Cẩm nang nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến, 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra phổ biến trên không gian mạng Việt Nam
Lừa đảo trực tuyến là vấn đề phức tạp đã và đang nhận được nhiều sự quan tâm của toàn xã hội. Các đối tượng xấu lợi dụng bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin để thực hiện nhiều vụ lừa đảo trực tuyến, chiếm đoạt tài sản có giá trị cao.
Trong đó, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam:
|
Các hình thức lừa đảo trên không gian mạng được kẻ lừa đảo thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau và ngày càng tinh vi, trong đó nhắm vào nhiều nhóm đối tượng, bao gồm: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên, đối tượng công nhân, nhân viên văn phòng… Mỗi nhóm đối tượng ở độ tuổi khác nhau, kẻ lừa đảo thực hiện những hình thức dẫn dụ khác nhau; mục tiêu chung là lấy lòng tin, đánh cắp thông tin người dùng, sau đó chiếm đoạt tài sản.
Một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng này được xác định từ nhận thức của người sử dụng. Bên cạnh các giải pháp kỹ thuật, Cục An toàn thông tin (Bộ TTTT) nhận thấy việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức để trang bị cho mỗi cá nhân những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhằm bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng là yếu tố then chốt, giúp tạo dựng một không gian mạng Việt Nam an toàn, góp phần thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội số một cách bền vững.
Khuyến cáo tới đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ và mọi người dân:
1. Cảnh giác, phát hiện các dấu hiệu lừa đảo khi nhận được các cuộc điện thoại, tin nhắn quảng cáo, chào mời tham gia các hoạt động đầu tư có lợi nhuận cao, vay vốn lãi suất thấp, không thế chấp...
2. Sử dụng mật khẩu an toàn để bảo vệ các tài khoản của mình trên mạng; khuyến cáo nên đặt mật khẩu có độ dài từ 8 ký tự bao gồm cả chữ hoa, chữ thường và ký tự đặc biệt; nên đổi mật khẩu định kỳ 3-6 tháng/lần và Không nên sử dụng cùng mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau.
3. Không chia sẻ thông tin cá nhân, giấy tờ cá nhân (căn cước công dân, thẻ ngân hàng...) lên mạng xã hội. Không chia sẻ mã OTP giao dịch ngân hàng cho bất kỳ ai.
4. Không cài các ứng dụng trên điện thoại từ các link do người khác gửi đến khi không rõ nguồn gốc, mục đích.
5. Không cung cấp thông tin cá nhân, chuyển tiền cho các đối tượng lạ gọi điện giới thiệu là cơ quan công an, viện kiểm sát... Không tin vào các quyết định tố tụng gửi qua mạng, báo qua điện thoại (lệnh bắt giữ, khám xét, phong tỏa...).
6. Không chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng khi chưa bảo đảm chắc chắn thông tin người nhận. Khi có người quen vay mượn tiền qua nhắn tin facebook, zalo...; cần xác minh rõ (gọi điện thoại trực tiếp...) để xác thực thông tin trước khi cho vay tiền.
7. Cảnh giác khi tiến hành đặt các dịch vụ qua mạng như dịch vụ du lịch để đề phòng bị lừa đảo; nên lựa chọn những công ty du lịch có uy tín, thông tin rõ ràng và kiểm tra, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi tiến hành đặt dịch vụ.
8. Liên hệ ngay với tổ chức ngân hàng để kiểm tra và báo cáo giao dịch đáng ngờ; đồng thời liên hệ tới cơ quan công an gần nhất khi nhận thấy có sự việc bất thường, nghi vấn lừa đảo để được hỗ trợ kịp thời.
Cục an toàn thông tin – Bộ TTTT đã xây dựng cuốn Cẩm nang “Nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” nhằm cung cấp kiến thức phòng tránh để bảo vệ bản thân và gia đình trên không gian mạng.
Xem chi tiết và download tại đây
Theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC)
BBT tổng hợp (v)