Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 07 năm 2013

Đăng ngày 24/08/2013
Lượt xem: 3592
100%
* Nâng mức giảm trừ gia cảnh lên 9 triệu đồng/tháng 
Theo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế thu nhập cá nhân, từ 1/7/2013, cá nhân cư trú có thu nhập tiền lương, tiền công, thu nhập từ kinh doanh được giảm trừ gia cảnh vào thu nhập chịu thuế trước khi tính thuế là 9 triệu đồng/tháng đối với người nộp thuế (108 triệu đồng/năm). Mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng là 3,6 triệu đồng/tháng kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng. Trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh theo quy định thì thực hiện theo mức do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo.
Trách nhiệm tham gia bảo hiểm thất nghiệp của người lao động.
 Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật lao động về hợp đồng lao động có hiệu lực từ 1/7/2013, người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động của hợp đồng lao động giao kết đầu tiên có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật. 
Người sử dụng lao động của các hợp đồng lao động còn lại có trách nhiệm chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động khoản tiền tương đương với mức đóng BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. 
Khi hợp đồng lao động mà người lao động và người sử dụng lao động đang tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp chấm dứt hoặc thay đổi mà người lao động và người sử dụng lao động không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp thì người lao động và người sử dụng lao động thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp của hợp đồng lao động kế tiếp có trách nhiệm tham gia BHXH bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật.  
* Quy định làm thêm giờ đối với người lao động.
Nghị định 45/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi và an toàn lao động, vệ sinh lao động có hiệu lực từ 1/7/2013, trong đó quy định làm thêm giờ đối với người lao động.
Theo đó, số giờ làm thêm trong ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; khi áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, tết và ngày nghỉ hằng tuần thì số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày.
Nghị định cũng quy định 3 trường hợp được tổ chức làm thêm từ 200-300 giờ trong một năm gồm: 1- Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, chế biến nông, lâm, thủy sản; 2- Sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; 3- Các trường hợp khác phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn.
Sau mỗi đợt làm thêm tối đa 7 ngày liên tục trong tháng, người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động nghỉ bù số thời gian đã không được nghỉ.
Trường hợp không bố trí nghỉ bù đủ số thời gian thì phải trả lương làm thêm giờ theo quy định tại Điều 97 của Bộ Luật lao động.