu quả Trang tin điện tử và thường xuyên nhận được sự quan tâm theo dõi của người lao động. Các câu hỏi nhận được của người lao động qua chuyên mục “Hỏi-đáp pháp luật” và “Tư vấn pháp luật trực tuyến”… đều được trả lời kịp thời và thỏa đáng. Góp phần giúp cho người lao động từng bước nhận thức hơn các quy định của pháp luật, từ đó có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng…

                  T/h:  Việt Lâm - Báo Lao động