Công đoàn các Khu công nghiệp Hưng Yên tổ chức tọa đàm “Thuận lợi, thách thức trong hoạt động công đoàn và Ban nữ công quần chúng khi Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CPTPP có hiệu lực thi hành tại Việt Nam”

Đăng ngày 12/03/2019
Lượt xem: 4082
100%

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Đến dự và chỉ đạo buổi gặp mặt, Tọa đàm có đồng chí Hoàng Xuân Hào, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh; đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Ủy viên ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh, Phó Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh; đồng chí Luyện Phương Nam, Ủy viên ban Chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh.
Tại buổi gặp mặt đồng chí Hoàng Xuân Hào, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã phát biểu chúc mừng chị em và tặng quà cho các đại biểu nữ, đồng thời đã phát biểu ôn lại truyền thống lịch sử ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) và truyền thống đánh giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi của Bà Trưng, Bà Triệu, biểu dương Ban Chấp hành Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã tiên phong đi đầu trong công tác tuyên truyền trước thời cơ vận hội mới khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP và nêu bật những vấn đề mà tổ chức công đoàn cần phải phát huy hướng tới: Đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động; tập trung thực hiện những nội dung về các vấn đề về quan hệ lao động; làm tốt các hoạt động thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, đoàn viên công đoàn; đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên đối với CĐCS, từ phương thức chỉ đạo hành chính, sang phương thức trực tiếp hỗ trợ, giúp đỡ tại cơ sở; các cán bộ công đoàn các cấp cần được nâng cao trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới.

                                                                                                       Nhiều chị, em sôi nổi thảo luận
  Tại buổi Tọa đàm đồng chí Luyện Phương Nam, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh đã giới thiệu về Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) là gì? Những Cơ hội và thách thức đối với tổ chức công đoàn và Ban nữ công quần chúng khi Hiệp định có hiệu lực thi hành tại Việt Nam, cũng như đặt ra nhiều câu hỏi tình huống có thể xảy ra trong tương lai và cách giải quyết các tình huống đó để tuyên truyền, vận động đoàn viên giữ vững lập trường đi theo tổ chức Công đoàn Việt Nam. Buổi Tọa đàm được các đại biểu thảo luận sôi nổi thông qua các câu hỏi, các câu trả lời của các đại biểu tham dự như: Nếu như có một hoặc một số tổ chức khác ngoài tổ chức Công đoàn Việt Nam, đại diện cho người lao động xuất hiện trong doanh nghiệp bạn, lôi kéo đoàn viên của bạn theo họ thì với cương vị là Chủ tịch CĐCS bạn sẽ ứng xử thế nào? Với cương vị là đoàn viên công đoàn bạn có tham gia các tổ chức đó không? v.v…

 

 

Đ/c Luyện Phương Nam, Chủ tịch công đoàn các Khu công nghiệp tặng hoa và quà chị, em nhân ngày mồng 8/3

Qua các tình huống và những vấn đề được đại biểu đưa ra, thảo luận, đồng chí Luyện Phương Nam chủ trì buổi Tọa đàm đã khéo léo đưa ra một số cách xử lý như: Phân tích cho lãnh đạo doanh nghiệp về sự bất ổn sản xuất kinh doanh, nếu có nhiều tổ chức cạnh tranh nhau trong doanh nghiệp; phân tích, tuyên truyền cho đoàn viên, người lao động cần tìm hiểu kỹ các tổ chức khác tránh bị lôi kéo, lợi dụng vì động cơ chính trị ảnh hưởng đến việc làm và người thân trong gia đình; tích cực tuyên truyền hoặc đề nghị công đoàn cấp trên về tuyên truyền để vận động và giữ đoàn viên của mình; tích cực tổ chức nhiều hoạt động vì lợi ích của đoàn viên, người lao động.

 Các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến bảo vệ và giữ vững lập trường, tôn chỉ mục đích của tổ chức Công đoàn Việt Nam, kiên quyết đi theo tổ chức Công đoàn Việt Nam. Một số cán bộ công đoàn cơ sở đưa ra ý kiến cần phải nâng cao trình độ lý luận chính trị, am hiểu sâu về chính sách, pháp luật nhằm bảo vệ quyền và lợi ích, hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động, nhất là thời kỳ công nghiệp 4.0, phụ nữ Việt Nam cần phải nêu cao tinh thần cảnh giác, có ý thức bảo vệ bà mẹ và trẻ em, xứng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ trao tặng “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Chị Nguyễn Thị Hồng Liên – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Regina Miracle International Hưng Yên đưa ra ý kiến: “Nếu trong doanh nghiệp của tôi có một tổ chức khác hoạt động đại diện cho người lao động, thì tôi sẽ bình tĩnh và tìm ra những điểm yếu của họ và chỉ ra cho các đoàn viên của mình thấy được, không vì lợi ích trước mắt mà nghe theo những lời xúi giục để làm mất hết những gì mình đã tin tưởng, đã cống hiến đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam; một mặt gặp gỡ chủ doanh nghiệp tác động nêu bật những điểm mạnh của tổ chức Công đoàn Việt Nam, không để tổ chức khác lấn át và kiên quyết đẩy mạnh các phong trào hoạt động chăm lo, bảo vệ, quyền, lợi ích của người lao động. Đồng thời tìm nhóm đối tượng kia để hỏi han, tìm hiểu và đối chất với họ, chỉ ra những điểm yếu của họ và thuyết phục họ, không nên làm như thế sẽ tạo ra mâu thuẫn tranh giành chúng ta với chúng ta, người Việt với người Việt và dẫn đến mất đoàn kết, đa công đoàn, đa Đảng thì chính chúng ta, con cháu chúng ta lại là người hứng chịu, tốt nhất chúng ta tuyệt đối trung thành với một tổ chức Công đoàn Việt Nam đã thành lập và xây dựng 90 năm qua. Nếu như tôi không có đủ khả năng tuyên truyền và thuyết phục thì sẽ nhờ công đoàn cấp trên giúp đỡ”./.

                                                                                                             Thực hiện: Thu Nguyệt – Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh Hưng Yên